2005: Năm “đại hạn” của các nhà báo

04/01/2006 23:00 GMT+7

Năm 2005 quả là năm đại hạn đối với các nhà báo quốc tế với ít nhất 63 người thiệt mạng khi đang tác nghiệp, theo báo cáo của Tổ chức các nhà báo không biên giới (RWB).

Iraq vẫn là đất nước nguy hiểm nhất cho các nhà báo với 24 người thiệt mạng tại nơi này trong năm qua. Đa số bị chết do các vụ tấn công của bọn khủng bố hoặc các phần tử chống đối ở Iraq. Tuy nhiên, cũng có một số người thiệt mạng dưới bàn tay của quân đội Mỹ. Đơn cử như nhà sản xuất truyền hình Iraq W.al-Bakri, 30 tuổi đã bị lính Mỹ bắn chết hôm 28.6.2005 A.Cooper - Giám đốc điều hành của Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ) có trụ sở tại New York (Mỹ) - bộc bạch: "Có quá nhiều nhà báo bỏ mạng chỉ vì họ đang làm công việc của mình và các chính phủ thiếu quan tâm phải chịu trách nhiệm về việc này". Bà Cooper cũng thêm rằng: "Chiến tranh tại Iraq có thể khiến mọi người nghĩ rằng các nhà báo đã mất mạng giữa cuộc chiến. Tuy nhiên, thực tế 3/4 nhà báo bị giết chết trên toàn cầu là do bị sát hại và những kẻ giết chết họ hiếm khi bị truy tố ra tòa". Cánh phóng viên Iraq là những người gánh chịu các cuộc tấn công nhiều nhất trong năm qua. Nhà báo tự do người Mỹ S.Vincent là nhà báo ngoại quốc duy nhất bị sát hại tại đất nước Trung Đông này hồi năm 2005, so với 5 nhà báo nước ngoài bỏ mạng năm 2004. Kể từ khi cuộc chiến Iraq bùng nổ vào tháng 3.2003, đã có 76 nhà báo và các trợ lý của họ như thông dịch viên hay tài xế bị giết chết.

Số nhà báo thiệt mạng trong năm 2005 là cao nhất kể từ năm 1995 - thời điểm có đến 64 nhà báo bị sát hại, trong đó có 22 người tại Algeria. Số nhà báo bỏ mình tại Iraq cao hơn nhiều so với số nhà báo thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam.
Tiếp sau "cửa tử" Iraq, Philippines là nơi nguy hiểm thứ 2 đối với các nhà báo. Theo RWB, có 7 nhà báo đã thiệt mạng và kẻ thù của họ đa số là giới chính trị gia, thương gia và những kẻ buôn bán thuốc phiện muốn giết họ để bịt miệng chứ không phải là những tay súng có vũ trang. Ngoài ra, trong năm 2005 cũng đã có 2 nhà báo hàng đầu ở Li-băng bị giết chết: nhà bình luận S.Kassir và chủ báo G.Tueni. Riêng M.Chidiac - "nữ hoàng" truyền hình ở Li-băng - đã mất một tay, một chân khi xe cô bị đánh bom hồi tháng 9. Ngoài ra, vấn đề an toàn cho nhà báo ở châu Phi đã đến mức báo động khi có nhiều nhà báo bị giết chết tại CHDC Congo, Sierra Leone và Somalia. Những kẻ sát hại họ đều không bị trừng trị. Tại Afghanistan, Bangladesh, Haiti, Nga và Sri Lanka, mỗi nước có 2 nhà báo thiệt mạng trong năm qua.

RWB cũng ghi nhận hơn 1.300 vụ tấn công và đe dọa nhằm vào các nhà báo trong suốt năm qua, hơn hẳn so với năm 2004. Những vụ việc trên xảy ra gần như cơm bữa ở Bangladesh và Nepal. Gần 50 nhà báo tại Nigeria và Peru đã bị cảnh sát, binh sĩ hay cận vệ của giới chức địa phương đánh đập.  (Guardian, SBS)

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.