Trên thế giới, mô hình TBI đã phát triển ở nhiều nước như Mỹ, Đức, Trung Quốc... Có thể hiểu, TBI là một tổ chức tiếp đón, đồng hành và hỗ trợ những người có dự án về công nghệ muốn thành lập một doanh nghiệp nhưng còn thiếu một số yếu tố cơ bản như vốn, mặt bằng, kinh nghiệm... TBI sẽ giúp đỡ và củng cố hy vọng thành công cho những doanh nghiệp công nghệ thành viên từ lúc bắt đầu thành lập cho đến khi có khả năng hòa nhập với môi trường kinh doanh.
Ở Việt Nam, mô hình này đã được Bộ Khoa học - Công nghệ quan tâm và xem nó như một trong những hướng mới để đưa công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo trong các trường ĐH đến gần với thực tế hơn, hiệu quả hơn. Dự kiến, TBI sẽ hỗ trợ không gian làm việc (văn phòng, phòng thí nghiệm), các dịch vụ chung (thiết bị văn phòng), tư vấn kinh doanh (thị trường, sản phẩm...) cùng những vấn đề về pháp lý như quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ sản phẩm, giúp tiếp cận các nguồn tài trợ đặc biệt như quỹ đầu tư mạo hiểm... PGS - TS Bùi Nguyên Hùng - một thành viên trong nhóm nghiên cứu TBI cho biết: "Bên cạnh đối tượng là sinh viên, bạn trẻ thì các nhà nghiên cứu và những người đoạt giải thưởng về sáng tạo công nghệ cũng có thể trở thành thành viên của TBI. Sắp tới, chúng tôi có mời một chuyên gia ở Silicon Valley (Mỹ) sang làm công tác huấn luyện đào tạo. Có một khó khăn mà TBI đang gặp phải là vấn đề cơ sở vật chất để đầu tư cho doanh nghiệp. Vì thế, Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ bước đầu rất mong tìm được sự hỗ trợ của các nhà đầu tư, các ngân hàng, tổ chức... để cùng góp sức mang cơ hội lập nghiệp đến cho bạn trẻ".
M.Quyên
Bình luận (0)