Ai phải xin lỗi ai đây?

18/12/2005 00:00 GMT+7

Trong tuần qua, cứ mở các tờ báo quen ra là gặp "nghi án bán độ", phải nói người đọc đã quá ê ẩm. Nhưng cảm giác ấy không hề giống với "xúc cảm" của một "công dân Việt Nam" nào đó được đăng tải trên một tờ báo.

"Công dân" này do không ký tên thật mà chỉ ký một cái tên vô danh là "Người hâm mộ" nên có người đã nghĩ đây là quan điểm chính thức của tờ báo nọ. Nhưng sau vài ngày thì thấy hình như không phải (?). Tất cả bắt đầu từ cụm từ "nghi án". Đúng, đây mới là "nghi" chứ chưa phải "án", và cũng không tờ báo nào, phóng viên nào dám kết án các cầu thủ bị nghi ngờ "bán độ". Nhưng sự nghi ngờ là điều không thể ngăn cản, và cũng không thể giấu công luận về sự nghi ngờ ấy. Cơ quan điều tra có việc của cơ quan điều tra, công luận có cách nhìn nhận của công luận. Và trong bất cứ "nghi án" nào, người ta cũng lắng nghe tiếng nói các nhân chứng, trước khi lắng nghe tiếng nói của những người "được triệu tập". Tôi viết "được triệu tập" chứ không nói "bị triệu tập" để khỏi bị quy kết là cố ý "làm nặng". Nhân chứng đã nói rõ ràng qua trả lời của Phan Văn Tài Em, và chắc chắn sẽ có thêm trả lời của Tấn Tài, hai người đã khẳng định là họ "đã bị một số đồng nghiệp rủ bán độ". Và khi Tài Em nói đã "báo với bác Thụy Hải" thì chắc hẳn chàng cầu thủ "Hai Lúa" thật thà này không hề dựng chuyện để hại đồng đội. Có một cái gì thật sự nghiêm trọng mà một số người có trách nhiệm của đoàn bóng đá VN tại SEA Games 23 cố tình "làm nhẹ", cố tình "cho qua" để đạt một mục đích nào đó. "Nghi án" thực sự bắt đầu từ đó, từ chỗ người ta đã làm ngơ, đã bỏ qua cho một điều rất bất thường có thể và thực tế đã xảy ra trên sân cỏ trong trận VN -Myanmar.

Khi viết "báo chí không phải chỗ giải tỏa cơn giận", thì vị "công dân Việt Nam" khả kính kia đã quên nói rõ: ai giận, và giận ai đây? Nếu đây chỉ là cơn giận hồ đồ của một vài phóng viên, cơn giận "lửa rơm" của một vài tờ báo vào những cầu thủ vô tội thì quả thật đáng lên án. Nhưng nếu đây là cơn giận của "83 triệu người Việt Nam" theo cách viết khá cường điệu của "công dân" nọ thì nghĩ cũng đáng… sợ đấy chứ! Dù không phải 83 triệu người Việt Nam đều yêu bóng đá và đều… giận khi nghe có những cầu thủ bị nghi ngờ bán rẻ danh dự quốc gia, mà chỉ cần 1 phần 83 số người ấy yêu và giận thôi, thì đó đã là điều không thể đùa! Chúng ta yêu các cầu thủ, chúng ta tôn trọng mọi con người, nhưng cái gì phải rõ ràng cái ấy. Tôi biết, người ta còn có thể "bán độ" nhiều cái ác liệt hơn là vài trận bóng đá, nhưng khi hy vọng của hàng triệu người đặt vào đội tuyển bóng đá quốc gia, khi người ta thấp thỏm trước mỗi trận đấu dù là "ít quan trọng" nhất của đội tuyển, khi mỗi trận thắng của đội tuyển trở thành niềm vui và niềm tự hào của hàng triệu người, thì không ai cho phép bất cứ một lời "rủ rê bán độ" nào từ những cầu thủ ra sân. Nhiều người quen tung ra câu hỏi "chứng cứ đâu", họ quên một điều, là chứng cứ không bao giờ mất nếu nó có. Dù năm năm mười năm hoặc lâu hơn nữa, những trò bê bối những vụ bán độ sớm muộn cũng sẽ bị phơi trần, và lúc đó sẽ xuất hiện đầy đủ chứng cứ. Nhưng lần này chắc người ta không phải chờ lâu đến vậy. "Nghi án" đang chuyển màu, và sẽ đến lúc có thể trả lời câu hỏi: ai giận ai? Và ai phải xin lỗi ai? Những cầu thủ trung thực không thể xin lỗi những cầu thủ có manh tâm bán độ, người lương thiện không thể xin lỗi kẻ bất lương, những nhà báo hành nghề trong sáng không thể xin lỗi những ai mờ ám!

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.