"Cớm chìm" trên những chuyến bay

10/12/2005 20:48 GMT+7

Sau sự kiện một hành khách bị bắn chết tại sân bay Miami hôm 7/12, lực lượng an ninh hàng không của Mỹ đã trở thành trung tâm của sự chú ý.

Phát súng Miami

Chiều 7/12, chiếc máy bay Boeing 757 số hiệu 924 của Hãng hàng không American Airlines đang đậu tại sân bay Miami thuộc tiểu bang Florida. Trong khi tất cả hành khách đã ngồi vào ghế để chờ bay tới Orlando thì bi kịch xảy ra. Một người đàn ông trung niên bỗng nhiên la hét om sòm, lao hùng hục trên lối đi giữa các hàng ghế. Khi người này vừa chạy ra khỏi máy bay thì hai nhân viên an ninh chặn lại, yêu cầu ông ta bỏ hành lý xách tay xuống. Ông này tuân lệnh nhưng ngay lập tức tiếng súng vang lên. Người khách gục xuống, những hành khách khác chạy tán loạn. Màn náo loạn kết thúc bằng cái chết của người khách, sau này được xác định là Rigoberto Alpizar, 44 tuổi, công dân Mỹ gốc Costa Rica.

Nạn nhân Alpizar cùng vợ trước khi bị bắn. Ảnh: AP

Ngay sau sự cố, cảnh sát và lực lượng cứu hỏa đã phong tỏa chiếc máy bay nơi Alpizar bị giết. Lính đặc nhiệm SWAT cùng các quan chức giao thông cũng có mặt. Tất cả 114 hành khách trên chuyến bay 924 được yêu cầu ở lại để thẩm vấn. Nhân viên an ninh chìm đã nã đạn vào Alpizar sau đó cho biết nạn nhân đã đe dọa rằng mình có bom ở trong túi xách. Viên cớm chìm đã cảnh cáo Alpizar hai lần rằng không nên sờ tay vào túi nhưng ông này không chấp hành nên để bảo đảm an toàn cho hành khách, nhân viên an ninh đã phải nổ súng. Tuy nhiên, lực lượng đặc nhiệm SWAT và các chuyên gia chống khủng bố sau đó không hề tìm thấy một mẩu thuốc nổ nào trong hành lý của nạn nhân.

Một hành khách tên Mary Gardner kể với Đài truyền hình WTVJ: "Ông ta (Alpizar) có vẻ bị kích động dữ dội, hai tay luôn huơ lên trời. Một phụ nữ đuổi theo và la lớn: "Chồng tôi, ôi, chồng của tôi!". Gardner nói mình từng nghe người phụ nữ đó kể rằng chồng bà ta đang gặp vấn đề về thần kinh nhưng không chịu uống thuốc. Báo chí địa phương cho biết vợ chồng Alpizar đã đi trên chuyến bay 924 từ Colombia tới Miami và đang trên đường tới Orlando. Khi máy bay chưa hạ cánh, Alpizar bắt đầu lên cơn. Ông ta lao vào cabin và chạy lung tung giữa các hàng ghế. Khi làm thủ tục tại Miami để bay tiếp, Alpizar cũng gây náo loạn. Sự hoảng loạn tiếp diễn cho đến khi tiếng súng vang lên. Các nhân chứng trên máy bay đã đưa ra những lời khai rất khác nhau, có người nói mình nghe thấy 3 tiếng súng trong khi một số khác nói rằng có đến 6 tiếng nổ.

"Cớm chìm" trên máy bay

Phát súng tại Miami đã khiến người ta chú ý hơn tới lực lượng an ninh chìm trên các chuyến bay thương mại tại Mỹ. Cơ quan an ninh hàng không Liên bang Mỹ (FAMS) được thành lập từ năm 1968 nhằm đối phó với nạn không tặc tăng cao vào cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Nhiệm vụ chính của FAMS là chống hành động không tặc hoặc các loại tội phạm khác xảy ra trên hoặc xung quanh các chuyến bay thương mại. Ban đầu, FAMS do Cục hàng không liên bang (FAA) quản lý. Sau đó, theo Đạo luật nội an 2002, FAMS được chuyển sang Bộ An ninh nội địa.

Trước khi FAMS chính thức ra đời vào năm 1968, một lực lượng gồm các nhân viên của FAA được đào tạo về an ninh đã được Tổng thống J.F.Kennedy giao nhiệm vụ bảo vệ các chuyến bay thương mại. Sau đó, dưới thời Tổng thống R.Reagan, FAMS được tổ chức lại chặt chẽ hơn nhưng lực lượng vẫn chưa thật hùng hậu. Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, cả nước Mỹ mới chỉ có 33 "cảnh sát bay" đang trong thời hạn nhiệm vụ. Sau sự kiện kinh hoàng đó, Bộ Nội vụ Mỹ đã thành lập Cục An ninh giao thông vận tải (TSA) và đặt FAMS nằm dưới sự quản lý của cục này. Sự kiện 11/9 khiến nước Mỹ đã ý thức được rằng, máy bay hành khách đang trở thành mục tiêu tấn công của chủ nghĩa khủng bố. Bên cạnh đó, bọn khủng bố cũng có thể biến máy bay thương mại thành vũ khí để tấn công các mục tiêu khác. Vì thế, Tổng thống G.Bush đã yêu cầu FAMS tuyển mới hàng ngàn nhân viên. Trong số những người mới tuyển có rất nhiều anh tài đến từ lực lượng biên phòng, hải quan, cảnh sát, tình báo.

Tất cả những ai muốn trở thành nhân viên của FAMS đều phải trải qua hai giai đoạn huấn luyện. Giai đoạn thứ nhất kéo dài 7 tuần tại Trung tâm Thực thi pháp luật liên bang đặt tại Artesia, New Mexico. Tại đây, các học viên được đào tạo kiến thức cơ bản về hiến pháp, pháp luật, về quyền hạn và nghĩa vụ của một nhân viên an ninh hàng không. Học viên cũng sẽ được tìm hiểu về vai trò của một nhân viên mật, tập luyện thể lực, học các kỹ năng theo dõi hành vi, kỹ năng khống chế, phòng thủ, các phương pháp cấp cứu. Các kỹ năng được học ở giai đoạn 1 gói gọn trong 3 từ "chế ngự, uy hiếp và kiểm soát". Giai đoạn 2 của chương trình huấn luyện bao gồm tất cả các "kỹ năng chiến trường" cần thiết đối với một nhân viên an ninh mật, đặc biệt là các kỹ năng chiến đấu và trấn áp đối phương trong không gian hẹp, lúc máy bay ở trên không với yêu cầu phải bảo vệ tính mạng cho hành khách tới mức cao nhất. Sau khi vượt qua khóa đào tạo này, các nhân viên sẽ được bố trí làm việc tại 21 văn phòng của FAMS, sẵn sàng làm nhiệm vụ trên các chuyến bay.

Trong khi làm nhiệm vụ, "cảnh sát bay" mang theo súng ngắn với loại đạn có tốc lực thấp để bảo đảm không gây hư hại cho máy bay. Theo quy định, nhân viên FAMS cắt tóc gọn gàng, cạo râu nhẵn nhụi và trang phục chỉnh tề, có ghi những số hiệu bí mật. Lực lượng này sẽ lên máy bay trước hành khách để kiểm tra an ninh. Nhiều người cho rằng việc các nhân viên an ninh mang trang phục có số hiệu khiến họ dễ dàng bị quân khủng bố phát hiện. Sự kiện ngày 7/12 tại Miami vừa qua cho thấy trang phục của FAMS đã có nhiều thay đổi. Các nhân chứng cho biết viên cớm chìm đã nã đạn vào Alpizar mặc một chiếc áo kiểu Hawaii.

Tranh cãi

Theo tiết lộ của hãng tin AP, "cớm chìm" đã được triển khai trên tất cả các chuyến bay ra vào thành phố New Orleans xung quanh trận tranh chức vô địch bóng đá kiểu Mỹ Super Bowl lần thứ 36 vào năm 2002. Tất cả các chuyến bay xung quanh sự kiện Olympic mùa đông 2002 tại Salt Lake cũng được FAMS soi rất kỹ. FAMS cũng có mặt trên các chuyến bay liên quan đến tất cả các thành phố mà Tổng thống G.Bush đang hoặc sẽ ghé thăm. Khi mối đe dọa khủng bố ngày một lớn, rất nhiều chuyến bay "không quan trọng" cũng có mặt FAMS.

Sự hiện diện bí mật của FAMS trên các chuyến bay mang một ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ an toàn cho hành khách. Tuy nhiên, sự cố tại sân bay Miami hôm 7/12 đã thổi bùng lên một cuộc tranh cãi. Vì Alpizar bị bệnh tâm thần chứ không phải là một tên khủng bố, nhiều người đặt nghi vấn vào những phát súng mà lực lượng an ninh ngầm nhằm về phía anh ta. Nhiều người trên chuyến bay 924, trong đó có nhân chứng Mary Gardner, nói rằng họ không hề nghe Alpizar nói từ "bom" trước khi bị bắn. Nhân chứng John McAlhany còn kể rằng mình bị một nhân viên an ninh gí súng vào đầu và nghe rất nhiều hành khách la hét. "Điều này thật sai trái. Lẽ ra Alpizar đã có thể đoàn tụ với gia đình. Giờ thì ông ta đã chết", McAlhany nói. Alpizar đã chết, nhưng tranh cãi về cái chết của ông ta sẽ còn kéo dài. Về bản chất, vụ này cũng tương tự vụ cảnh sát Anh bắn chết một thanh niên vô tội người Brazil tại London cách đây vài tháng vì nghi ngờ anh này là khủng bố.

Trước khi xảy ra sự kiện Miami, nhiều cuộc tranh cãi cũng đã nổ ra xung quanh việc triển khai lực lượng an ninh mật trên máy bay. Năm ngoái, Bộ An ninh nội địa Mỹ từng yêu cầu tất cả các chuyến bay thương mại từ châu u đến nước này đều phải có nhân viên an ninh ngầm. Đề nghị này đã bị các hiệp hội vận tải và phi công châu u phản đối vì cho rằng "sự hiện diện của súng ống trên máy bay có thể gây mất an toàn". Tuy nhiên, người Mỹ sau đó đã ra một tối hậu thư khi tuyên bố rằng những máy bay châu u không có "cớm chìm" sẽ không được đến Mỹ. Điều này đã khiến rất nhiều người lo ngại rằng rồi đây tất các chuyến bay thương mại sẽ bị "quân sự hóa".

Đỗ Hùng
(AP, IHT)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.