Đâu thể xem là chuyện nhỏ

15/12/2005 11:43 GMT+7

Tôi ngồi viết những dòng này, tâm trạng giống như anh Bến Nghé: "Thực tế xui khiến phải viết" (1). Tuần tin Thanh Niên đưa việc Nguyễn Mạnh Huy ra công luận là việc bắt buộc phải làm.

Việc bị bắt buộc này có mấy nguyên nhân chính: - Tòa sọan không hiểu thế nào mà 3 lần chuyển công văn đề nghị Ban giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Nghĩa Bình xem xét việc một thí sinh 3 lần thi đậu điểm cao vẫn không được đi học. Ở phía chân trời đó vẫn đáp lại bằng một sự im lặng đáng sợ. Chúng tôi lên tiếng dưới mục Ý kiến bạn đọc ở số 84 ra ngày 21/9/1987. Tiếp theo là số 85, 86, chúng tôi ngưng lại chờ trả lời: vẫn một sự im lặng đáng sợ kéo dài.

Đúng là không còn một giải pháp nào khác để “giải quyết nội bộ” như một số ít đồng chí sau này phê bình chúng tôi làm ồn ào vụ Nguyễn Mạnh Huy trong khi còn nhiều chuyện lớn hơn chưa làm!

Tôi tán thành ý kiến rất sâu sắc của nhà thơ Thanh Thảo: “Chúng ta đừng nghĩ đó là một vài trường hợp đơn lẻ và cứu được vài số phận con người là không đi tới đâu. Chính những ý  kiến đó đã giết chết tình người và góp phần cho cái ác, cái xấu ngày càng hung hãn, quấy phá”.

Gần một nghìn bức thư và điện gửi về góp ý lên tiếng về việc đi học của Nguyễn Mạnh Huy, trong số đó đa số là thư của các bạn trẻ. Chúng tôi thấy vui mừng rằng, trong thời kỳ đổi mới của đất nước, của Đảng, số phận của một con người dù ở làng quê xa xăm nhất cũng được công luận chú ý theo dõi và phán xét. Và trong số 1.000 bức thư, điện đó, một tín hiệu đáng mừng nữa là tất các đã đứng trên góc độ của chủ nghĩa xã hội mà xem xét và phê phán. Có những bức thư thật cảm động của những con em gia đình liệt sĩ, gia đình có công cách mạng đã phê phán những trường hợp bất hợp lý trong trường hợp này và phân tích những hậu quả không lường được của sự nâng điểm chênh lệch ở mức không thể cho phép giữa yêu cầu của trí tuệ cần phải đạt trong khoa học và ý muốn chủ quan của việc thực hiện một chính sách. Nhiều em ở những gia đình chính sách đã lên tiếng với tấm lòng đầy trách nhiệm và tự trọng cao.

Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh dù bận trăm công ngàn việc cũng đã viết thư cho Bí thư tỉnh ủy Nghĩa Bình và hôm Đại hội Đoàn, lúc một số đại biểu đến thăm, đồng chí Tổng bí thư đã đưa bức thư của đồng chí Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình trả lời cho đồng chí để thông báo về việc Nghĩa Bình đồng ý cho Huy vào đại học. Đồng chí Đỗ Mười cũng đã có một bức điện cho Tỉnh ủy Nghĩa Bình yêu cầu cho Huy được đi học. Đồng chí Tô Đình Cơ, Chủ tịch tỉnh Nghĩa Bình cũng đã thống nhất việc cho Huy đi học và ý kiến chính thức.

Từ đông đảo quần chúng thanh niên và nhiều giới đồng bào đến các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng đã chú ý đến việc nhỏ như thế, nhưng vẫn còn một số ít người có trách nhiệm ở một vài cấp thì bảo báo chí làm cho chuyện nhỏ xé to, kích động dư luận, cào bằng…

Không có việc gì đụng đến từng số phận con người lại là việc nhỏ cả. Và việc đó lại đụng đến việc đào tạo một lớp người trở thành bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo… thực thụ gánh vác tương lai của một đất nước. Liên Xô vừa qua cũng đã xem xét một cách nghiêm túc những vấn đề đào tạo ở bậc đại học.

Cũng xin đề đạt thêm rằng, chính sách đối với con em liệt sĩ và gia đình chính sách còn nhiều vấn đề còn phải bàn. Phải cần có chính sách tốt hơn nữa với các loại đối tượng này: phải có thầy dạy giỏi tập trung cho các trường dành cho đối tượng này, phải có thêm ngân sách, phải có thêm…, điều đó là hoàn toàn đúng và hợp lý. Việc nâng một số điểm không phản ánh được sự thực hiện chính sách đối với các đối tượng mà tạo ra những khe hở trong việc đào tạo ở bậc đại học.

Cho đến bây giờ, chưa lúc nào tôi lại xem một chuyện nghiêm túc, như chuyện tính toán đào tạo cho xã hội chủ nghĩa một đội ngũ trí thức có tài đủ sức tiến kịp trình độ thế giới, lại là chuyện nhỏ. Chưa bao giờ tôi có thể nghĩ rằng công dân được sống, học tập, làm việc theo hiến pháp và pháp luật lại bị chính Ban giáo dục chuyên nghiệp một tỉnh vi phạm quyền được học tập lại là chuyện nhỏ. Một thí sinh đã được cho đi thi, thi ba lần và dư điểm chuẩn lại không được đi học và bịa đặt ra vô số chi tiết về khai man lý lịch mà lúc đầu do duy nhất là cha chết trận, và văn bản đó, chúng tôi được biết Ban giáo dục chuyên nghiệp tự ý soạn mà không thông qua cơ quan chức năng là Sở tư pháp tỉnh Nghĩa Bình.
Chúng ta cũng chưa giải thích được việc cho các thí sinh đi thi và khi đã đủ điểm thì không cho đi học có dụng ý tiêu cực về vật chất nào không, như một số bạn đọc viết thư về tòa soạn nêu lên.

Tháng 9/1945, trong thư gởi học sinh nhân ngày khai trường, Bác Hồ của chúng ta đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần rất lớn ở công học tập của các cháu". Nếu quan niệm việc học tập như Bác Hồ từng dạy thì không thể có quan niệm khác với những thanh niên có chí tiến thủ, ham học và học giỏi.

(1) Xem báo Sài Gòn Giải Phóng

Minh Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.