Nỗi khổ đi xe buýt - ngẫm ra thật đau lòng

14/12/2005 10:48 GMT+7

Thời gian gần đây, nỗi ám ảnh về các "hung thần" xe buýt của người đi đường đã được báo chí phản ảnh khá nhiều. Tưởng đâu chỉ có "người ngoài" mới sợ... buýt, tìm hiểu thêm mới biết người ở trong buýt cũng khốn khổ không kém. Không hiểu "nhà xe" có biết những nỗi thống khổ này hay không mà để người dân cứ mãi phải phiền lòng và chịu đựng:

"Tôi chưa một lần đi xe buýt, nhưng khi nhìn thấy cách chạy xe trên đường của các tài xế xe buýt thì có thể nhận thấy rằng: hầu hết tài xế xe buýt đều là những người vô văn hóa thể hiện qua cách chạy càn lướt, vô trách nhiệm. Điều này cho thấy lãnh đạo Sở Giao thông Công chánh chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc tuyển dụng tài xế cũng như huấn luyện kỹ năng cần thiết cho các dịch vụ viên" (Nguyen Tri Tai - nttai@thepmiennam.com.vn)

"Theo tôi, lý giái nguyên nhân việc nhân viên nhà xe đối xử như vậy với hành khách chỉ do quyền lợi cá nhân. Rất nhiều hành khách đi xe thường chỉ đưa tiền chứ không lấy vé trong khi công ty không thể quản lý được lượng hành khách đi xe. Vậy số tiền thu ngoài vào túi ai? Đó chính là lý do tại sao nhân viên và tài xế khó chịu khi một số sinh viên và lao động nghèo sử dụng vé tháng vì họ chẳng trục lợi được gì từ những người này cả" (Phạm Duy Lân - bina672002@hcm.vnn.vn)

"Đối xử như thế với hành khách thì khác nào bọn côn đồ, bọn xã hội đen? Ở Hà Nội, trên tuyến xe buýt đi về các tỉnh, lái - phụ xe khá lịch sự với khách, họ thật sự vui khi thấy sinh viên lên xe, ngay cả khi sinh viên hơi ồn ào một chút. Nói chung là rất tốt" (Nguyễn Duy Kiều - duykieucnc@yahoo.com)

"Theo tôi những nhân viên và tài xế cư xử như vậy cần bị nhận hình thức xử lý thật thích đáng. Họ không chỉ cư xử thiếu tình người mà còn đã vi phạm luật pháp, làm mất lòng tin của người dân vào các chính sách của cơ quan nhà nước. Để hệ thống vận tải công cộng của thành phố ngày càng phát triển hơn, TTQL-ĐHVTCC phải có các biện pháp thật cụ thể để giáo dục cho đội ngũ tài xế và tiếp viên trên các tuyến xe buýt. Đầu tiên là phải kể đến khâu tuyển chọn. Bởi vì những người làm công tác tiếp xúc với nhiều người như các tài xế và tiếp viên trên xe buýt là phải có sự đào tạo về cách cư xử, giao tiếp tốt. Điều này cần được tiến hành vì trong tương lai số lượng xe buýt còn phải phát triển nhiều. Thứ hai là hình thức giáo dục và sàng lọc định kỳ theo những tiêu chuẩn về giao tiếp, cư xử và chuyên môn. Đồng thời đánh giá cũng được dựa trên các thư phản hồi ý kiến của hành khách. Thứ ba là hình thức phạt khi có sự phản ánh của hành khách và được xác minh là đúng sự thật thì ngoài phạt tiền như TTQL-ĐHVTCC đã đưa ra cần làm rõ mức độ, hậu quả thiệt hại do cách cư xử của các tài xế và tiếp viên gây ra, có thể cả ở mức hình sự (như trường hợp đánh hội đồng, cố ý làm hành khách té ngã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng...). Các thiệt hại này có thể cả trực tiếp và gián tiếp (việc bỏ rơi người, không chở gây ra thiệt hại cho hành khách...) (Trần Thống Nhất - xao_xao2002@yahoo.com)

"Rất cảm ơn tác giả của bài viết này đã vạch ra điều làm bức xúc trong giới sinh viên đi vé tháng nói riêng cũng như bao người dân thường khác. Tại sao cánh tài xế xe buýt lại không thoáng nghĩ khi con em họ bị đối xử như thế liệu họ vui chăng?" (Minh Trí - jimynguyen_sd@yahoo.com)

"Tôi là một sinh viên, là một hành khách thường xuyên đi xe buýt. Không chỉ có những chuyện như bài báo đã đề cập đến, tôi còn chứng kiến rất nhiều chuyện bất bình khác nữa trên xe buýt, cả về cách chạy xe của tài xế cũng như lối ứng xử của các nhân viên soát vé. Tôi có các kiến nghị như sau: Trên xe buýt nên có những tờ thông báo, hướng dẫn hành khách xử lý như thế nào khi gặp những tình huống tương tự, đề nghị hành khách mạnh dạn tố cáo những hành vi tiêu cực, ứng xử thô bạo; hướng xử lý của cơ quan quản lý đối với các trường hợp này còn nhẹ, không đủ sức răn đe và không đủ phục hồi lòng tin của người dân; cần tăng cường công tác thanh tra trên toàn bộ các chuyến xe. Tôi rất đau lòng khi đọc bài báo này. Hành khách đã phải bỏ tiền ra, nay lại phải chịu cảnh đối xử thô bạo như vậy. Ai sẽ đền bù cho họ, khi công việc, học hành bị trễ nải. Rồi lòng tin của người dân bị mất dần, phương tiện xe buýt sẽ không còn là ưu tiên số một, bao tiền của mà thành phố đã bỏ ra cho chủ trương vận động nhân dân đi xe buýt coi như đổ sông đổ biển vì những con người này. Tôi không phải là người khó tính, nhưng tôi thấy đối với những trường hợp như vậy cần phạt thật nghiêm, thật nặng để làm gương. Có như vậy, nhà nhà mới dùng xe buýt. Vấn nạn tắc đường, kẹt xe mới giảm được. Mong" (Nguyễn Quốc Bảo - n_quoc_bao@yahoo.com)

"Việc tài xế và nhân viên bán vé đối xử với hành khách vé tháng như những gì mô tả trong bài báo một lần nữa bộc lộ những sa sút đáng buồn về mặt đạo đức trong xã hội. Về mặt nguyên tắc, tài xế và nhân viên bán vé chẳng có lý do gì để phân biệt đối xử với vé tháng, nếu như thu nhập của họ không liên quan gì đến vé tháng hay vé "tiền tươi". Mà lẽ thường phải là như thế. Họ cũng chỉ là những người làm công ăn lương. Nếu có ai đó thiệt thòi trong việc vé tháng vé ngày thì đó là chủ xe, là người đã chấp nhận bán vé trước cho hành khách rồi cơ mà. Thế mà tài xế và nhân viên bán vé hành xử cứ như họ là chủ xe, hoặc là người nhà chủ xe, hoặc chính họ cũng bị thiệt thòi thực sự vây. Theo logic thì hành vi của tài xế và nhân viên bán vé đối với khách đi vé tháng chứng tỏ thu nhập của họ liên quan trực tiếp đến loại vé mà chủ xe bán ra. Vậy thì "trục trặc" chính nằm ở khâu này. Các nhà quản lý nếu thực sự muốn chấm dứt lối cư xử kém văn minh và bỉ ổi của một số tài xế và người bán vé, thì hãy xoáy vào khâu ăn chia thu nhập đặng tìm ra những giải pháp triệt tiêu một cách tự nhiên động cơ của các hành động xấu nói trên. Khi đó khỏi cần kêu gọi đạo đức cao cả hay tình tương thân tương ái, hay khỏi phải dùng đến các biện pháp kỷ luật, mà các tài xế và nhân viên bán vé vẫn tươi cười mời chào hành khách lên xe". (Nguyễn Hoài Trung - trung@jvpc.com.vn)
 
"Tại sao nhà nước tổ chức bán vé xe bus tháng rồi lại để mặc cho hành khách bị hành hung như vậy ? Không lẽ cơ quan có thẩm quyền đã bó tay trước tình trạng thô bạo của một số tài xế và tiếp viên xe bus thiếu ý thức hiện nay? Đây không phải là lần đầu tiên báo chí phản ánh tình trạng tài xế xe bus hành hung, ngược đãi hành khách, thế nhưng sau một thời gian dài mà mọi việc vẫn đâu ở đấy. Chính những vụ việc như vậy đã gây nên tâm lý xấu cho người đi xe bus hiện nay. Chính tôi sau khi đọc xong bài báo bắt đầu có cảm giác ớn lạnh khi đi xe bus. Tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần mạnh tay hơn nữa với những "con sâu làm rầu nồi canh này", một vài bữa bồi dưỡng kiền thức ở trường này trường nọ không cải thiện được bao nhiêu, cần thiết phải xử lý nghiêm một số trường hợp để làm gương có lẽ sẽ hiệu quả hơn".  (Phạm Trần Khoa - phamtrankhoa82@yahoo.com)

TNO (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.