Bức xúc tình trạng phạm pháp trong đội ngũ cán bộ tư pháp

20/10/2005 00:26 GMT+7

Trong báo cáo thẩm tra trước Quốc hội (QH) ngày hôm qua (19/10), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH cũng đã lưu ý tình trạng vi phạm pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức trong chính các ngành bảo vệ pháp luật. Trong khoảng 1 năm qua, đã có trên 400 trường hợp cán bộ, công chức làm nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... vi phạm pháp luật bị xử lý.

Ủy ban Pháp luật cũng đã đề nghị  lãnh đạo các ngành công an, kiểm sát, tòa án, tư pháp thường xuyên kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức sai phạm. Trong giờ nghỉ giải lao, phóng viên Báo Thanh Niên đã phỏng vấn một số đại biểu QH về vấn đề này.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Hiện: "Đó là điều đáng hổ thẹn"

Vài năm trở lại đây thấy nổi lên vấn đề một số người trong các cơ quan bảo vệ pháp luật như Thanh tra Chính phủ, cơ quan công an nói chung, viện kiểm sát hay ngay cả những người làm công tác xét xử lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ để vi phạm pháp luật: tham nhũng hay phổ biến là vòi vĩnh, đòi tiền hối lộ của đương sự. Việc vi phạm pháp luật của công dân ít hiểu biết pháp luật đã là đáng trách nhưng việc đó lại xảy ra ngay trong chính cơ quan bảo vệ pháp luật là việc đáng buồn, đáng hổ thẹn hơn nhiều. Trước thực tế như hiện nay, không phải đợi các quy định chung của Nhà nước mà mỗi cơ quan trong hệ thống bảo vệ pháp luật phải "tự xử" rất nghiêm khắc với những vi phạm trong nội bộ. Trong ngành tòa án của chúng tôi và tôi nghĩ các cơ quan khác cũng vậy, nhiều trường hợp vi phạm, thậm chí chỉ mới có hiện tượng thôi chúng tôi đã phải có biện pháp phòng ngừa sớm. Chẳng hạn như khi có đơn thư tố cáo cá nhân nào đó có hành vi vi phạm pháp luật là phải xác minh làm rõ ngay, rất thận trọng khi sắp xếp, phân công công việc. Chúng tôi làm không trừ bất cứ trường hợp nào. Nhưng tôi cho rằng biện pháp phòng ngừa chủ động là rất quan trọng. Từng cơ quan bảo vệ pháp luật, các bộ, ngành trước hết phải tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, chiến sĩ. Đạo đức nghề nghiệp đối với công việc nào cũng quan trọng nhưng với những người làm trong các cơ quan bảo vệ pháp luật càng quan trọng hơn.

Ông Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp: "Phải có cơ chế đặc biệt để kiểm tra nội bộ"

Bộ luật Hình sự đã quy định ai vi phạm đều bị xử lý. Còn với người có chức vụ, quyền hạn mà phạm tội thì trách nhiệm pháp lý càng nặng hơn, phải được xử lý nghiêm khắc hơn. Các cơ quan bảo vệ pháp luật có nhiệm vụ giữ gìn kỷ cương pháp luật, đấu tranh chống tội phạm mà lại tiếp tay cho tội phạm hay trực tiếp phạm tội thì đó là điều không tha thứ được và dư luận rất phẫn nộ về điều này. Cho nên các cơ quan pháp luật luôn phải rà soát lại đội ngũ của mình. Phải có cung cách, cơ chế đặc biệt để kiểm tra nội bộ và phải dựa vào dân, vào báo chí để phát hiện cán bộ, công chức sai phạm trong ngành, nếu có sai phạm thì kiên quyết xử lý chứ không thể bao che. Các cơ quan bảo vệ pháp luật được giao quyền hạn nhất định nhưng trong ngành nào cũng có hệ thống để tự thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, các cơ quan này còn nằm dưới hệ thống giám sát của QH, các đoàn thể. Tuy nhiên, việc giám sát hệ thống quyền lực của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đúng là vẫn còn yếu. Trong ngành tư pháp, chúng tôi cũng có qui chế về kiểm tra, giám sát cán bộ thực thi công vụ về thi hành án, công chứng, hộ tịch; có đường dây nóng để nắm bắt thông tin từ cơ sở, của dân phản ánh về tiêu cực của cán bộ tư pháp. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra để đi thanh tra, kiểm tra cán bộ địa phương. Trong năm 2005, trong khối thi hành án, chúng tôi cũng đã phát hiện và xử lý 25 cán bộ thi hành án vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM: "Kỷ cương, kỷ luật trong các ngành tư pháp phải được chấn chỉnh mạnh hơn..."

Tôi thấy rằng, việc cán bộ, công chức các ngành, các bộ có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật mà vi phạm pháp luật là điều không thể chấp nhận được. Nguyên nhân chính của tình trạng này do phẩm chất đạo đức sa sút. Các ngành này phải có những giải pháp tổng thể để nâng cao phẩm chất của cán bộ, công chức trong ngành mình. Những hiện tượng vừa qua như cán bộ thanh tra  nhũng nhiễu, đòi hối lộ; nạn mãi lộ trong một bộ phận cảnh sát giao thông... cho thấy có sự lạm dụng chức trách. Phẩm chất đạo đức không ra gì thì khi giải quyết công việc mình được giao sẽ không thể khách quan và không còn đúng pháp luật nữa. Đối với các ngành tư pháp thì càng phải tăng cường kiểm tra, thanh tra nội bộ, nghiêm minh trong xử lý cán bộ để làm gương.

Mạnh Quân - Tuyết Nhung (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.