Ngành chăn nuôi gia cầm trước nguy cơ kiệt quệ

27/10/2005 00:33 GMT+7

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm nhận định khả năng xảy ra đại dịch trong thời gian tới là rất lớn. Trong khi đó, theo các chuyên gia trong lĩnh vực thú y, hiện nay công tác và các biện pháp phòng chống của ta lại tỏ ra rất kém.

Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Trần Công Xuân, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam nói rằng trong đợt dịch trước, nhiều cơ sở chăn nuôi lớn không bị dịch nhưng cũng bị ảnh hưởng lớn, thậm chí cũng lao đao. Hầu hết các trường hợp chăn nuôi gia cầm không có tiềm năng. Sau đợt dịch vừa qua, họ phải đi vay ngân hàng để tiếp tục phát triển sản xuất, vì thế nếu tái dịch trên diện rộng, người chăn nuôi nhỏ lẻ, các doanh nghiệp chăn nuôi, giống và sản xuất thức ăn gia cầm sẽ bị kiệt quệ. Trong điều kiện dịch được giải quyết dứt điểm cũng phải mất nhiều năm sau đó ta mới khôi phục được đàn gia cầm, khả năng người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi là rất lớn. Thể chế xử lý các vi phạm không thống nhất. Ở vĩ mô thì Chính phủ đã làm rất quyết liệt nhưng dưới địa phương vẫn còn nơi này nơi khác xao nhãng. Người dân hiểu biết về dịch cúm còn hạn chế trong khi chính quyền địa phương lại không kiên quyết trong việc xử lý, chẳng hạn như đã có chủ trương không cho thả vịt ngoài đồng nhưng người dân ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn thả. Một vấn đề nữa là trong khi bên trong chúng ta làm rốt ráo thì ở các tỉnh biên giới vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng nhập lậu gia cầm; việc xử lý các ổ dịch cũng chưa triệt để. Trong thời điểm này, nếu không khắc phục được những điểm yếu trên thì việc xảy ra đại dịch là nhỡn tiền. 

Theo ông Xuân, các nước đưa ra quan điểm tiêu hủy gia cầm trong vòng bán kính 3 km của ổ dịch là có cơ sở khoa học. Ông cho rằng ở nước ta, nếu tiêu hủy trong vòng bán kính 3 km là quá mạnh, song nếu ta chỉ tiêu hủy gia cầm ở nơi xảy ra ổ dịch thì sẽ không triệt để, mầm bệnh vẫn còn. Vấn đề này các nhà khoa học phải tham mưu cho cơ quan chức năng quyết định. Viện Thú y và Cục Thú y là những nơi phải trả lời câu hỏi này.

Tiến sĩ  Trần Công Xuân kết luận: "Chúng ta đã tuyên bố là khống chế được dịch nhưng thực tế là chưa triệt để. Từ khi tuyên bố khống chế được đến nay dịch vẫn tái đi tái lại, làm cho ngành chăn nuôi gia cầm phát triển không ổn định. Nhiều doanh nghiệp không phát triển thêm quy mô, một số người thì rẽ ngang không chăn nuôi gia cầm nữa mà chuyển sang chăn nuôi giống khác. Một năm qua, biểu đồ phát triển của ngành theo chiều mũi tên đi xuống. Trước đây, tốc độ tăng trưởng của ngành này thường dao động từ 8-9% nhưng một năm qua, tốc độ tăng trưởng bị âm 3-5%".

Minh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.