Vị trí Giải U.21 Báo Thanh Niên

22/12/2005 15:16 GMT+7

Giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên hôm nay kết thúc. Sự chọn lựa Gia Lai để tổ chức vòng chung kết năm nay có hai điểm nhấn: Gia Lai là bản doanh của CLB HA-GL, hai năm liền đọat chức vô địch V- League, cũng là một trung tâm mới của bóng đá đỉnh cao trong thời kỳ bóng đá đi lên chuyên nghiệp.

Nhưng chọn Gia Lai, tức Pleiku còn có mục đích mang đến cho vùng Tây Nguyên một lễ hội thể thao tấm cỡ quốc gia, khơi dậy đời sống văn hóa ở nơi xưa kia thường bị quên lãng...

Sự thay đổi dữ dội của Pleiku sau ngày giải phóng, khiến cho những ai đã từng đến đó trước và sau 1975 phải kinh ngạc. Một thành phố mang vóc dáng rất phương Tây như Đà Lạt, đường sá rộng rãi và sạch, người dân ăn mặc đẹp vì có thu nhập khá. Người giàu mỗi ngày một đông.

Qua tiếng tăm tốt của CLB HA-GL, địa danh Pleiku- Gia Lai được nhiều nơi biết, lan rộng ra Đông Nam Á, không thể chối cãi thể thao, nhất là bóng đá, đóng vai trò ngọai giao tuyệt vời.

Nói về chất lượng của giải, trách nhiệm đó không thuộc về ban tổ chức . Bởi ý nghĩa của một giải bao giờ cũng là cơ hội để kiểm tra chất lượng đào tạo và huấn luyện từ các CLB và các địa phương.

Nếu trước đó không có sự chuẩn bị tốt, sự chăm sóc lực lượng trẻ, tạm bợ thì không thể nào vòng chung kết phô bày những tiến bộ chuyên môn cao và giới thiệu được các gương mặt thật sự triển vọng.

Vị trí của Giải U.21 Báo Thanh Niên rất quan trọng, vì rằng tuổi 21 trong hệ thống đào tạo là giai đọan cuối, hoàn chỉnh, sẵn sàng để đưa cầu thủ trẻ này đi vào chuyên nghiệp.

Thường ở các nước, việc đào tạo năng khiếu chấm dứt ở tuổi 18. Từ 18 đến 21 tuổi, cầu thủ trẻ đã được ký hợp đồng "cầu thủ tập sự" với câu lạc bộ của mình sau 21 tuổi, cầu thủ trẻ mới ký hợp đồng chuyên nghiệp. Cũng có nghĩa chính thức bắt đầu bước vào cuộc sống bằng nghề nghiệp bóng đá.

Có thể nói giải U.21 là cánh cửa mở ra con đường nghề nghiệp của các cầu thủ trẻ. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có lắm nhà quan sát và tuyển dụng tụ tập về Pleiku trong những ngày này. Giải U.21 Báo Thanh Niên như một thứ chợ phiên cho các nhà đầu tư tìm đối tác và chọn lựa mặt hàng mới.

Chúng ta không thể không nhìn nhận tất cả tấm lòng vì bóng đá trẻ mà Báo Thanh Niên, đứng đầu là Tổng biên tập Nguyễn Công Khế, đã dành cho giải này.

Không chỉ là cơ quan bảo trợ, bỏ tiền ra trao giải và tích cực tuyên truyền mà còn là người hiểu biết rất sâu tình hình bóng đá nước nhà, hiểu cả những ngóc ngách phức tạp của bộ môn này.

Ông Khế cũng từng đưa tờ báo mình tham gia tích cực vào các cuộc đấu tranh chống những lệch lạc và tiêu cực, nhiều lần làm thay đổi được tình hình đang làm giới hâm mộ bóng đá bức xúc, không đồng tình.

Để giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên hằng năm đạt hiệu quả cao hơn không chỉ cho bản thân giải mà là cho sự phát triển bóng đá nói chung, thì những gì diễn ra trước đó ở các CLB, các trung tâm đào tạo phải được quan tâm, tổ chức tốt hơn.

Giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên là cái kính phản ảnh bộ mặt đào tạo của cả làng bóng, là cuộc kiểm tra chất lượng bóng đá trẻ.

Chính sách đào tạo trẻ của LĐ và chất lượng các đội trẻ ở các CLB thế nào, thì Giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên như thế. Cũng chính giải này báo hiệu tương lai và những gì có thể kỳ vọng đối với bóng đá Việt Nam.

Chánh Trinh
(Thể Thao Ngày Nay 20/10/2004)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.