“Chiến tranh khí đốt” Nga - Ukraine: Khủng hoảng dịu bớt, bất đồng vẫn còn

03/01/2006 23:57 GMT+7

Sau 36 giờ căng thẳng, Nga đã bắt đầu nối lại việc truyền khí đốt đến châu u thông qua đường ống xuyên Ukraine. Không khí tạm thời dịu xuống nhưng tranh cãi có vẻ còn kéo dài.

Cuộc khủng hoảng khí đốt giữa Nga và Ukraine, sau khi Công ty Gazprom cắt giảm lượng khí xuất khẩu thông qua đường ống dẫn xuyên Ukraine vào hôm chủ nhật, đã khiến cả châu u rúng động. Điều này rất dễ hiểu bởi Gazprom, công ty năng lượng thuộc sở hữu của chính phủ Nga, cung cấp tới 1/3 lượng khí đốt mà liên minh châu u (EU) nhập khẩu và 1/5 lượng khí sử dụng tại khu vực này.

Năm 2004, Đức nhập 38 tỉ m3 khí đốt từ Nga, Ukraine nhập 34 tỉ, Ý nhập 21 tỉ, Thổ Nhĩ Kỳ 14 tỉ và Pháp 12 tỉ. Rất nhiều quốc gia châu u phụ thuộc hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn vào khí đốt của Nga: 100% khí đốt tiêu thụ tại Slovakia "chảy" từ Nga, tỷ lệ này tại Bulgaria là 94%, Hy Lạp là 92%, CH Czech 73%. Trong lộ trình đến châu u, đường ống xuyên lãnh thổ Ukraine có vai trò vô cùng to lớn: 90% lượng khí đốt của Gazprom chảy qua Tây và Trung u phải "quá cảnh" Ukraine. Chính vì điều đó, khi xảy ra tranh cãi và Nga cắt giảm lượng khí đốt chảy qua ngả Ukraine, cả châu u đã rúng động, đặc biệt là trong thời điểm mùa đông đang ở giai đoạn khắc nghiệt nhất.

Việc Nga cắt giảm khí đốt xuất qua châu u kéo dài suốt 36 tiếng đồng hồ đã tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội của châu lục này. Đến ngày 3/1 thì nỗi lo của người châu u đã được giải tỏa phần nào sau khi Nga tăng dần lượng khí đốt xuất khẩu thông qua lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, người ta lo ngại rằng nguy cơ về những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai vẫn còn tiềm ẩn khi mà các bên chưa đưa ra được một giải pháp thỏa đáng nào để chấm dứt tranh cãi. Giải pháp đó, theo Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) P.Lami, là Nga và Ukraine nên thực hiện việc mua bán khí đốt theo giá thị trường. Ông này nói rằng cuộc khủng hoảng đó lẽ ra đã không xảy ra nếu hai quốc gia này là thành viên WTO.

Có một thực tế là cho đến nay, Nga vẫn giữ chính sách bán khí đốt cho một số quốc gia tách ra từ Liên Xô (cũ) với giá thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường. Trong khi Nga bán khí đốt cho EU với giá 240 USD/1.000m3 thì lại bán cho Ukraine với giá 50 USD/1.000m3. "Tai nạn" đã xảy ra khi Gazprom đề nghị tăng giá bán cho Ukraine lên mức 230 USD/1.000m3. Mức giá mới mà Gazprom đề nghị vẫn thấp hơn so với giá chung của thị trường nhưng sự "thay đổi nhiệt độ" quá đột ngột đã khiến người Ukraine phát sốt. Họ không thể chấp nhận ngày hôm nay phải trả mức giá gấp gần 5 lần so với hôm qua. Theo Cao ủy phụ trách năng lượng của EU A.Piebalgs, thay đổi về giá là cần thiết nhưng phải từ từ.

Đỗ Hùng
(BBC, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.