Côn trùng "càng độc”... càng có giá
Vào một buổi chiều, khi mặt trời đứng bóng, những chiếc xe khách lại nhộn nhịp ra vào bến, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh gom hàng của những thương lái côn trùng chuyên nghiệp.
Từ xa, một chiếc xe khách trờ tới, những lái buôn lao ra, tư thế sẵn sàng đón nhận hàng. Từ trên xe hơn 10 chiếc lồng chứa đầy bò cạp, thằn lằn núi, mối chúa, dế cơm mập mạp chuyển xuống. Một lái buôn cho biết, hàng được các thương lái Tây Ninh, An Giang, Đồng Nai... thu gom lại đưa về đây giao.
Vừa nhận hàng được hơn 20 phút, Sơn một thương lái từ Tây Ninh đã vào nghề thu mua bọ cạp gần 4 năm xởi lởi: "Mối đưa hàng xuống chưa hết, có người còn ở xa lắm". Chúng tôi ngồi uống chưa xong ly nước lại có một chiếc xe khách hướng Đồng Nai đi tới, cả nhóm lái buôn lúc này nhộn nhạo hẳn lên.
Vậy là đã chờ được 2 chuyến xe chở hàng như đã báo trước. Sơn kể: Thường ngày anh phải đi trung bình khoảng 200km để thu mua hàng ở khắp mọi nẻo đường. Đi hết địa phương lại vượt qua biên giới Campuchia thu gom hàng. Riêng xã của anh đã có gần chục người chuyên làm nghề thương lái mặt hàng này. Cả làng 100 hộ, đã có hơn 200 người chuyên đi săn, đào mối chúa bán cho các thương lái. Nhiều gia đình nông thôn đã sống nhờ nghề săn bắt côn trùng.
Mỗi ngày Sơn thu mua được 400 - 500 con bò cạp, mối chúa, thằn lằn núi. Tôi hỏi đi gom hàng thu nhập khá không? Anh cười chân chất: Cứ 10 ngày gom hàng đưa xuống một lần, mỗi chuyến cũng được 1-1,5 triệu đồng. Sơn nhớ lại, vào đầu năm 1998, một quán nhỏ ở Tân Biên (Tây Ninh) mở quán nhậu, mồi là những con côn trùng loại hàng "độc", hiếm của núi rừng. Tưởng mở quán chẳng ai thèm vào, nào ngờ 3 tháng sau dân địa phương cứ thấy khách qua lại biên giới ùn ùn kéo nhau đến nhậu. Quán ngày càng tiêu thụ nhiều mặt hàng này và đã đặt hàng người dân địa phương bắt, thu gom côn trùng “độc”. Món ăn "độc" không còn độc quyền ở Tây Ninh mà nó đã đi xuống đồng bằng, về TP.HCM và nhiều tỉnh thành.
Đại lý côn trùng
Anh Trần Kim Công, người được coi là có công đầu tiên đưa món độc về TP kể lại: Cuối năm 1999, khi còn làm việc ở xí nghiệp đông lạnh (quận 1), tình cờ được bạn bè nói "quán nhậu" bán côn trùng đang hút khách. Nghe nói chỉ thấy toàn hàng "độc" như: bò cạp, dế cơm, mối chúa, thằn lằn núi... anh tò mò muốn mục kích. Anh xin Công ty cho nghỉ 6 ngày phép để được đến tận nơi xem và được thưởng thức những món ăn "độc".
Nào ngờ món ăn cứ cuốn hút mãi, anh nghĩ: Tại sao dân núi ăn được dân TP.HCM lại không ăn? Rồi anh đưa một ít mặt hàng này về thành phố chào hàng thử. Nào ngờ không những nhiều nhà hàng nhận mua mà còn muốn anh cung ứng thêm. Từ những lô hàng đầu tiên bán được thành công, anh quyết định làm đại lý phân phối bò cạp, dế, mối chúa cho các nhà hàng.
Anh Công đã trở lại Tây Ninh, liên hệ đặt hàng với người dân địa phương đứng ra làm đầu mối thu mua, bán lại cho anh. Sau một thời gian chào hàng, lượng khách ăn món đặc sản ngày càng đông. Mối cung ứng không đủ bán, anh lại liên hệ tiếp tục mở thêm nhiều điểm thu mua mới ở các địa phương khác nhau.
Vào những tháng cao điểm, anh Công còn huy động thêm 10 nhân viên đi giao hàng nhưng vẫn không xuể, cả gia đình anh trở thành những người giao hàng “bất đắc dĩ”. Giá mua dao động theo mùa, có những thời điểm khan hiếm hàng, anh phải mua từ 10-12 nghìn/1 chục bò cạp, mối chúa từ 5,5-6 nghìn/con, thằn lằn núi từ 70-80 nghìn/kg để cung ứng cho các nhà hàng.
Công việc làm ăn ngày càng xuôi chèo mát mái. Các đại lý tại TP ngoài cung ứng cho thị trường TP.HCM, Vũng Tàu, Đồng Nai còn mở rộng cho những hộ nuôi trong thành phố cũng như các tỉnh lân cận. Nhu cầu thị trường đòi hỏi ngày càng nhiều, hai người bạn thân nhất của Công cũng được anh dìu dắt vào nghề thu mua cung ứng cho các nhà hàng.
Cũng như Công, tôi gặp An trong lúc anh chuẩn bị đi giao hàng, anh cho biết: "Mình mới vào nghề hơn một năm, lúc đầu chỉ làm cho vui trong lúc nhàn rỗi, sau khi đi giao vài chuyến hàng rồi trở thành người bỏ mối bọ cạp lúc nào không hay. Thu nhập một ngày cũng được 200 - 300 nghìn”.
Các lái buôn cho biết, muốn trở thành đại lý cung ứng hàng, trước tiên phải tìm được nguồn hàng cung ứng. Vốn liếng đầu tư phải có 25 - 30 triệu đồng để đầu tư máy lạnh, chi phí kinh doanh. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại từ công việc này khá cao nên ngày càng có nhiều người tham gia.
Mùa mưa đến cũng là lúc người dân săn bắt được “mùa” côn trùng. Đa phần người dân làm nghề săn bắt đến từ An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai và Campuchia, giao cho các điểm thu mua. Các điểm này lại cung ứng về cho các đại lý TP để bán cho các nhà hàng. Nhiều đại lý không đủ nguồn vốn đầu tư ở khâu làm lạnh buộc phải gửi hàng ở các kho lạnh, chờ lúc khan hàng lấy ra cung ứng cho thị trường. Công nói trong niềm vui: "Mới đó mà tôi trở thành đại lý 5 năm rồi, chúng tôi từ cảnh nghèo khó nhờ nghề này mà đã đổi đời”.
Vào những thời gian cao điểm, nguồn hàng cung ứng không đủ cho các nhà hàng, người dân nơi đây còn nghĩ ra cách nuôi dưỡng chúng. Những người làm đại lý, thương lái lại trở thành đầu mối cung ứng cho những trại chăn nuôi côn trùng. Những con côn trùng nhỏ hiện nay không còn phải bán ngay ra thị trường mà được giữ lại nuôi dưỡng, chăm sóc sau đó mới cung ứng cho nhà hàng.
Nhiều nhà hàng ở TP.HCM chế biến món ăn từ côn trùng mà trở nên quen thuộc với khách hàng. Do vậy, số người đánh bắt, buôn bán mặt hàng này cũng tăng theo. Mỗi ngày một đại lý cần tới 5-10 công nhân đưa hàng đi tiêu thụ ở các nhà hàng.
Món ăn "độc" ngày một truyền xa, từ "mốt" ăn của người dân phố núi Tây Ninh giờ đã được người tiêu dùng TP.HCM, Hà Nội, Vũng Tàu ưa thích. Hiện nay dế cơm, bò cạp, mối chúa không những tiêu thụ trong nước mà nhiều mối lái, người nuôi đã bắt đầu xuất những lô hàng đầu tiên đi Mỹ và các nước châu u.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Bình luận (0)