Ngày 17/12, ông Nguyễn Mạnh, một ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trong khi đánh cá đã phát hiện hai người nước ngoài này trong tình trạng kiệt sức vì đói khát và ngấm lạnh. Ông Mạnh đã lập tức đưa hai người về Bệnh viện Lý Sơn cấp cứu. Sau hai ngày được bệnh viện Lý Sơn tận tình cứu chữa, sức khỏe hai người đã dần bình phục. Tàu của bộ đội biên phòng Quảng Ngãi đã ra Lý Sơn đón hai người về đất liền và ngày 23.12, hai ông Smith và Freemen đã được Lãnh sự quán Australia tại TP.HCM đón về. Đây không phải lần đầu người dân đảo Lý Sơn cứu người nước ngoài trôi dạt trên biển do bị chìm tàu. Sau cơn kinh hoàng, hai người Australia và New Zealand đã vô cùng cảm kích trước ơn cứu mạng của những người dân đảo Lý Sơn bình dị, chân chất. Hai ông tâm sự, dù người dân đảo Lý Sơn không nói được tiếng Anh còn hai ông thì không nghe được tiếng Việt, nhưng "dường như chúng tôi rất hiểu nhau". Tôi, người Quảng Ngãi, nhưng phải thú thật là khi nghe người đảo Lý Sơn nói chuyện tôi chỉ hiểu được khoảng… 50%. Giọng nói đầy sóng gió và đất cằn sỏi cát vốn rất khó nghe của người Lý Sơn đã được hai người nước ngoài cảm nhận được. Cách đất liền 30 hải lý, đảo Lý Sơn không chỉ là một "chiến hạm nổi" tiền tiêu canh giữ cho đất liền Quảng Ngãi, mà còn đóng vai trò một "đại sứ thiện chí" của Quảng Ngãi trên biển Đông. Nhiều năm trước, một số doanh nhân người Australia sau khi đi thăm Lý Sơn tìm cơ hội đầu tư đã rất hào hứng muốn xây dựng tại hòn đảo này một trung tâm thể thao và du lịch. Dù ý định tốt đẹp ấy chưa thành vì nhiều lý do, nhưng dường như đã có một mối lương duyên giữa những người Úc năng động và những người dân chân chất giàu lòng nhân ái đảo Lý Sơn. Và lần này, khi hai ông Smith và Freemen lâm nạn trên biển, những bàn tay của người dân đảo Lý Sơn đã chìa ra rất kịp thời. Trong quá khứ, những người dân đánh cá Việt Nam đã không ít lần được người nước ngoài cứu giúp khi lâm nạn trên biển. Nhưng cũng không ít lần, ngư dân VN đã đối mặt với sự thù địch thiếu vắng lòng nhân ái khi đang đánh cá trên vùng biển tự do. Nhưng ngư dân VN nói chung, ngư dân Lý Sơn nói riêng bao giờ cũng sẵn lòng chia sớt đến hớp nước cuối cùng, chút thực phẩm cuối cùng với những người bị nạn trên biển, dù họ thuộc bất cứ quốc tịch nào. Lòng tốt hồn nhiên, sự đồng cảm giữa những người lao động phải thường xuyên đối mặt với hoạn nạn đã khiến người dân đảo Lý Sơn quê tôi coi việc cứu người lâm nạn là chuyện rất tự nhiên, là việc phải làm trong mọi hoàn cảnh. "Làm ơn há để mong người trả ơn", đạo lý của người Việt xưa nay là vậy. Còn nhớ, cách đây vừa đúng 170 năm, từ ngày 2 đến ngày 11/10/1835, một nho sinh thuộc huyện đảo Bành Hồ - Đài Loan tên là Thái Đình Lan cũng bị tai nạn trôi dạt trên biển và ông đã được ngư dân đảo Lý Sơn cứu vớt. Được điều trị, chăm sóc chu đáo, được chính quyền Quảng Ngãi hồi đó cho phép thăm thú nhiều nơi trong địa phương Quảng Ngãi. Sau này về Đài Loan ông Thái Đình Lan đã vô cùng cảm kích và viết hẳn một quyển sách du ký ca ngợi tấm lòng nghĩa hiệp của người dân đảo Lý Sơn và người dân Quảng Ngãi. Ông Thái Đình Lan sau chuyến ngộ nạn tại Lý Sơn, về nước đã học và thi đỗ tiến sĩ, nhưng theo như ông viết trong quyển sách du ký, ông đã học được nhiều nhất chính là trong thời gian lâm nạn và được người dân Lý Sơn cứu vớt.
Thanh Thảo
Bình luận (0)