Ma túy học đường: Tấn công mạnh vào học sinh, sinh viên

22/11/2005 21:10 GMT+7

Dù đã rất nỗ lực để ngăn ngừa tình trạng nghiện ma túy nhưng những con số thống kê từ hội nghị phòng chống ma túy trong trường học vừa được tổ chức tại Hà Nội khiến những người có trách nhiệm chưa thể yên lòng. Thậm chí nỗi lo ngày càng lớn hơn khi những "biến thể" của ma túy đang có chiều hướng "tấn công" mạnh mẽ vào đối tượng là học sinh (HS), sinh viên (SV).

70% đối tượng liên quan đến ma túy là thanh niên

Theo báo cáo của các địa phương, đối tượng nghiện ma túy đều chủ yếu ở trong độ tuổi thanh thiếu niên, con số này chiếm tới 70%, trong đó có không ít đối tượng là HS, SV. Tại Hà Nội, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy cho biết: qua điều tra 170 đối tượng nghiện, sử dụng ma túy tổng hợp đã phát hiện có tới 9 HS và 21 SV. Từ đầu năm 2000 đến nay đã có 19 vụ sử dụng ma túy tổng hợp và thuốc lắc bị triệt phá, trong đó cũng phát hiện có 8 HS và 22 SV tham gia.

Đáng lưu ý là ở các đô thị và thành phố lớn, số đối tượng nghiện ma túy đã giảm nhưng chuyển sang các hình thức tinh vi hơn, còn ở nông thôn miền núi thì con số này đang ở mức báo động. Năm 2005, tại tỉnh Sơn La có tới 189 HS và 132 giáo viên nghiện và phạm tội ma túy. Thái Nguyên có 73 HS, SV liên quan đến ma túy, Nghệ An có 104 HS, SV... Tại nhiều tỉnh thuộc nông thôn và miền núi, số HS, SV nghiện và phạm tội ma túy tăng lên như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Ninh Bình, Hà Nam, Lâm Đồng, Long An, Bến Tre, Cà Mau...

Do gia đình hay nhà trường?

Nhận xét về tình trạng nghiện ma túy trong HS, SV, nhiều đại biểu cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do nhiều HS, SV, thanh thiếu niên con nhà khá giả thiếu sự quản lý của gia đình đã bị bọn tội phạm lôi kéo vào con đường nghiện ngập và buôn bán ma túy. Tuy nhiên, nhà trường cũng còn một số thiếu sót trong việc phòng chống ma túy. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: một số trường thiếu các biện pháp kiên quyết về việc làm trong sạch môi trường trong và ngoài nhà trường để loại trừ  nguy cơ về ma túy; chưa nắm chắc tình hình và đánh giá đúng thực trạng HS, SV nghiện ma túy để có các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn; có trường khi phát hiện HS, SV nghiện ma túy còn giấu giếm hoặc đuổi học HS, SV đó để giải quyết việc trong sạch đội ngũ!

Một nguyên nhân khác là công tác tuyên truyền cho cán bộ nhà trường, cho phụ huynh HS để mọi phụ huynh, mọi tổ chức, đoàn thể nắm được pháp luật, tác hại của ma túy và chủ động phòng ngừa ở nhiều địa phương, nhất là vùng cao, miền núi, vùng sâu  còn rất yếu và chưa đạt yêu cầu. Một số giáo viên ở vùng cao, miền núi sử dụng và buôn bán ma túy gia tăng cho thấy công tác quản lý cán bộ ở một số địa phương còn lơi lỏng và chưa sâu sát; quy định về xử lý HS, SV vi phạm về ma túy của Bộ GD-ĐT đến nay đã không còn phù hợp...

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng: việc phòng chống ma túy học đường không chỉ là trách nhiệm của hai ngành giáo dục và công an. Nó là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và đặc biệt là vai trò của mỗi gia đình. 

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.