Bóng đá Việt Nam sao mà buồn thế!

15/12/2005 13:42 GMT+7

1. Tôi nhiệt liệt hoan nghênh những bài viết về bóng đá của Báo Thanh Niên, khiến tôi xúc động và muốn hưởng ứng. Cũng có thể một bạn nào đó hỏi tôi anh là nhà văn biết gì về bóng đá? Xin thưa, tôi vốn sinh ra trong một gia đình bóng đá. Hơn 60 năm trước, cha tôi là thủ quân của một đội bóng. Dù ở một làng quê nhưng không phải là đội bóng chân đất mà là đội bóng chân giầy hẳn hoi.

Làng tôi vui lắm! Đã chơi thì phải vui. Đội bóng làng tôi có một đội múa lân. Đội bóng làng bên kia sông, “Chủ tịch” là thằng cò Tây có một dàn kèn đồng. Không hề nghe bán độ, chỉ vì màu cờ sắc áo.

Đội bóng của một làng là danh dự của làng, đội bóng của quận là danh dự của quận, của tỉnh là danh dự của tỉnh.

Bây giờ Đội tuyển bóng đá Việt Nam là danh dự của Tổ quốc Việt Nam.

Viết bài này vì trong tôi có máu bóng đá.

2. SEA Games 18 và Tiger Cup năm nay, Đội tuyển Việt Nam mang về cho Tổ quốc huy chương Bạc và Đồng. Niềm khao khát chiến thắng của người hâm mộ, bùng lên như cháy. Vui lắm, vui đến độ trương cò chạy khắp các ngả đường. Vui đến thế mà sao tôi viết bài “Bóng đá Việt Nam sao mà buồn thế!”. Niềm vui như cháy khi tan đi để lại trong lòng ta một lớp tro tàn buồn bã. Bởi vì nội bộ bóng đá của ta sao mà rắc rối thế.

Nhớ lại, năm 1954, đất nước chia làm hai miền. Bóng đá miền Bắc cũng như miền Nam, đều khởi sắc. Miền Bắc có đội Thể Công, công đầu từ anh Trương Tấn Bửu, cầu thủ nổi bậc là con trai anh – Trương Tấn Nghĩa. Rồi sau đó có Trọng Giáp, Thế Anh, Cao Cường và cả một đội ngũ cầu thủ nhiều tài năng.

Trong Nam, những đội bóng của Hàn Quốc, của Nhật mỗi khi đến sân cỏ Sài Gòn đều với một thái độ khiêm tốn. Ngày ấy bóng đá miền Nam có nhiều danh thủ như Tam Lang, Thà, Ngôn, Tư Lê cùng với đội ngũ cầu thủ tài năng và đã đạt được thành tích cao ở Đông Nam Á. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người yêu bóng đá có một ao ước nếu cầu thủ của hai miền tuyển lại thành một đội thì sẽ làm nên chuyện lớn.

Bây giờ bóng đá của Nhật Bản và Hàn Quốc bứt lên, vượt ta khá xa. Tôi không ganh tỵ mà mừng cho bóng đá châu Á. Còn ta, bị tụt hậu có một lý do chính đáng vì chiến tranh. Nhưng hai mươi năm đã qua, nếu còn đổ lỗi cho chiến tranh thì đó là sự ngụy biện trơ trẽn, buồn cười! Đáng lẽ ta phải mạnh hơn, nhưng vì sao?

3. Có một dạo tôi chán bóng đá. Không ra sân mà cũng không xem ti-vi. Vì trận nào, bóng chưa lăn mà tôi đã được báo trước tỉ số. Các đội bóng đã dàn xếp trước với nhau rồi và đúng y như vậy. Niềm vui bóng đá là niềm vui bất ngờ. Biết trước, xem làm gì! Có nghĩa là cầu thủ lừa bóng qua mặt khán giả.

Có một chuyện vui. Một cầu thủ trẻ, vì muốn khẳng định mình trên sân cỏ, trong những trận đấu đầu tiên, anh rất xông xáo và chọc thủng lưới đối phương. Đồng đội vây lấy anh, đè anh xuống, anh tưởng là đồng đội mừng mình, không ngờ anh bị cú, bị đánh, bị chửi. Đồng đội anh đã bán độ rồi nhưng nào anh có biết. Anh cầu thủ trẻ ấy sau này đã theo gương đàn anh, cũng bán độ.

Thêm một chuyện lạ. Tập sút vô cầu môn là chuyện khó, tập sút suýt vô cầu môn lại khó hơn! Bán độ rồi sút suýt vô không ai trách mà còn được vỗ tay, coi là đẹp. Khán giả, nếu bị lừa mà không biết thì vẫn vui, vô tư! Đau khổ thay cho những người biết mình bị lừa.

4. Niềm vui bóng đá lại được bừng lên trong tôi ở SEA Games 18, Cup Tiger 96. trước SEA Games 18, ta cũng lập đội tuyển. Tuyển thủ tài năng của các đội được tuyển về một mối. Rồi chẳng biết thế nào mà một số cầu thủ lại bỏ về, sau đó là bị kỷ luật treo giò. Nhưng cũng phải có đội tuyển và cũng đi thi đấu như ai, đấu xong rồi không một tiếng vang, không ai biết.

Lại một chuyện nữa, chuyện thật mà như tiếu lâm (bây giờ tiếu lâm còn thua xa sự thật). Môn bóng bàn. Ông huấn luyện viên là một quan chức nhưng không biết chuyên môn. Khi ông chỉ đạo cho vận động viên, ông động viên:

- Ráng lên! Ráng lên con.

Vận động viên nhảy tưng tưng, ráng lên mà không biết ráng lên như thế nào. Đến phút quyết định, ông lại hét:

- Dập! Dập cho nó chết mẹ nó đi con!

Nhưng dập như thế nào, ổng không chỉ. Vận động viên ta lại xung lên và dập, dập liền 3 quả, cả 3 đều ra ngoài, đành thua 18/21.

SEA Games 18 và Cúp Tiger 96 này, tôi có cảm tưởng LĐBĐ Việt Nam là “Ráng lên” và “Dập”, còn ông Weigang là chỉ cho cầu thủ ráng lên như thế nào và dập như thế nào để đưa bóng vào lưới đối phương, nhờ đó mà ta có huy chương Bạc và huy chương Đồng. Mối quan hệ của LĐBĐ và ông Weigang đẹp quá mà sao cả hai không vui? Tôi không thể hiểu!

5. Xin có đôi lời với anh Trần Bảy. Nếu có dịp trao đổi với anh về bóng đá chắc là lý thú. Tôi ngạc nhiên khi đọc câu trả lời của anh trên Báo Thanh Niên “Một là Nhà nước cách chức tôi do tôi không thể hợp tác với ông Weigang, hai là Nhà nước tin tôi thì ông Weigang thôi làm?” Sao lại có việc thách thức như vậy, anh Bảy? Và không nên so sánh đồng lương của hai người.

6. Tôi có một đề nghị hơi kỳ, đề nghị xóa án cho các cầu thủ bị kỷ luật vì bán độ. Phải xét nguyên nhân vì sao? Cuộc đời của cầu thủ rất ngắn ngủi. Mới thấy đó mà đã trở thành lão tướng (răng chưa rụng, và râu chưa bạc!) Nếu bị thương tật hoặc đến tuổi rời sân cỏ thì anh em sống ra sao? Ai nuôi họ và họ làm gì để nuôi vợ con? Đời người, không có cái khổ nào bằng cái khổ kế sinh nhai. Họ bán, bán lẫn nhau, cái giá cũng bèo lắm! Có người không ra sân, cũng không đá mà lại sống nhờ bóng đá thì sao? Tôi có cảm tưởng, ai đó đã bóc lột mồ hôi, cả xương máu của cầu thủ theo nghĩa đen.

Chăm lo cho cầu thủ cho đúng mức, rồi sau đó hãy kỷ luật và khi kỷ luật thì phải nghiêm khắc.

Tôi nhớ hồi nhỏ, trường tôi có một đội bóng học trò. Tôi nghiệm thấy, đứa nào giỏi văn thì dẫn bóng rất đẹp, lãng mạn lắm, đứa nào giỏi toán thì đi bóng rất chính xác.
Đôi chân của cầu thủ là đôi chân thể hiện cả học thức, văn hóa và tâm tính của mình. Người lãnh đạo, người huấn luyện viên nếu hiểu tận tường mọi lẽ của mỗi cầu thủ thì tài năng của họ sẽ được nâng lên theo cấp số nhân. Tôi có cảm giác là ông Weigang hiểu được điều này.

7. Trong chiến tranh, ta có khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”. Trong bóng đá, xin hãy tất cả cho sân cỏ, tất cả cho cầu thủ.

8. Phải gấp rút đào tạo một lớp cầu thủ trẻ để thay thế. Tôi cảm thấy tài năng của đội tuyển ta hiện nay có chiều hướng bão hòa hơn là phát triển. Con hơn cha là nhà có phúc, trong bóng đá, em hơn anh là niềm vui lớn. Nếu không như vậy thì ta mới vừa rướn lên thì lại tụt.

9. Bóng đá cũng là một môn chơi. Chơi thì phải vui. Chơi mà không vui thì chơi làm gì.

1/10/96
Nguyễn Quang Sáng (nhà văn)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.