Ngưng nuôi gia cầm trên địa bàn
Theo tổng kết của ngành nông nghiệp, chỉ tính riêng mùa "cúm" năm 2004, tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy khoảng 38,3 triệu con trên 57 tỉnh, thành trong cả nước. Ước tính thiệt hại của ngành gia cầm cả nước khoảng 3.000 tỉ đồng. Riêng TP.HCM tổng đàn gia cầm các loại đã tiêu hủy hơn 5 triệu con và tổn thất khoảng 120 tỉ đồng; chưa kể thiệt hại của các ngành có liên quan như chế biến, phân phối thực phẩm. Năm 2004, TP.HCM cũng đã chi hơn 60,8 tỉ đồng để hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi và chống dịch. Nơi mỗi hộ dân, người chăn nuôi cũng phải gánh thiệt hại không kém. Nhiều gia đình ở Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức đã và đang nợ ngân hàng, nợ công ty thức ăn... từ vài chục tới cả trăm triệu đồng.
Rủi ro dịch bệnh là điều không ai muốn có. Nhưng trước tình trạng mấy năm liên tục cúm gia cầm xảy ra lại Việt Nam và diễn biến tình hình ngày càng phức tạp, nên ngành nông nghiệp và Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm đã đề xuất và được UBND thành phố chấp thuận ngưng chăn nuôi gia cầm trên toàn thành phố một thời gian.
Có hai phương án được Sở Nông nghiệp TP.HCM đề xuất trong dự thảo "Chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi ngưng nuôi gia cầm trên địa bàn TP.HCM": với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì vận động chuyển đổi từ gà qua nuôi con khác, và phương án nuôi thỏ được giới thiệu đến người dân khá nhiều. Với cơ sở chăn nuôi quy mô lớn thì di dời chuồng trại ra các tỉnh. Theo dự thảo thì hộ chăn nuôi nhỏ được hỗ trợ con thỏ giống và chuồng trại 4 triệu đồng/hộ. Với hộ chăn nuôi quy mô lớn, trên 10.000 con/trại, hiện nay TP.HCM có 9 trại. Nếu số lao động bình quân trong năm dưới 10 lao động thì sẽ được hỗ trợ 800.000 đồng/lao động (di dời từ năm 2003-2005). Hỗ trợ vốn và lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở mới thì ngân sách thành phố cấp hỗ trợ 100% lãi vay nhưng không quá 9%/năm, thời gian hỗ trợ lãi vay không quá 2 năm. Ngoài ra, khi di dời, mỗi hộ được hỗ trợ thêm 20 triệu đồng.
Nuôi thỏ: còn bí đầu ra
Thế nhưng, khi được hỏi sẽ tính phương án chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi như thế nào, ông Hồ Văn Hải ở ấp Mới 2, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn nói vẫn muốn giữ lại con gà. Ông Hải nói: "Tôi muốn tiếp tục nuôi gà vì đây là nghề mình đã làm lâu năm, có kinh nghiệm, lợi nhuận tốt chứ với những con khác như thỏ, ếch thì nguy cơ rủi ro có khi còn cao hơn con gà bị dịch bệnh. Nếu cấm nuôi ở đây, tôi ra ngoài tỉnh mướn đất nuôi tiếp".
Chia sẻ điều này, ông Long, hộ chăn nuôi ở xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn nói: "Biện pháp cuối để duy trì cuộc sống là tôi bắt buộc phải di dời, chứ nuôi con khác hay làm nghề khác thì khó thực hiện được. Nông dân tụi tui vừa lớn tuổi, vừa chỉ quen nghề nông thì làm nghề khác sao được?". Nhưng cả ông Hải, ông Long và nhiều hộ chăn nuôi khác đều đắn đo: liệu sẽ di dời đi đâu và tìm nguồn vốn nào? Ông Hải nói: "Năm ngoái, theo quy định mới của ngành thú y, tôi đã đầu tư thêm gần 100 triệu để làm lại chuồng trại. Bây giờ dỡ đi để di dời thì nhiều khi chi phí vận chuyển còn cao hơn. Qua ba mùa cúm, nông dân chúng tôi dù có nhận được hỗ trợ nhưng không thấm vào đâu so với thiệt hại". Với "nghề mới" mà Sở NN gợi ý là nuôi thỏ, ông Hải cho biết cả hai tuần qua ông đã đi khảo sát ở các tỉnh khác đang nuôi thỏ, ếch Thái nhưng vẫn chưa thấy tín hiệu khả quan: "Ếch Thái thì nhiều người nuôi vậy đó chứ tương lai thì chưa chắc. Tôi thấy người ta không khoái ếch Thái bằng ếch ta. Còn với thỏ thì còn căng nữa. Thịt thỏ chủ yếu bán cho nhà hàng, siêu thị, quán ăn chứ tiêu dùng trong gia đình hàng ngày không bao nhiêu".
Cùng chia sẻ điều này, trong buổi họp lấy ý kiến về việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tổ chức sáng 24/11 tại huyện Hóc Môn, hơn 20 hộ chăn nuôi ở đây đã lo ngại với việc tìm đầu ra như thế nào sau khi chuyển đổi. Nhiều hộ dân cho rằng, trong tình hình hiện nay, nuôi thỏ hay heo, ếch, ngoài việc thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật thì vấn đề quan trọng là xoay đồng vốn rất chậm. Ông Năm Sơn, một hộ dân tham dự cuộc họp, nói: "Tôi nuôi cút hay gà chỉ tối đa 3 tháng là xuất chuồng, có tiền quay vốn tiếp; chứ còn nuôi thỏ hay heo, ếch thì phải đợi lâu hơn, mà đợi một ngày là tiền lãi nợ chồng thêm một ít". Phó chủ tịch xã Nhị Bình, ông Lê Hữu Hiệp nhận định: "Thị trường tiêu thụ của con thỏ còn hẹp quá nên đầu ra sẽ rất khó khăn. Nếu không tính toán có chiến lược, cơ cấu vật nuôi và đặc biệt là tạo đầu ra cho chắc chắn, người dân mà nuôi thỏ nhiều sẽ tạo ra khủng hoảng thừa, lúc đó thiệt hại còn tăng".
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Bình luận (0)