Free mở đầu với ca khúc nổi nhất của mình All right now. Paul Rodgers của Free đang trở lại sân khấu 2005 ở một vị trí nặng ký: thay thế Freddie Mercury của nhóm Queen. Dĩ nhiên, album live mới phát hành Return of the champions không thể chỉ ghi "Queen" mà là "Queen + Paul Rodgers". Thật ra Queen lần này cũng không trọn vẹn 3 thành viên còn lại mà chỉ có Brian May và Roger Taylor, tay bass John Deacon đã lui vào ở ẩn. Những ca khúc trong album không chỉ của Queen mà còn của các nhóm nhạc Paul từng hát chính như Wishing well (nhóm Free), Can't get enough (Bab Company)... Black Sabbath đóng góp với Headless cross khi Ozzy đã ra đi và giọng hát chính là Tony Martin. DVD cũng là dịp hiếm hoi để gặp lại các ban nhạc ít tiếng tăm hơn như Saxon (cùng thời với Iron Maiden) hay Magnum (một thời quen thuộc ở các quán cà phê video nhạc với bài Rockin' chair). Jack Bruce của Cream chơi lại White room. Giọng hát vẫn đầy uy lực, vẫn cây fretless bass, vẫn âm thanh thực từ cây organ Hammond cũ kỹ, nhưng... đây là bài chơi lại lạ và ít thành công nhất khi có thêm bộ gõ và nhất là tiếng guitar không còn như xưa. Tay guitar da đen có vẻ quá cứng nhắc. Anh chơi rất không tự nhiên, đôi khi có vẻ "lấm lét". Vị trí mà anh đứng trước đây được chiếm giữ bởi tên tuổi cự phách nhất nhì trong các anh hùng guitar: Eric Clapton. John Wetton từng có mặt trong những nhóm prog rock danh tiếng nhất như King Crimson, Asia, Uriah Heep, Wishbone Ash và lần này góp mặt với Heat of the moment của Asia. Wishbone Ash có mặt không phải với Everybody needs a friend, The king will come hay Persephone mà là Almighty blues. Nếu như Syliva của Focus, Speed king của Deep Purple vẫn còn chơi trên cây Hammond hai tầng thì Heat of the moments của John Wetton hay Life is for living của Barclay James Harvest chuyển sang chơi organ điện tử.
Thời hoàng kim đã qua, các nhóm nhạc một thời lẫy lừng giờ đây diễn trên những sân khấu nhỏ với lượng khán giả khiêm tốn. Các nhóm nhạc này có thể tự hào về một thời cống hiến hết mình nhưng chẳng thể trách họ khi tìm lại ánh hào quang. Xem phim Still crazy mới hiểu được sự đam mê nhạc chẳng bao giờ có thể tắt hẳn, mọi thứ cứ âm ỉ, nhức nhối dù bạn đang là gã làm vườn, thợ sửa mái nhà hay một nhân viên khách sạn. Classic rock cũng đang có những động thái tìm lại thời vàng son, không phải qua những buổi diễn nhỏ nhoi mà qua album mới và những chuyến lưu diễn hoành tráng. Sự xuống dốc khá rõ của Deep Purple với album Abandon tưởng chừng sẽ đẩy ban nhạc đến chỗ tan rã khi mất thêm thành viên sáng lập Jon Lord ở vị trí đàn phím. Bananas năm 2003 bất ngờ lấy lại lòng tin người hâm mộ không chỉ vì Don Airey thế chỗ Jon Lord rất tuyệt vời mà còn vì tiếng guitar của Steve Morse bắt đầu trở nên thích nghi với Deep Purple hơn bao giờ hết. Cuối tháng 10.2005 này, Deep Purple tại tiếp tục chinh phục những ai nuối tiếc "một thời classic rock" với album Rapture of the deep. Đây là một album rất khá với bài ballad Cleary quite asburd, với những câu organ không hề kém cạnh Jon Lord khi xưa trong bài Rapture of the deep hay ban nhạc chơi thật đều tay ở Back to back. Def Leppard cũng sẽ tung ra album Yeah gồm toàn những bản cover lại rock xưa: Waterloo sunset của Kinks, No matter what của Badfinger cho đến 10538 overture của ELO, Hell raiser của Sweet...
Trong bài Gửi gió cho mây ngàn bay có cụm từ "đập gương xưa tìm bóng" từ câu thơ của vua Tự Đức "Đập cổ kính ra tìm lấy bóng - Xếp tàn y lại để dành hơi". Những nhóm nhạc cựu trào này cố tìm lại bóng của chính mình nhưng không xếp tàn y mà tiếp tục khoác những chiếc đàn một thời chinh chiến. Có những khoảnh khắc tìm lại được, có những hào quang mãi mãi mất đi...
Trí Quyền
Bình luận (0)