"Thầy hiện là hiệu trưởng của Trường PTCS Húc Nghi (xã Húc Nghi - huyện Đăkrông)", rồi nhắn: "Các chú về gặp thầy Văn cho dân bản chúng tôi gửi lời cảm ơn, bởi nhờ thầy mà các con tôi biết cái chữ, nay đã trưởng thành, giàu có", và nữa: "Chúng tôi tự hào vì trên đỉnh Đăkrông có thầy Hà Công Văn".
Dáng người mảnh khảnh, nhỏ thó, gương mặt ẩn hiện đôi nếp nhăn, ánh mắt sáng, nụ cười rạng rỡ niềm vui... là những ấn tượng đầu tiên về một người thầy gần 30 năm đưa chữ leo bản. Trong câu chuyện, thầy không muốn nhắc về thời đã qua, nhưng những ký ức về tháng ngày đó cứ ập về từ sự khơi gợi, tò mò của chúng tôi...
Quê thầy ở tận Hàm Ninh, Quảng Bình. Thời trai trẻ, thầy cũng như chúng bạn đồng lứa xách vali lên đường, chẳng ngại hiểm nguy, xa xôi, khổ ải. Theo trí nhớ của thầy thì cùng đợt đi về huyện Hướng Hóa (nay tách thành Hướng Hóa và Đăkrông) năm 1977 có 13 thầy cô giáo trẻ. Bước xuống tàu ở thị xã Đông Hà khi trời vừa chập tối, tưởng gần, đi bộ hóa ra lên thị trấn Khe Sanh đúng 6 giờ sáng hôm sau. Điểm thầy Văn tiếp nhận là xã Tà Long (thời đó địa bàn xã này dài tới... 100 km, phần lớn là dân tộc Vân Kiều), từ trung tâm xã về điểm chỉ có... 30 km. Lại phải mấy ngày đường cuốc bộ bằng sức trẻ, cũng đã nhoài hơi. Thế mà, anh thanh niên này quyết đưa chữ lên bản bằng được. 3 năm, gắn bó nơi đây, bằng sức trẻ và sự sáng tạo, thầy Văn đã để lại "ấn tượng" trong bà con dân bản. "Vừa dạy vừa học" - thầy Văn nhớ lại phương châm tự mình đặt ra, áp dụng thời đó, bởi: "Điều cốt yếu là chính mình học lại bà con tiếng dân tộc mới dạy được tiếng Kinh cho dân bản hiểu. Thế là thầy - trò dạy - học cùng nhau".
Năm 1980, xã Tà Long cắt làm đôi, thầy Văn về với bản Chai (cách trung tâm xã 13 km). Đây là bản giáp ranh với bản Tà Mên, bản Bù của xã Bà Na nên thầy kiêm dạy luôn cho hai bản đó. Vẫn theo sách lược cũ mà thầy Văn đã đặt ra, cái chữ đến với dân bản ngày một "rầm rộ". Không những dạy chữ, thầy được xem là "nhà chính trị", "nhà cải cách ruộng đất" cho bản làng. "Trong 3 tiếng đồng hồ lên lớp mỗi ngày, 1,5 tiếng dạy chữ, 1,5 tiếng còn lại làm công tác chính trị, tư tưởng: kể chuyện miền xuôi, về cách làm giàu ở dưới đó cho dân bản nghe để dân bản làm, bỏ hủ tục lạc hậu..." - thầy nói - "Nhưng nói được phải làm được thì dân bản mới tin". Ngày ngày thầy Văn xắn tay, lội ruộng, lên nương giúp dân bản cách trồng lúa nước, trồng bắp, đậu, chăn nuôi, trồng trọt... Từ đó "đời sống bản làng được nâng lên thì mới chú tâm đến việc học chữ" - thầy Văn quan niệm như vậy.
Năm 1985 đến 1993, thầy Văn được tiếng lại đưa về bản Li Tôn, rồi sau đó về làm Hiệu trưởng của Trường PTCS Húc Nghi bây giờ. Có những điều thầy làm hồi đó xem như "cầm đèn chạy trước ô tô", nhưng vì dân bản, thầy cương quyết: "Bởi vì, lúc đó, mỗi khóa có 30 - 40 học sinh tốt nghiệp tiểu học nhưng ở Trường PTDT nội trú chỉ lấy có 5-6 em, thế số còn lại thất học. Tui xin chủ trương dạy lớp 6 nhưng phòng giáo dục còn "chưa có chủ trương", tui bèn liều, căn dặn giáo viên mua sách cũ, rút giáo viên tiểu học lên dạy... lớp 6 mở "lớp nhô". Từ đó dần dà các em được lên lớp, giáo viên được bổ sung, năm 2000: 23 em đậu tốt nghiệp khóa đầu tiên". Thầy Văn được xem là người "sinh ra" hệ thống cấp 2 ở vùng bản.
Không chỉ dạy chữ
Năm 1984, "người con gái đẹp" cùng quê đem lòng thương mến "anh giáo" dám bỏ cả quê hương lên với bản làng. Cũng năm đó hai người nên nghĩa vợ chồng, nhưng rồi mãi đến khi có 2 cháu thì vợ và con vẫn ở quê, còn thầy Văn thì "sống với bản làng". Có lần, thầy chuyển đi ở bản khác, 8 gia đình cùng "khăn gói" bỏ làng theo thầy với cái lý, cái tình: Thầy đi biết khi nào quay lại. Chúng tôi quyết theo thầy để cho con học. Đói khổ gì cũng được...
Năm 1996, vợ thầy Văn vào thăm chồng. Do mải mê công việc ở rẫy, có người hỏi đường vào bản, thầy hướng dẫn nhưng không kịp nhìn. Do thầy Văn quấn cái khăn trên đầu, mặc áo quần dân tộc, gương mặt nám đen... nên hai vợ chồng không nhận ra nhau, về đến nhà thì mới té ngửa. Nhiều lắm những lần già làng, trưởng bản "ưng", thậm chí ép thầy Văn để gả con gái nhưng đều thất bại bởi lòng thầy đã vững bên người vợ hiền ở quê...
Một lần công tác ở huyện Đăkrông, thầy Nam - Phó phòng Giáo dục huyện Vĩnh Linh - Quảng Trị nói với chúng tôi về "hành động anh hùng" của thầy Hà Công Văn: "Anh hùng của thầy Văn ở chỗ, thầy không ít lần cõng học sinh qua suối học chữ, nấu cơm cho học sinh ăn... Những việc làm mà nhiều người thấy quá ư đơn giản nhưng không làm được, tuy rất nhỏ nhặt trong cuộc sống thường nhật đó là anh hùng". Thầy Hà Công Văn 2 lần được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; năm 2004, đón nhận "Vinh quang Việt Nam"; nhưng với thầy Văn, cái mà thầy tâm đắc nhất đó là được dân bản tin yêu, bản làng ngày càng sáng lên nhờ cái chữ...
Bình Gianh
(Bài đoạt giải khuyến khích cuộc thi Viết về thầy cô giáo)
Bình luận (0)