Bệnh gút - chớ nên quá lo lắng, bi quan

11/11/2005 15:01 GMT+7

* Hỏi: Tôi năm nay 25 tuổi, đang mắc một căn bệnh khó chữa - bệnh gút. Lúc 14 tuổi bắt đầu cơn bệnh, đến mùa lạnh thì không thể chịu được vì các khớp chân bị sưng lên, các đầu ngón chân sưng và rất đau, từ đầu gối xuống khắp bàn chân thì nổi những nốt đỏ, có mủ, khi hết để lại vết sẹo thâm một thời gian dài. Đã 9 năm, nay lại tái phát. Tôi đã chữa trị bằng rất nhiều phương pháp, cả tây và đông y, nhưng những vết thâm trên chân không hết hẳn. Tôi rất đau khổ và chán nản. Tôi rất muốn ra nước ngoài làm việc nhưng lại sợ ở xứ lạnh căn bệnh này sẽ gây đau đớn. Xin bác sĩ giúp đỡ. (Y Nhi - Gò Vấp, TP.HCM)

Đáp: Bệnh gút là bệnh rối loạn chuyển hóa gây tăng lượng acid Uric trong máu, biểu hiện bằng viêm khớp, nổi u cục dưới da và quanh khớp, tổn thương thận và thường gặp ở nam giới tuổi trung niên. Bệnh có 2 thể:

1. Gút cấp tính: triệu chứnmg đặc trưng là cơn sưng tấy dữ dội ở khớp bàn ngón chân cái, cơn kéo dài vài ngày rồi khỏi nhưng bệnh rất hay tái phát, ngoài ra có thể đau ở các vị trí khác như cổ chân, khớp gối…
2. Gút mãn tính: đau ở khớp nhỏ và vừa, đối xứng. Biểu hiện:

+ Nổi u cục quanh khớp, dưới da, vành tai (hạt Trophi); các u cục này mềm, không đau  chứa một chất trắng như phấn.

+ Có thể tổn thương thận (sỏi tiết niệu, viêm thận kẽ).
 
Điều trị:

- Giai đoạn gút cấp tính:
 
* Cochicine 1mg uống ngày đầu 3 viên, ngày thứ hai uống ngày 2 viên chia 2 lần; từ ngày thứ ba trở đi uống ngày một viên cho đến khi hết đau.

* An thần nhẹ: Valium 1 viên /ngày, uống 3 ngày.

* Natri bicarbonat 3/1000: uống ngày 1-1,5 lít.
 
Sau đó chuyển sang chế độ điều trị dự phòng:

* Chế độ ăn uống hạn chế đạm, tôm, cua…

* Uống dung dịch kiềm Natri bicarbonat.

* Dùng thuốc tăng thải axit uric (Probenicid 300mg , 1- 3 viên /ngày)

- Gút mãn tính:

* Áp dụng chế độ ăn uống kiêng.

* Dùng dung dịch kiềm.

* Thuốc giảm tổng hợp axit uric: Alopurinol 100mg , uống 1-3 viên/ngày; Cochicine 1viên/ngày. Thời gian điều trị tối thiểu 6 tháng.

Với những tiến bộ của ngành y dược, hiện có rất nhiều thuốc khống chế bệnh gút, bệnh không còn đáng sợ đến mức khủng khiếp như bạn nghĩ, do vậy đừng quá lo lắng, bi quan. Muốn điều trị khỏi bệnh phải chuẩn đoán đúng bệnh. Ngoài ra, tinh thần phấn chấn, lạc quan cũng góp phần đẩy lùi bệnh. Bệnh này ít liên quan thời tiết mà thường liên quan đến chế độ ăn uống cũng như rối loạn chuyển hóa vì vậy bạn cần được khám, chuẩn đoán chính xác bệnh (xét nghiệm axit uric trong máu, nước tiểu). Nên đi khám ở chuyên khoa khớp nếu cần cũng nên có ý kiến của chuyên khoa da liễu để chuẩn đoán đúng bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp. Lưu ý: dùng thuốc phải kiên trì, đúng, đủ liều của bác sĩ).

BS Bạch Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.