4 tháng trở lại đây, thị trường băng đĩa nhạc khởi sắc hẳn lên với hàng loạt album của ca sĩ trẻ với các tình khúc Việt Nam được xếp vào hàng "bất hủ". Thanh Thảo quyết tâm làm mới mình hoàn toàn qua album 7 ngày đợi mong (gồm 11 ca khúc, trong đó có những nhạc phẩm như Mưa, Bức họa đồng quê, Tóc mây, Tình có như không, Hai phương trời cách biệt...). Cao Thái Sơn dù mới nổi không bao lâu cũng tìm đến Em đến thăm anh một chiều mưa, Gái xuân, Lá đổ muôn chiều, Mộng dưới hoa, Thu quyến rũ, Áo lụa Hà Đông, Ru đời đi nhé... trong album vừa mới phát hành Lệ đá. Vi Thảo - cô gái đất Quảng Nam lâu nay chỉ quen với phong cách hiện đại cũng quyết tâm thể hiện 9 ca khúc vang bóng một thời trong album vừa trình làng Yêu và mơ. Qua bao ngày chật vật, Đức Tuấn cũng đã khẳng định được mình và làm hài lòng người hâm mộ với CD Đôi mắt người Sơn Tây gồm 7 tuyệt phẩm của Phạm Đình Chương. Thụy Vũ (thành viên nhóm AC&M) chọn hát một số ca khúc của Ngô Thụy Miên và Trịnh Công Sơn trong trong album Tháng sáu trời mưa. Một số hãng băng đĩa cũng đang nhắm tới dòng nhạc "vượt thời gian" này.
Ca sĩ trẻ đang chạy theo một trào lưu và trào lưu này được nhiều khán giả ủng hộ. Bởi thế, nhiều ca sĩ cứ "đụng hàng" côm cốp. Chỉ tính riêng ca khúc Trăng sơn cước mà đã có đến 4 ca sĩ: Cẩm Ly, Thanh Thảo, Nhã Ca, Vi Thảo và nhóm AC&M chọn thể hiện; Ca khúc Mộng dưới hoa thì cùng lúc được Cao Thái Sơn và Đức Tuấn phát hành trong album mới nhất của họ; Như Ý, Mỹ Hạnh cũng "đụng" nhau trong ca khúc Biệt ly; Thụy Vũ và Khánh Duy cùng chọn Niệm khúc cuối... |
Để tìm về những tình khúc vượt thời gian, nhiều ca sĩ trẻ đã nói rằng họ phải "lấy hết can đảm", vì đây là những ca khúc đã được khán giả yêu mến qua giọng ca nhiều thế hệ ca sĩ đàn anh, đàn chị. Ca sĩ Thanh Thảo tâm sự: "Hát những tình khúc này, tôi chịu nhiều áp lực: sợ bị so sánh với những giọng ca đã thành danh trước đó, sợ không thể truyền tải hết những gì mà tác giả muốn nói trong ca khúc. Nhưng tôi nghĩ, khi hát những bài hát cũ, thế hệ ca sĩ trẻ chúng tôi đã thổi vào ca khúc một sức sống mới, một màu sắc mới. Bản thân tôi cố gắng "biến hóa" làm sao cho ca khúc cũ phù hợp với mình nhưng không quá khác lạ nhằm làm hài lòng nhiều thế hệ yêu nhạc. Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục tìm đến những ca khúc bất hủ". Sau 2 album đầu tay với những ca khúc vượt thời gian, ca sĩ Lê Hiếu thổ lộ: "Nhiều khán giả bất ngờ khi thấy tôi tuổi quá trẻ mà lại hát nhạc... già. Nhưng tôi nghĩ, những tình khúc vượt thời gian đã và sẽ mãi có riêng một vị trí trong lòng công chúng. Tôi chọn thể hiện những nhạc phẩm này không chỉ vì sự trường tồn của nó mà còn vì muốn những bài hát mình từng yêu thích được làm mới, phù hợp với phong cách của dòng nhạc ngày nay". Hy vọng sự trẻ trung trong cách hát của ca sĩ, cách phối của các nhạc sĩ hôm nay sẽ tiếp tục làm cho những ca khúc nói trên mãi mãi không già và càng trở nên gần gũi hơn với lớp trẻ và được đông đảo bạn trẻ biết đến.
Khuynh hướng tìm về những tình khúc bất hủ của các ca sĩ trẻ cho thấy một dấu hiệu chuyển động quan trọng từ phía người thưởng thức: giới trẻ ngày càng ít chấp nhận những ca khúc sáng tác vội vàng, những ca từ dễ dãi đồng thời cho thấy một thực tế đáng buồn là lực lượng sáng tác hiện tại đang rất thiếu những ca khúc hay, có sức sống lâu dài.
Dạ Ly
Bình luận (0)