"Cái thiếu trong đấu tranh chống tham nhũng của các cấp vừa qua không phải thiếu về tổ chức mà là thiếu về sự công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; thiếu cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu, thiếu cơ chế trong quản lý thanh toán, thiếu giải pháp cụ thể để khuyến khích phong trào đấu tranh chống tham nhũng. Đặc biệt là thiếu kiên quyết, thiếu nghiêm minh trong xử lý tham nhũng". Với lập luận này, ĐB Huỳnh Văn Tý (Bình Thuận) bày tỏ thái độ không ủng hộ việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng.
ĐB Lâm Văn Kỷ (Sóc Trăng) đồng ý thành lập Ban Chỉ đạo chuyên trách chống tham nhũng nhưng lại không đồng ý Trưởng ban là Thủ tướng Chính phủ mà đề nghị phải là Chủ tịch Quốc hội. Chủ tịch Nguyễn Văn An cũng tham gia vào cuộc thảo luận: "Chúng ta phân tích phải cân nhắc cái lý lẽ: có người làm phải có người giám sát. Nếu bây giờ Chủ tịch Quốc hội là Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng thì ai giám sát ban này? Giống như các vị đi ô tô, xe máy có chân ga lại phải có chân phanh. Có người nói, để Thủ tướng làm thì vừa đá bóng, vừa thổi còi nhưng không phải - người thổi còi ở đây sẽ là Quốc hội vì Quốc hội giám sát". Chủ tịch cũng lưu ý, việc thành lập Ban chỉ đạo cũng quan trọng "nhưng không phải là quyết định trong cuộc chiến chống tham nhũng, quyết định chính là việc thực hiện của các cấp, các ngành, của mọi cán bộ đảng viên".
Ý kiến về việc có hay không có Ban chỉ đạo, càng thảo luận càng phân tán, thậm chí có nhiều ĐB còn đề nghị không thành lập Ban chỉ đạo vì "chỉ mang tính đường hướng chung chung" mà nên thành lập Cục hoặc Ủy ban điều tra chống tham nhũng gắn với thẩm quyền xử lý từng vụ việc cụ thể.
Không kê khai tài sản của con cái: Khe hở của pháp luật
“Dự thảo quy định trách nhiệm của người đứng đầu nhưng chỉ ở ngay cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, chưa đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp. Chẳng hạn vụ điện kế điện tử ở Công ty điện lực TP.HCM, Tổng công ty điện lực Việt Nam có phải chịu trách nhiệm hay không? Vụ tiêu cực ở Tổng công ty dầu khí Việt Nam có liên quan đến tiêu cực của Trưởng đoàn thanh tra Chính phủ thì trách nhiệm của Chánh thanh tra Chính phủ thế nào? Nếu ở huyện có tiêu cực tham nhũng thì UBND cấp trên là Chủ tịch UBND tỉnh có chịu trách nhiệm không? Nếu bây giờ thành lập Ban Chỉ đạo chống tham nhũng nhưng tham nhũng không giảm mà ngày càng phát triển thì có xem xét trách nhiệm của Chính phủ, của Thủ tướng hay không? Đây là vấn đề nghiêm túc, cần quy định trong luật”. (ĐB Đặng Văn Xướng - Long An) |
Rất nhiều ĐB không đồng tình với quy định trong điều 50 dự thảo, chỉ công khai bản kê khai tài sản khi người nào đó được bổ nhiệm, bầu cử, phê chuẩn. "Thế các đối tượng khác kê khai để làm gì?", ĐB Hường đặt câu hỏi bằng một thái độ hơi gay gắt.
Người tố cáo tham nhũng phải được bảo vệ và khen thưởng
Dẫn chứng về tỷ lệ 70% đơn nặc danh tố cáo đúng sự thật, ĐB Huỳnh Thị Hường chỉ ra rằng, sở dĩ người ta phải nặc danh vì căn bệnh mất dân chủ ở ta còn trầm trọng, người tuyên chiến với sai phạm đa phần là "rước họa vào thân" là bị quy chụp thành phần chống đối và bị trù dập. ĐB Vũ Ngọc Cừ (Lào Cai) nói: "Điều mà những người đấu tranh chống tham nhũng cần không phải là khen thưởng mà họ cần được bảo vệ một cách thực sự. ĐB Cừ cho rằng quy định này trong dự thảo quá chung chung, không chủ động (các cơ quan có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe dọa, trù dập, trả thù người tố cáo...).
Các ĐB cho rằng, luật cần khẳng định rõ người tố cáo phải được pháp luật bảo vệ về quyền lợi và tính mạng. ĐB Huỳnh Văn Tý còn đề nghị luật quy định rõ, người tố cáo đúng sẽ được hưởng 5-10 hay 20% tổng giá trị tài sản tham nhũng thu hồi được để khuyến khích mọi người tham gia chống tham nhũng.
Chống lãng phí, phải chỉ đích danh!
Sau khi nghe phần trình bày của ông Nguyễn Đức Kiên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La) nhận xét về quy định sử dụng ô tô: "Theo quy định của dự thảo luật người có chức vụ cao đi xe nhiều tiền, chức vụ thấp đi xe ít tiền. Thực tế thì thấy người có chức vụ cao thường đi lại ở vùng đồng bằng và đường sá tốt hơn, người có chức vụ thấp lại thường xuyên phải đi cơ sở xa hơn, đường sá rất xấu. Tôi đề nghị quy định lại là: trang bị xe ô tô cho cán bộ căn cứ vào chức vụ nhưng phải kết hợp với địa bàn công tác thì mới hợp lý". Ông Nguyễn Bá Thanh (đại biểu của Đà Nẵng) dẫn ra một quy định "tiết kiệm" là không được mua xe ô tô hai cầu ngoại, nhưng thực tế thì "xe ngoại" (nhập nguyên chiếc) chạy được lâu hơn tới 3 lần xe nội. Như vậy quy định mua xe nội để tiết kiệm nhưng hóa ra lại là lãng phí. Góp ý về tính răn đe của luật, ông Thanh nhận xét: "Tôi đọc suốt 87 điều của luật thì chỉ thấy khi làm sai dù bất cứ ở mức độ nào thì cũng chỉ là bồi thường, xử lý vi phạm hành chính hoặc kỷ luật mà không chỗ nào thấy xử lý hình sự. Điều 35 có nói tới nhưng chỉ khi "có dấu hiệu tội phạm". Cứ cái đà này thì sẽ tiếp tục xảy ra những nhà máy đường không phát huy được công suất, những hồ thủy lợi không được sử dụng..., lãng phí tiền của đất nước, của nhân dân". Ông Thanh nói tiếp: "Pháp lệnh về vấn đề này đã có rồi nhưng không một cuộc tổng kết về tiết kiệm và chống lãng phí nào chỉ ra bộ nào, ngành nào, tỉnh nào tiết kiệm nhất hay lãng phí nhất. Phải chỉ đích danh chứ! Nếu cứ nói chung chung thì không thể kích thích thi đua tiết kiệm, chống lãng phí được". Đại biểu Phạm Thế Duyệt (Hải Dương) đề nghị giao việc giám sát và chỉ đạo thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí cho Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Ủy ban giám sát về vấn đề phòng chống tham nhũng của Quốc hội vì theo ông Duyệt "lãng phí và tham nhũng có mối liên hệ với nhau rất chặt chẽ". Hoàng Ly |
Tuyết Nhung
Bình luận (0)