"Nhiệt độ" AFTA đang nóng lên

30/12/2005 00:05 GMT+7

Chỉ còn vài ngày nữa, thuế nhập khẩu (NK) hàng loạt mặt hàng sẽ giảm còn từ 0-5% do thực hiện CEPT/AFTA, tức Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) cho khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).

Một quan chức Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, lộ trình thực hiện AFTA chúng ta đã cam kết nên từ 1/1/2006, các mặt hàng theo lộ trình sẽ tự động được áp dụng mức thuế suất mới chứ không có chuỵện chúng ta thương lượng lùi thời hạn. Trong khi không ít doanh nghiệp (DN) trong nước rất lo lắng trước áp lực cạnh tranh rất lớn đối với hàng hóa NK từ ASEAN thì người tiêu dùng lại đang đứng trước cơ hội lựa chọn nhiều loại hàng hóa có chấát lượng tốt, giá cả hợp lý.

Không thể hy sinh mãi quyền lợi người tiêu dùng

Theo lộ trình AFTA, Việt Nam có ba nhóm hàng hóa chính: nhóm nhạy cảm cần bảo hộ, nhóm bình thường và nhóm không cần bảo hộ. Với nhóm cần bảo hộ, từ vài năm nay, Bộ Tài chính thực hiện chính sách nâng thuế NK lên, sau đó hạ xuống từ từ để các DN trong nước "làm quen dần". Ngoài thuế suất (TS), Nhà nước còn có chính sách phi thuế để tạo thêm một hàng rào cho hàng cần bảo hộ. Song, Nhà nước cũng chủ trương bảo hộ có chừng mực, có thời hạn. Chẳng hạn như ngành đường, theo một chuyên gia Bộ Thương mại thì "chúng ta càng kiên trì bảo hộ, càng thấy kém hiệu quả". Vì thế, tuy đường thuộc diện mặt hàng được bảo hộ, nhưng trong danh mục năm 2006, TS thuế NK đường thô vẫn giảm từ 10% xuống thuế suất  thuế 5%. Hàng hóa thuộc nhóm bình thường thì áp dụng lộ trình chung. Với nhóm hàng hóa không cần bảo hộ, Việt Nam sẵn sàng mở cửa, như gạo, rau quả, TS thuế NK sắp tới sẽ là 0%. 

Theo ông Nguyễn Văn Ninh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, dòng TS  5% sẽ áp dụng với đa số hàng hóa hiện đang chịu TS thuế NK 10%. Do đó, thu ngân sách chắc chắn sẽ giảm. Ông nói: "Thuế NK giảm sẽ dẫn đến giá bán sản phẩm NK trên thị trường giảm, kéo theo việc giảm số thu thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập doanh nghiệp". Song, ông cũng thừa nhận có một khả năng khác. Đó là thuế NK nguyên vật liệu phục vụ sản xuất giảm, chi phí đầu vào giảm, giá thành hàng sản xuất trong nước thấp hơn sẽ làm gia tăng khối lượng hàng hóa lưu thông, thu thuế có thể sẽ tăng. Vấn đề còn lại, liệu sự gia tăng số thu từ hàng hóa sản xuất trong nước nhờ NK nguyên liệu giảm có bù đắp nổi mức giảm số thu thuế NK? 

Một số mặt hàng tiêu dùng vừa được bổ sung vào danh mục giảm thuế NK từ 1/1/2006:

- Camera số và các loại camera khác ghi hình ảnh nền, camera ghi hình khác giảm từ 20% xuống 5%.
- Xà phòng giảm từ 5% xuống 3%.
- Khoảng 23 loại rượu giảm từ 20% xuống 5%.
- Cam, quýt giảm từ 15% xuống 10% (đến 2007 còn 0%).
- Thịt và các phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm, thỏ, ếch, cá voi, cá nục heo... giảm từ 10% xuống 5%.

Điều cơ quan quản lý lo ngại nhất hiện nay vẫn là khả năng cạnh tranh của các DN khi mở cửa thị trường, hàng loạt dòng thuế bị cắt giảm. Ông Nguyễn Đình Vu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phân tích, khi lộ trình AFTA đang đến gần là bắt đầu cuộc cạnh tranh khốc liệt cùng các nước khác, do vậy, các DN cần nắm vững được thị trường trong nước. Theo ông, các DN hiện vẫn còn được bao bọc bởi hàng rào thuế quan, được Chính phủ ưu đãi về thuế nên vẫn có thể cạnh tranh với hàng NK. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cũng thừa nhận, thời gian qua, chính sách NK, thuế Tiêu thụ đặc biệt còn nặng về bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc bảo hộ này vẫn chưa có chọn lọc, kéo dài nhiều thời gian nên chưa hình thành được ngành công nghiệp sản xuất như mong muốn. Chẳng hạn như ngành sản xuất và lắp ráp đường, ô tô, hàng điện tử... Chính điều này đã làm hạn chế tính chủ động của các DN trong việc sắp xếp lại sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh. Còn ông Quách Đức Pháp, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế của Bộ này thì khẳng định, Nhà nước chỉ bảo hộ trong một chừng mực nhất định chứ không thể quá nuông chiều DN bằng chính sách thuế như thời gian qua. "Nhà nước không thể hy sinh mãi quyền lợi của người tiêu dùng. Do vậy, các DN cần chuẩn bị sẵn tâm lý mới mong cạnh tranh với các đối tác nước ngoài khi mở cửa thị trường" - ông Pháp nói.

Hàng nhập từ các nước ASEAN gia tăng

Anh Linh, làm việc ở một công ty XNK đang định mua một máy quay phim cỡ 12 triệu đồng, chuẩn bị cho chuyến về quê ăn Tết nhưng chưa thực hiện được. Vốn là người cẩn thận, trước khi mua, anh Linh vào internet tìm thông tin. Cuối cùng, anh quyết định chờ đến sau ngày 1.1.2006 mới mua vì lúc đó TS thuế NK của mặt hàng này giảm từ 20% xuống còn 5%. Tết năm nay, người tiêu dùng có thể thưởng thức các loại rượu mạnh cất từ rượu vang nho hoặc từ bã nho và các loại rượu whisky với giá khá rẻ so với năm ngoái vì TS thuế NK giảm từ 20% xuống 5%. Giá rượu hiện nay tại các siêu thị chưa có sự biến động nhưng theo một số nhà NK, nếu đúng theo biểu thuế đã ban hành mà không có gì thay đổi, qua "Tết dương lịch" người tiêu dùng sẽ "cụng" rượu Tây với giá hợp lý hơn. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Saigon Co-op (TP.HCM) cho biết: "Hàng hóa NK từ ASEAN đang tăng dần lên về số lượng, nhất là hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm. Đặc biệt vào dịp Tết này các loại bánh kẹo NK nhiều hơn do giá cả khá cạnh tranh và mẫu mã phong phú". Nếu như trước đây, loại bánh hộp thiếc NK đa số là của Đan Mạch thì hiện nay hầu hết đều từ Thái Lan, Malaysia. Bên cạnh đó, các loại hóa mỹ phẩm cũng có thêm nhiều sản phẩm mới có xuất xứ từ các nước ASEAN.

Trên thị trường điện máy, không đợi đến thời điểm kể trên, các trung tâm bán hàng ở TP.HCM đang tranh nhau kéo khách hàng bằng cách giảm giá các mặt hàng điện tử từ 20 - 40%. Các trung tâm điện máy hiện tràn ngập hàng nhập từ Malaysia, Singapore, hay Thái Lan, kỳ thực đều là những thương hiệu của Nhật như Sony, Panasonic, JVC, Canon... vốn đã độc chiếm thị trường Việt Nam từ lâu. Rất nhiều ý kiến cho rằng cuộc cạnh tranh về giá của các mặt hàng điện tử ở thị trường Việt Nam sẽ trở nên khốc liệt hơn vào năm sau. Tuy nhiên, theo một chuyên gia Bộ Thương mại,  những thương hiệu Nhật nói trên từ các nước ASEAN cũng không khác gì những thương hiệu đang ở Việt Nam. Chuyên gia này nhận xét: "Gà nhà sẽ không có chuyện đá nhau. Không phải cạnh tranh mà một trật tự thị trường mang tầm khu vực sẽ được sắp xếp, phân công lại từ những ông chủ Nhật Bản. Có chăng một cuộc cạnh tranh sẽ xảy ra giữa những thương hiệu Nhật Bản và thương hiệu Hàn Quốc trên thị trường Việt Nam mà thôi".

Xuân Danh - Trung Bình - Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.