Xin đừng vô cảm như thế !

01/11/2005 23:27 GMT+7

Dưới đây là câu chuyện đã xảy ra với gia đình tôi vào tối thứ hai 31.10.2005 tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM. Xin gửi đến quý báo như lời góp ý về một lối hành xử với bệnh nhân.

Tối ngày 31.10.2005, vợ chồng tôi bồng đứa con bị té sưng hết mặt mũi đến Bệnh viện Nhi đồng 2 xin khám. Sau khi vặn hỏi tới lui, có lẽ vì cám cảnh trước gương mặt sưng húp của bé, cô y tá chỉ vào cánh cửa phòng cấp cứu. Lúc đó là 19 giờ 10.

Cô bác sĩ trực bắt mạch, nhìn bé rồi bảo: trường hợp này không khẩn cấp, đề nghị đưa cháu vào phòng khám ngoại.

Chúng tôi mang đứa con đang gào thét kêu đau, ngồi chờ ở phòng khám ngoại số 11. Trong phòng lúc này không có ai. Đến 19 giờ 45, bác sĩ tới, nhìn sơ qua đôi mắt sưng tấy của cháu rồi bảo: trường hợp này phải qua khoa mắt - dù cô y tá ngồi kế bên đã nhắc nhở giờ này khoa mắt đã hết giờ khám bệnh.

Cháu bé đã bắt đầu lịm đi vì đau, mệt và hoảng loạn. Chúng tôi trở lại bàn hướng dẫn xin đến khoa mắt. Người trực quay số hỏi gì đó, rồi thông báo: bác sĩ bảo khoa mắt giờ này không khám, đưa bé đến phòng 11 khám ngoại. Chúng tôi trình bày vừa được bác sĩ phòng đó chỉ qua đây, người trực vẫn hờ hững: bác sĩ bảo sao tôi nói vậy !
Chúng tôi thật sự bế tắc. Có ai cứu con tôi không? Sao không ai chỉ cho tôi biết phải làm gì? Nhìn một đứa bé đang tím tái vì đau, mắt sưng húp, mặt thì rịn máu, có lẽ chưa đủ "đô" cho các bác sĩ phải động chân tay sao?

Cuối cùng, chúng tôi bồng con chạy qua Bệnh viện mắt Cao Thắng. Lúc này là 20 giờ 10, quá giờ làm việc nhưng con tôi đã được khám tận tình. Bác sĩ ở đây cũng chỉ vẽ gia đình những cách thức để làm dịu cơn đau của cháu, dịu nỗi hốt hoảng trong lòng người làm cha làm mẹ.

Tôi xin hỏi các vị bác sĩ trực của Bệnh viện Nhi đồng 2 đêm 31.10.2005: Các vị nghĩ sao nếu con cháu của mình chẳng may rơi vào trường hợp như con tôi, nghĩa là vào một bệnh viện công xin cấp cứu nhưng không nhận được sự giúp đỡ nào, cuối cùng phải đi tìm sự giúp đỡ ở một bệnh viện tư ? Nếu các vị - bằng đôi mắt chuyên môn của mình - nhìn thấy trường hợp của bệnh nhân này không nặng, không cần phải nhanh tay nhanh chân thì cũng phải có những xúc cảm của một người bình thường trước nỗi đau đớn của một đứa bé. Trường hợp này, không gì khác hơn là sự vô cảm !

Kim Tuyến (Q.7, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.