Học chế tín chỉ: Phương pháp đào tạo đại học chủ động và hiệu quả

19/10/2005 21:57 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt "Đề án đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam" với nhiều nội dung mới, trong đó có nhiệm vụ cần làm ngay và phải hoàn thành trong vòng từ 3 đến 5 năm tới là: chuyển các cơ sở giáo dục ĐH đang đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ (HCTC), xây dựng quy trình đào tạo mềm dẻo và liên thông.

 

Tạo sự chủ động cho sinh viên

 

HCTC là một hình thức đào tạo được hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng vì nó phân chia kiến thức đào tạo thành những đơn vị học tập mà sinh viên (SV) có thể tự sắp xếp để tích lũy được ở những thời gian và không gian khác nhau. Tùy điều kiện của mỗi người, người học có thể học nhanh hơn hay muộn hơn so với tiến độ bình thường, có thể thay đổi chuyên ngành học ngay giữa tiến trình học tập mà không phải học lại từ đầu. HCTC còn tạo ra một "ngôn ngữ chung" giữa các trường ĐH, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi SV giữa các trường trong nước và trên thế giới, rất thuận lợi trong các chương trình đào tạo liên kết.

 

Ông Nguyễn Hữu Lam (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển quản trị thuộc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - CEMD), người nhận bằng Tiến sĩ Phát triển nguồn nhân lực tại ĐH Texas A&M (Mỹ), cho rằng: "Xã hội hiện đại đòi hỏi kiến thức phải vừa rộng vừa sâu, có cái nhìn toàn cục nên dù học chuyên sâu một ngành nào cũng cần có những kiến thức hỗ trợ khác. Chính vì vậy, các trường ĐH ở Mỹ khuyến khích SV học 2 bằng một lúc. Bằng HCTC, trong một ngành học nào đó cũng có những môn bắt buộc SV phải vượt qua và những môn tự chọn rất đa dạng. Chính cách học này tạo ra những con người hết sức năng động trong cuộc sống". HCTC đòi hỏi SV phải có chiến lược học tập, xây dựng kế hoạch học tập và đăng ký môn học theo khả năng học tập, nhu cầu ngành học và hoàn cảnh kinh tế của mình. Để giúp SV làm tốt việc này, ở các nước tiên tiến, đội ngũ các thầy cô giáo cố vấn học tập được tổ chức rất chu đáo, hướng dẫn SV môn nào nên học trước, nên học với giảng viên nào (vì một môn học có thể có nhiều thầy dạy) phù hợp với kế hoạch học tập của mình.

 

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), nhận bằng Tiến sĩ tại Trường ĐH Sydney (Úc) năm 1974 và tiếp tục học ở ĐH Harvard (Mỹ) 2 năm, khẳng định: "HCTC tạo điều kiện và bắt buộc SV phải chủ động trong việc học tập của họ và cái lợi lớn nhất là làm cho chất lượng học tập tăng lên rất rõ ràng do SV được lựa chọn môn học theo khả năng học tập, nhu cầu ngành học và hoàn cảnh kinh tế của mình". Chính nhờ học theo HCTC nên chỉ trong một thời gian ngắn, một sinh viên Mỹ gốc Việt là Nguyễn Tuệ ở Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã lấy được 5 bằng ĐH và trở thành một người có kiến thức tổng hợp rất nhiều lĩnh vực".

 

Đường đi đã có

 

Tiến sĩ Trương Chí Hiền - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhận định: "Trước đây giảng viên quen soạn giảng theo học chế niên chế, lúc mới đổi qua HCTC phải soạn giảng lại tất cả; phương pháp giảng dạy cũng có thay đổi, nội dung không được cắt ngắn nhưng phải cân nhắc để phân chia phần nào giảng trực tiếp, phần nào giao cho SV nghiên cứu... Đối với các SV từ phổ thông mới lên, lâu nay được thầy cô "nắm tay chỉ việc" từng bước một, bây giờ phải tự quyết định môn học nên cũng hết sức lúng túng". Một giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy theo HCTC bày tỏ ý kiến: "HCTC hướng đến sự thay đổi lớn phương cách, thói quen dạy - học của người dạy lẫn người học. HCTC giảm khối lượng giờ giảng trên lớp, khuyến khích tự học. Chuyển sang HCTC, giảng viên phải giảm thời lượng, thay đổi phương pháp để khuyến khích tính chủ động của người học, rất khó khăn với đa số giảng viên chỉ quen phương cách đọc - chép lâu nay. Ngoài ra, HCTC đòi hỏi môi trường tự học với các phương tiện đa dạng hỗ trợ người học như giáo trình tốt, website điện tử, lực lượng trả lời thắc mắc tại bộ môn...".

 

Từ năm 1993, HCTC đã được thực hiện ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, sau đó là các trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ĐH Xây dựng Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Thăng Long Hà Nội, ĐH Đà Lạt, ĐH Thủy sản Nha Trang, ĐH Cần Thơ... Trong những khóa đầu tiên thực hiện HCTC, các cán bộ chủ chốt Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đứng ra đảm trách việc quản lý SV, hiện nay đã chuyển cho các khoa đảm trách. Khó khăn nhất trong giai đoạn đầu là soạn ra được chương trình đào tạo theo HCTC để tất cả SV nhìn được đầy đủ các "hướng đi", có đủ dữ kiện để chọn lựa chính xác những môn mình sẽ đăng ký học. Ở thời điểm này, các giảng viên đều phải báo cáo bản đề cương chi tiết gồm: tên giảng viên dạy, tài liệu nào đọc, số tiết, điều kiện để học môn này (phải học trước môn nào)... Chương trình đào tạo tổng quát ghi trong niên giám (giới thiệu tổ chức trường, quy chế học vụ, giới thiệu các môn học để SV lựa chọn, chương trình các môn học) phát cho tất cả SV nghiên cứu. Mỗi học kỳ, SV còn được phát quyển "Sổ tay SV" ghi thêm những bổ sung, thay đổi. Việc chọn lựa của SV tương đối thuận lợi nhờ những cẩm nang chi tiết này. Một trong những nỗ lực của Trường ĐH Bách khoa là xây dựng được một hệ thống quản lý đào tạo, giám sát học tập của từng SV bằng máy tính, quản lý 26.000 thời khóa biểu của 26.000 SV, quá trình đào tạo được liên tục cập nhật và đổi mới chương trình cho phù hợp với các chương trình của các ĐH tiên tiến trên thế giới.

 

Như vậy, đường đi cho HCTC tại VN cũng đã có, vì có lợi cho SV, có lợi cho xã hội nên không thể không bắt đầu triển khai dần hình thức đào tạo này cho các trường ĐH còn lại.

  

 

Ý kiến sinh viên

 


Sinh viên tự học ngoài sân trường - Ảnh: N.Q

Nguyễn Tuấn Việt - Tốt nghiệp khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM (2000 - 2004): HCTC rất thuận lợi cho SV vì khi nhà trường công bố thời khóa biểu các môn học thì SV có thể chọn buổi học phù hợp với điều kiện của mình trong từng học kỳ. Để lấy bằng cử nhân, chúng tôi phải có đủ 213 tín chỉ, những SV nào chuyên chú học tập thì thường dồn sức học tăng số tín chỉ ở những học kỳ đầu để học kỳ cuối có thời gian tập trung làm đề tài tốt nghiệp có chất lượng và có điều kiện thực tập tốt ở các công ty phù hợp với ngành nghề của mình.

 

Nguyễn Khắc Duy - SV năm thứ 3 khoa Xây dựng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: HCTC rất hay vì ngoài những môn bắt buộc, SV có thể đăng ký những môn mình thích để học hiểu biết thêm. Chẳng hạn, tôi học ngành Dân dụng nhưng lại có thể học thêm các bộ môn Cơ khí, Mạch điện, Chế tạo máy... nên sau này ra làm việc sẽ hiệu quả hơn. HCTC làm cho tôi thấy mình có trách nhiệm hơn với kế hoạch học tập của mình, tích cực học tập hơn để đạt kết quả tốt.

 

Nguyễn Trần Minh Nguyệt - Học viên Cao học ngành Tự động hóa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tốt nghiệp khoa Điện Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: Trong 4 năm học theo HCTC ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, tôi thấy rất thuận lợi vì trong quá trình học có thể linh động để đăng ký môn học và học vượt. Ví dụ: có một học kỳ tôi học thực hành vào buổi chiều, phân bố lý thuyết rất ít nên tôi đăng ký học vượt về lý thuyết trong buổi sáng. Chính vì vậy nên tôi rút ngắn được thời gian hoàn tất chương trình kỹ sư.

 

Nguyễn Nam Phong - SV năm thứ 3 khoa Công nghệ vật liệu, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Tôi thấy rất tiện cho SV vì tùy điều kiện cụ thể của mình mà SV có thể đăng ký môn nào thích để học trước, trường hợp thi không đạt môn nào thì chỉ học lại môn đó chứ không phải học lại hết các môn như hệ thống niên chế. Đề nghị nên cho SV khá được học thêm bằng 2 ngay khi đang học bằng 1 vì ở trường tôi chỉ có 2 ngành Công nghệ thông tin và Quản lý công nghiệp mới được học bằng 2.

 

N.Q (ghi)

 

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.