Chậm chuyến, hủy chuyến bay có được bồi thường?

15/11/2005 23:16 GMT+7

*Quản lý website: Vì sao phải lập một rào cản cái mà mình không thể cản được! Ngày 15.11, các đại biểu Quốc hội chia nhóm thảo luận tại 2 hội trường về dự án Luật Công nghệ thông tin và dự Luật Hàng không dân dụng. Đây là 2 luật chuyên ngành và được chuẩn bị khá kỹ nên các đại biểu Quốc hội đã kết thúc sớm phiên họp sau khi xem xét một vài vấn đề còn chưa thống nhất.

Chưa dám quy định mạnh...

"Tôi có cuộc làm việc tại TP.HCM lúc 3 giờ 30 phút chẳng hạn, tôi sẽ chọn chuyến bay từ Hà Nội lúc 1 giờ để đúng 3 giờ có thể sẵn sàng làm việc. Nhưng hàng không chậm chuyến đến tận 4 giờ mới đến nơi, tức là chuyến làm việc của tôi bị hỏng. Quan điểm của tôi là phải tính sòng phẳng, nhà vận chuyển sẽ phải bồi thường cho tôi chứ không phải là "chịu chi phí liên quan" như dự thảo nói", ĐB Lê Thị Nga (Thanh Hóa) bày tỏ quan điểm như vậy khi góp ý vào dự thảo Luật Hàng không dân dụng hôm qua 15.11.

Theo dự thảo Luật Hàng không dân dụng, đối với trường hợp chậm chuyến và gián đoạn chuyến bay thì nhà vận chuyển có trách nhiệm chăm lo điều kiện sinh hoạt, thu xếp cho hành khách hành trình sớm nhất và chịu chi phí liên quan. ĐB Lê Thị Nga phân tích: "Hành khách sẽ được trả một khoản theo điều lệ vận chuyển và coi đây là khoản tiền bồi thường thiệt hại. Quy định như thế theo tôi là không hợp lý, mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự. Chưa kể nó còn thiếu bình đẳng theo cách có lợi cho người vận chuyển và thiệt hại cho khách hàng". "Nếu thiệt hại hoàn toàn do lỗi bất khả kháng thì có thể cân nhắc nhưng nếu  do lỗi của hãng hàng không, ví dụ như do ít khách mà dồn hai chuyến lại với nhau để hành khách bị chậm 1-2 tiếng bay chẳng hạn thì nhất định phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự", bà Nga kết luận.

Đồng ý với quan điểm này, ĐB Néang Kim Cheng (An Giang) nói: "Thực tiễn những năm qua cho thấy hành khách gặp nhiều phiền hà do sự chậm trễ của những chuyến bay. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, kế hoạch công tác, thậm chí cả sức khỏe của họ, vì vậy tôi đề nghị cần quy định thêm việc chậm trễ chuyến bay vào nội dung nghĩa vụ của người vận chuyển hành khách”. Bà Cheng đề nghị: nếu chậm 50% thời gian theo lịch trình thì phải bồi hoàn vật chất (cung cấp thức ăn, nước uống cho khách) còn nếu chuyến bay nào bị chậm 100% thời gian phải bồi thường bằng tiền. "Đây cũng là cách để nâng cao trách nhiệm trong khâu quản lý, điều hành bay", bà Néang Kim Cheng nhận xét.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đào Đình Bình, Trưởng ban soạn thảo thừa nhận "chưa dám quy định mạnh việc bồi thường cho khách nếu chuyến bay bị chậm" với lý do: "Nếu chúng ta quy định ngay việc bồi thường cho khách hàng thì hợp về mặt đạo lý nhưng sẽ gây khó khăn cho các hãng hàng không của chúng ta". Bộ trưởng đề nghị Quốc hội: "Hiện tại chỉ nên quy định mềm mại, cần có thêm một thời gian nữa để các hãng hàng không phát triển rồi sẽ tiến tới thực hiện bồi thường như các vị ĐB Quốc hội phát biểu".

Lập website phải đăng ký quá phức tạp

Phát biểu về dự án Luật CNTT, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Nông) nhấn mạnh tầm quan trọng của CNTT bằng một tuyên bố rất "ấn tượng": "Có lẽ phải đưa vào luật là những cán bộ nhà nước không chịu học công nghệ thông tin, không dùng được website, không dùng được mạng của Chính phủ thì nên từ chức. Đã đến lúc những cán bộ nhà nước không thể không hiểu biết về CNTT. Khi đã là chủ trương của Nhà nước thì chúng ta phải có điều khoản gì đó buộc cán bộ phải học công nghệ thông tin. Nếu như Thái Lan dám nghĩ cho mỗi học sinh một máy tính thì tôi nghĩ Quốc hội Việt Nam phải dám nghĩ cho mỗi đại biểu Quốc hội một máy tính. Khi đó, các thông tin không cần phải in giấy nhiều như thế này đều có thể chuyển qua mạng, hỏi ý kiến, lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội qua e-mail".

Đại biểu Mai Anh (Khánh Hòa), với tư cách là một nhà chuyên môn, đóng góp ý kiến cụ thể, thiết thực hơn: "Điều 23 có quy định tổ chức, cá nhân khi thiết lập website phải đăng ký. Chính phủ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thiết lập website. Theo tôi, quy định như vậy là quá phức tạp. Hiện nay, số lượng các cá nhân, tổ chức thiết lập website rất nhiều nên cũng không thể xét duyệt, kiểm tra được vì điều này vượt quá sức của cơ quan quản lý".

Cũng góp ý về quy định này, đại biểu Trần Đắc Sửu (Hải Phòng) nói: "Tôi rất nhất trí với đại biểu Mai Anh, quy định này là  không khả thi vì có nhiều tổ chức quốc tế cho phép lập website miễn phí và được lưu trữ trên hệ thống máy chủ của họ". Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) thì coi quy định này như việc "lập một rào cản cái mà mình không cản được". Ông Thuyết nói: "Bao nhiêu người mở website như thế thì cơ quan nào xử lý đăng ký cho được, mà đăng ký được chấp thuận liền thì đăng ký để làm gì ?".

Tuyết Nhung - Hoàng Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.