Không như tôi tưởng tượng, trại Urban-Social là một tòa nhà khá khang trang giống như những chung cư cao cấp khác, thậm chí còn đẹp hơn một số ký túc xá sinh viên ở Berlin. Vừa bước vào cổng, chúng tôi bắt gặp ngay những ánh mắt không mấy thân thiện của một số thanh niên người Việt có mái tóc đủ màu sắc, bắp tay đầy hình xăm, dáng vẻ bụi bặm. Đưa tay vào ba lô định lôi cái máy ảnh ra, tôi liền bị chị Oanh cản: "Cất máy ảnh đi, chưa được đâu".
Với vẻ mặt rất không thoải mái, tiến sĩ Jurgen Koch - Giám đốc quản lý trại Urban- Social nói ngay khi chúng tôi vừa bắt tay ông: "Các ông, các bà thấy đó, tụi nó lại vừa chọc thủng lốp xe tôi trưa nay". Ông Jurgen Koch nói, đó chỉ là một trong hàng trăm cách phản ứng của những thanh, thiếu niên người Việt trong trại khi bức xúc chuyện gì đó. Ông nói thẳng là mình không dám kể tất cả những gì biết được về số người Việt trong trại mà ông quản lý 7 năm qua. Trông ông có vẻ bất an. Tôi thoáng hiểu vì sao chị Oanh, người dẫn đường không cho tôi chụp ảnh bên ngoài tòa nhà và những người bạn Đức khi chỉ đường cho tôi đến đây cứ dặn đi dặn lại là không nên đi ban đêm.
Điều ông Jurgen Koch lo ngại nhất là tình trạng ngày càng nhiều trẻ vị thành niên nam sống trong trại phạm pháp và trẻ em nữ mang bầu. Ông cũng cho biết 7 năm ở đây, ông chỉ biết một trường hợp duy nhất không dính vào ma túy trong tổng số 600 người mà ông từng quản lý. Ông không giận mà thương cảm: "Chúng bị sức ép từ gia đình, từ hoàn cảnh sống xa lạ và từ một thế lực ngầm nào đó. Gia đình gửi chúng sang đây kiếm tiền gửi về nhưng hoàn cảnh không cho phép. Rồi thế lực ngầm thì thúc ép trả nợ. Trong một hoàn cảnh như vậy, chúng lại chưa trưởng thành, không dính vào những việc phạm pháp mới là chuyện đáng ngạc nhiên. Chúng chỉ có thể làm những việc "đen" như vào siêu thị ăn cắp vặt, bán thuốc lá lậu, thậm chí bán ma túy. Một số đứa may mắn tìm được những việc làm "sạch" như phụ bếp, rửa chén, chạy bàn ở những quán ăn người châu Á nhưng nếu bị phát hiện vẫn bị coi là phạm tội hình sự vì trong giấy tờ của chúng ghi rõ là: Không được làm việc, không được đi học. Vi phạm là bị đuổi về nước". Ông Jurgen Koch kể rằng mới đây có 13 em gái vị thành niên có bầu đã mất tích. Có nguồn tin cho rằng 13 em này vì không trả được nợ nên đã bị bọn xã hội đen bắt cóc. Cho đến nay chưa ai tìm ra tung tích họ cả. Còn cách đó vài tháng một đứa trẻ trong trại bị bắt cóc. Chuyện đó xảy ra như cơm bữa vì chúng rất giá trị với nhiều người nhập cư trái phép. Lo được đủ giấy tờ cần thiết, những người "sở hữu" được những đứa bé đó sẽ được ở lại Đức, ít nhất là trong thời gian nuôi bé.
"Nhưng đáng lo ngại nhất là ngày càng có nhiều người Việt bị bệnh thần kinh phải vào viện. Tình trạng nhảy lầu tự tử cũng đáng báo động", bà Tamara thêm. Tôi nhớ lại hôm ở Magdenburg, những người ở đây kể chuyện một cô gái nhảy từ lầu 18 xuống đất vì không tìm được việc làm mà gia đình ở quê nhà lại nợ nần chồng chất.
Anh Sơn, một nhân viên quản lý trong trại Urban-Social chỉ cho chúng tôi cả trăm bì thư bày đầy trên hai cái bàn làm việc: " Đây là thư của cảnh sát thông báo bắt được T. ăn cắp trong siêu thị A. Đây là trát thư của tòa án quận cáo buộc P. đập phá tài sản người khác. Đây là quyết định trục xuất H. về nước... Một ngày chúng tôi nhận được cả chục bức thư như vậy đó. Nhưng mà trong số này không có một cái tên nào thật cả, còn phải chờ xác minh". Rồi Sơn dắt tôi đi tham quan một vòng khu trại. Có rất nhiều phòng trống, trong phòng ngoài cái giường, một cái bàn và mấy cái ghế chỏng chơ không còn thứ gì khác. Như hiểu điều tôi thắc mắc, Sơn giải thích rằng chủ nhân của những căn phòng này hiếm khi về đây. Có khi một tháng họ mới về một lần để kiểm tra thư từ, kết quả từ những vụ cảnh sát xử lý hoặc để biết số phận của mình được nhà chức trách quyết định như thế nào... Phòng của những phụ nữ thì đàng hoàng, tươm tất hơn, có cả ti vi, đầu máy DVD. Mỗi phòng có 3 người ở. Bước vào phòng số 57, tôi cứ ngỡ là nhà trẻ vì ở đây có đến 5, 6 đứa bé chừng vài tháng tuổi đang khóc oa, oa, cũng bằng ấy cô gái trẻ khoảng chừng 20 tuổi đang chăm sóc chúng. Sơn giải thích: "Đây là phòng của Hằng, còn mấy đứa trẻ đều là con cái của những bà mẹ trẻ ở quanh đây. Họ là những người hạnh phúc nhất trại này vì có con rồi, họ có thể ra ngoài sống. Có người còn được các tổ chức xã hội tài trợ nhà ở nữa đấy". Điều này giải thích vì sao tỷ lệ những cô gái Việt ở đây, kể cả vị thành niên, mang bầu ngày càng tăng. Chồng của những cô gái này đều là người Việt ở trong trại nhưng về mặt luật pháp, họ chẳng có quan hệ gì với nhau và những bà mẹ kia đang lên kế hoạch tìm một ông Tây nào đó nhận con mình là máu mủ để hợp pháp hóa giấy tờ ở lại Đức lâu dài. "Nhiều người khác chẳng có chồng nhưng vẫn cố tìm cách có một đứa con để đạt được mục đích của mình", Sơn kể.
|
Tiến sĩ Jurgen Koch khuyên: "Tôi muốn gửi đến những bậc cha mẹ của những đứa trẻ này rằng không còn cơ hội cho những người Việt đến đây nhập cư. Đừng nghĩ đến chuyện sang đây để làm kinh tế nữa. Nước Đức bây giờ khác trước rồi. Những người sang đây sẽ có những năm tháng lãng phí. Tuổi thanh xuân của họ sẽ bị đẩy vào cảnh tù tội".
Trung Bình
Bình luận (0)