Một người Đức, sau này trở thành bạn thân của tôi, đến Việt Nam năm 1997 đã mang về những món quà lưu niệm mà bây giờ chúng được lưu giữ khắp nơi trên nước Đức bởi những người thân và bạn bè của cô. Vừa rồi, khi tôi sang thăm cô ấy ở Freising, một thành phố nhỏ của bang Bavaria, cô đưa cho tôi xem mấy đôi đũa và một cuộn dây ruy-băng cô mua ở Sài Gòn năm ấy. Đã qua bao lần chuyển nhà từ Remcheid đến Goettingen, rồi từ Hannover về Munich và đến Freising, những vật dụng mà không mấy khi cô dùng đến này vẫn được chuyển đi cùng gia đình và được đặt chung trong mớ dụng cụ nấu bếp và hộp kim chỉ. Cô nói: "Mỗi lần nhìn đến những thứ ấy, tôi lại nhớ Việt Nam và muốn trở lại đó một lần nữa".
Ông bà Roeck, người Bỉ, trong một lần đến Trung Quốc năm 1967 đã mua một bức tranh vẽ những du kích Việt Nam trong cuộc kháng chiến cứu nước. Dẫu bức tranh đó không phải do người Việt Nam làm ra nhưng ông bà vẫn xem đó là cái gì rất "hồn" của Việt Nam. Dù cũng trải qua bao lần dời chuyển nhà, ông bà vẫn luôn dành một vị trí trang trọng cho bức tranh trong phòng khách. Có khách đến nhà, ông bà lại chỉ bức tranh mà "khoe" rằng cô con gái duy nhất của ông bà đã 2 lần đến Việt Nam tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh.
Còn nhiều chuyện lắm. Nhưng câu chuyện về những chiếc nón lá hôm nay sẽ trở thành nhịp cầu nối kết tình thân ái, sự hiểu biết giữa hai dân tộc Việt - Úc hôm nay, và mãi mãi.
Thục Minh
Bình luận (0)