Trang trại của Lê Văn Tường nằm sâu giữa vùng đồi nối tiếp đồi của huyện Đắk R'Lấp tỉnh Đắk Nông. Từ trung tâm thị trấn Kiến Đức đến đây phải qua hơn 5 km đường mòn đất đỏ lầy lội, vòng quanh hàng chục quả đồi xanh rợp bóng cây rừng nguyên sinh. Lê Văn Tường, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk R'Lấp đã đưa tôi về trang trại của anh bên dòng suối nhỏ. Một cơ ngơi sản xuất được hình thành từ năm 1998, nay đã lên màu xanh thắm tốt tươi với 1 ha vườn cây ăn trái các loại, 1 ha hồ tiêu và 4 ha cà phê; tất cả bao quanh thẳng tắp hơn 500 cây dó đang sung sức tạo trầm quý giá ẩn kín bên trong thân cây sắp đến tuổi cho khai thác loại dược thảo thần kỳ. Tường đã kể cho tôi nghe về cuộc đời anh từ tuổi 15 cơ cực gian nan cho đến ngày thành đạt vững vàng hôm nay: "Mùa mưa này tôi vừa cho anh em trồng xen 6.000 cây dó khắp trang trại nhỏ với hướng đi lâu dài sẽ chuyển đổi: lấy loại cây tạo trầm thay thế chỗ đứng của cây hồ tiêu và cà phê bấy lâu. Chỉ 3 đến 4 năm đầu, đặc biệt trên vùng đất phù sa bazan này cùng với công người có cái tâm chăm sóc, khả năng tạo trầm sẽ bắt đầu sinh sôi trong thân cây có đường kính từ 10 đến 15 cm. Hơn 500 cây dó trồng từ năm 1998 đã ngậm lõi trầm bên trong, vừa rồi có người bên Đài Loan muốn mua trọn tất cả với giá 10 triệu đồng/cây...".
Con số 5 tỉ đồng mà Lê Văn Tường có được chỉ trong thời gian 7-8 năm. Ấy là chưa kể 6.000 cây giống vừa bén rễ trên đất này, trong tương lai đến giai đoạn phát triển trầm sẽ cho người cán bộ kiểm lâm trồng rừng dược liệu quý số tiền lớn gấp 10 lần hôm nay. Một cán bộ Huyện ủy Đắk R'Lấp nói với tôi, ông kỹ sư lâm nghiệp Lê Văn Tường mỗi buổi sáng mở mắt ra là có 2 triệu đồng từ nguồn tăng trưởng trầm hương trong 500 cây dó. Đó là lý do anh chưa vội bán những hàng cây đang độ sung sức với giá 10 triệu đồng/cây. Cũng có thể hiểu theo khía cạnh tình cảm, người trồng cây lớn lên thật khó lòng cho ai khác bỏ tiền ra chặt hạ sớm đời cây đang sống. Khi mới vừa đến trang trại của Tường, lạ lùng thích thú nhìn hàng cây dó đầu tiên xum xuê trái đầy cành trước ngõ, anh liền nói với tôi: "Đó là tiền, 20.000 đồng/kg, mỗi năm tôi bán ra hơn 3 tấn. cây dó đến năm thứ 3 là cho trái đầy cành rồi. người ta mua để lấy hạt chế biến tinh dầu xuất khẩu...".
Nguyễn Hoàng Thu
Bình luận (0)