Đi chợ biên giới

18/11/2005 22:11 GMT+7

Dù lễ hội Vía Bà Chúa Xứ - một lễ hội có sức thu hút đến 2 triệu lượt người mỗi năm - đã qua đi từ lâu, nhưng không vì thế mà lúc này khách hành hương lại không chọn lựa Châu Đốc, An Giang làm điểm đến cho mình. Có lẽ vì ngoài cảnh đẹp, An Giang còn có tuyến biên giới chạy dài đến 97 km với những phiên chợ trù phú và đầy dẫy những điều thú vị.

Từ chợ tiền...

Có lẽ đối với bất cứ khách du lịch nào cũng vậy, mảnh đất lạ luôn gợi trí tò mò: đến đó ăn gì, chơi như thế nào và có tậu được món hàng nào vừa có giá trị lại thêm giá cả "bèo" đến bất ngờ hay không? Với tiêu chí đó, tôi đã bỏ qua tuyến núi Sam, chợ Châu Đốc vốn quá quen thuộc để lên phà Châu Giang vượt sông Bình Di đến với chợ biên giới Khánh Bình, huyện An Phú - cách thị xã Châu Đốc độ 7 phút ngồi phà với gần 30 km đường trường. Chỉ vậy cũng đủ để vênh vang rằng mình đã "đi nước ngoài". Không nối liền đường bộ như Tịnh Biên, muốn qua được nước bạn Campuchia, khách du lịch phải lên một cái chẹt (phà nhỏ) để qua sông Bình Di. Có điều khoảng cách giữa hai bờ là quá gần, đủ để lên tiếng í ới gọi nhau khi cần. Chợ Long Bình nằm quay mặt ra cửa khẩu đầy ắp hàng hóa. Mà không sung túc sao được khi một tuyến đường bộ hoàn thiện dài 70 km đã được phía bạn xây dựng để nối liền với Phnom Penh. Phía An Giang cũng có hàng loạt dự án để phát triển kinh tế. Một chiếc cầu mang tên Cồn Tiên đang được bắc qua sông Hậu để nối Châu Đốc với An Phú. Nối tiếp cây cầu này là tuyến tỉnh lộ 957 được thi công mới, nằm song song với tỉnh lộ 956 hiện hữu. Một chiếc cầu biên giới sẽ được Việt Nam hợp tác với Campuchia bắc qua sông Bình Di này. Bên mình chuyển động là vậy, bên kia cũng chẳng kém. Ngoài hệ thống giao thông ngày càng hoàn chỉnh, nhiều khu thương mại lớn đang được đổ móng xây dựng. Và phía bạn cũng "đón đầu" bằng nhiều loại hình kinh doanh khác. Ngoài một casino dã chiến cách biên giới độ vài ngàn mét, một cái khác cũng đang được xây dựng ngay gò đất mà mai kia sẽ là đầu cầu biên giới.


Khách hành hương mua đủ thứ tạp nham tại chợ biên giới, dù thấy... sao giống hàng Sài Gòn! (ảnh: Trương Công Khả)

Sương - cô gái bán phở ở đầu chợ cho biết, bạn hàng bên Cam (Campuchia) thường qua "bỏ đồ" mấy thứ: vật dụng bằng nhựa, mì ăn liền, xi măng, gạch bông và nhất là muối... Cứ thấy thứ nào có bao bì càng màu mè, sặc sỡ lại càng khoái. Cũng có những xe từ bên Cam chở đầy bom, táo, trái mây, me ngọt qua đổi lấy cam, xoài, vú sữa bên đây về. Hàng đổi hàng, máy tính cứ bấm lia lịa những con tính tiền ria, tiền đồng thấy mà chóng mặt. Lại nói chuyện đổi tiền. Cũng như bất cứ tuyến chợ biên giới nào - tại Long Bình có vô số quầy đổi tiền - chỉ những bộ ván lót tre, tủ kiếng bình thường nhưng xếp đầy ắp... tiền với cọc lớn, cọc nhỏ, bó to, bó dài hoành tráng như một chi nhánh ngân hàng tại các phố thị. Chúng tôi thử đếm, dễ có đến trên hai mươi "sạp tiền" tại cái chợ bé xíu này. Thử làm tay sưu tầm tiền cần tiền ria để làm quen, chỉ mất 65 ngàn đồng Việt Nam là tôi có ngay một bộ sưu tập tiền từ tay vợ chồng chị Hương ở ngay cửa chợ Long Bình. Giá quy đổi lúc này cứ một 1 ngàn ria đổi được 3.750 đồng Việt. Có điều, vợ chồng chị Hương cứ đinh ninh rằng chúng tôi là... Việt kiều muốn đổi tiền để vượt biên... đánh bạc (!). Chị Hương cười cười bảo: "Đổi làm gì cho mệt, đem đô qua bển mà đổi phỉnh cho tiện. Ai đâu xài tiền ria". Hỏi thử: "Chị có đổi đô không?". "Bộ muốn công an vịn hả! Tui làm ăn như vầy là êm rồi". Liếc qua tủ tiền quả là chẳng thấy tiền đô đâu nhưng thẻ điện thoại tính tiền đô thì chị Hương có cả xấp. Chị Hương cho biết, dân xứ biên giới này ai cũng có ba bốn số điện thoại, ngoài số cố định, số Vinaphone (đến vùng này thì sóng của Mobiphone và Viettel lặn mất tăm, mất tích), bao giờ cũng có số... "Cam phone". Thấy tôi không tin, chị Hương chỉ ra căn nhà kế bên: "Số di động bên Cam là thường rồi, chị không thấy nhà đó còn nối dây qua bên bển để kinh doanh điện thoại công cộng hả". Trời, đúng là một kiểu kinh doanh "xuyên quốc gia" giản đơn nhất mà cũng... hiệu quả nhất đời (!). Được biết, mỗi ngày chị Hương bán được mươi thẻ điện thoại. Loại có mệnh giá 5 USD sử dụng được 1 tháng, cước phí một phút là 12 cent; loại có mệnh giá 10 USD sử dụng được 1 tháng rưỡi và cước phí giảm còn 10 cent một phút. Không chỉ sắm nhiều số điện thoại, người dân nơi này còn sắm đến 2 xe, một xe biển số Việt Nam, một xe biển số Cam. Tiện đâu đi đấy !


Chị Hương tại chợ Long Bình, An Phú,
An Giang

Tôi tò mò hỏi mỗi ngày, mỗi quầy tại chợ Long Bình đổi khoảng bao nhiêu tiền, chị Hương lấp lửng: "Cũng hổng chừng, có ngày vài ba chục triệu, có khi vô mánh, gặp bạn hàng lớn ở bển qua thì cũng được một hai trăm triệu". 

...Đến chợ "hầm bà lằng"

Đó là tôi muốn nói đến sự phong phú về chủng loại hàng hóa ở chợ Xuân Tô tại cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang. Không tin, hãy thử dạo chợ với chúng tôi.

Chợ Xuân Tô, nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên là đầu mối quan trọng đưa hàng hóa từ các đô thị của đồng bằng qua Thái Lan bằng đường Campuchia. Quốc lộ 91 của Việt Nam nối với quốc lộ 2 của phía bạn ngay tại giao điểm này và đây cũng là tuyến đường Xuyên Á của Campuchia. Khách chỉ cần đi khoảng 50 km là đến Tà Keo, đi khoảng 120 km là đến Phnom Penh. Do địa hình thông thương như vậy mà các xe tải chở hàng hóa luôn tấp nập nơi này. Đầy ắp chợ Xuân Tô là vô số hàng hóa, từ vải vóc, mền mùng, bánh kẹo, trái cây... cho đến mỹ phẩm từ bên Thái đổ qua. Kinh nghiệm của mấy lần đi chợ Xuân Tô đủ để mách nhỏ quý ông có muốn lấy lòng bà xã chỉ nên mua vải vóc, quần áo - một mét vải có giá từ 5 ngàn đồng đến 10 ngàn đồng; một cái áo, cái quần kaki cũng mất khoảng một hai chục ngàn đồng, tha hồ chọn lựa. Có điều, mỹ phẩm làm đẹp và dầu gội đầu, dầu thơm thì thật giả khó lường. Ai đời, kem lột da được quảng cáo là làm cho da trắng như bông bưởi mà giá có 15 ngàn đồng một hũ nặng trĩu tay (!). Cũng có thứ mà quý ông, quý bà hay phân vân có nên mua hay không là "võng 4 trong 1" - vừa làm võng, vừa làm mền, vừa làm gối lại tiện cho việc làm mùng giăng lên. Vì thích hợp cho "mọi địa hình" nên mấy bà thấy mấy ông đi công tác đem võng này theo thường... đổ chứng sinh nghi. Giá cho một cái cớ để nghi ngờ, ghen tuông như vậy là 180 ngàn đồng (nhớ hồi năm 2002, muốn tậu cái võng này phải mất 250 ngàn đồng).

Nhưng hấp dẫn hơn cả là khu vực chợ côn trùng ở bên ngoài chợ. Nào là rắn, rít, bò cạp, bổ củi và cả mối chúa được bày bán tràn lan. Từ tươi sống cho đến ngâm rượu, sấy khô... ôi thôi muốn gì có nấy! Chị Loan mập được xem là người bán hàng chạy  nhất. Nguyên do cũng vì mấy cái màn "làm xiếc" của hai mẹ con chị. Thử hình dung, bò cạp đen ngòm, càng giơ lởm chởm mà chị và đứa con trai có nước da đen nhẻm cứ vốc từng nắm rồi... thả cho bò lên tay, lên mặt. Chị nói tỉnh queo: "Bò cạp này là bò cạp rừng, hiền lắm. Bốc thử đi. Hổng có sao đâu! Phải mà gặp bò cạp nhà thì nãy giờ mẹ con tui giãy tê tê rồi". Nhờ quảng cáo vậy mà mấy ông đua nhau chọn lựa: một hũ rượu có khoảng 60 con bò cạp giá 120 ngàn, có 10 con mối chúa bụng căng đầy sữa giá vài ba trăm ngàn, một bình rượu bổ củi giá 150 ngàn đồng/lít. Còn vị nào muốn mua bò cạp, bổ củi tươi sống để ra quán nướng nhậu chơi thì cứ một con 5 ngàn đồng. Chỉ có vậy thôi mà du khách cứ gọi là nhộn nhạo hẳn lên một khúc chợ.

Có phải vì sức hút tự thân của các khu chợ vùng biên như vừa nói hay không mà An Giang đang tính toán những chuyện làm ăn có quy mô, bề thế. Như trên khu chợ Xuân Tô này đây, vài ba năm nữa sẽ mọc lên nào là kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, chợ nông sản, khu dịch vụ, vui chơi giải trí... Và biết đâu trong số các khách du lịch đang đi chợ vùng biên hôm nay lại có không ít người toan tính chuyện làm ăn lớn mai này !

Hoạt động biên mậu tỉnh An Giang

Tổng giá trị xuất nhập khẩu chính ngạch trong 9 tháng đầu năm đạt 228,5 triệu USD, tăng 52% so cùng kỳ năm 2004; trong đó xuất khẩu đạt 227,1 triệu USD (tăng 54%), nhập khẩu đạt 1,5 triệu USD (tăng 52%).

Tổng giá trị xuất nhập khẩu tiểu ngạch trong 9 tháng đầu năm đạt 5,4 triệu USD (tăng 2%) so với cùng kỳ năm 2004; trong đó xuất khẩu đạt 2,8 triệu USD (tăng 8%); nhập khẩu đạt 2,6 triệu USD (giảm 4%).

Hồng Hạnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.