Đào tạo sau đại học: Nhiều luận án vô bổ vẫn thành tiến sĩ!

05/01/2006 22:09 GMT+7

Tại hội nghị tổng kết công tác đào tạo sau đại học vừa diễn ra tại Hà Nội đã có không ít ý kiến của đại biểu than phiền về chất lượng đào tạo sau đại học trong những năm vừa qua. Nhiều đại biểu đã thẳng thắn mổ xẻ nguyên nhân khiến cho chất lượng của những luận án tiến sĩ hầu như "bị thả nổi".

Đề cập đến những luận án tiến sĩ trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Bành Tiến Long thừâa nhận: "Việc xác định đề tài nghiên cứu của nghiên cứu sinh (NCS) còn bất cập, chưa xuất phát từ yêu cầu phát triển của ngành khoa học. Rất nhiều đề tài NCS quá rộng, quá chung chung hoặc còn nhỏ hẹp cả về không gian, thời gian, mức độ khái quát của vấn đề đến nhiệm vụ đặt ra của đề tài. Nhiều đề tài không hợp lý, không cụ thể làm cho kết quả nghiên cứu cần đạt được không rõ ràng. Những điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cũng như tầm cỡ của một luận án tiến sĩ". Ông Long ví dụ: "Có những luận án phải yêu cầu viết lại về những kết luận mới của đề tài nhưng viết tới 4-5 lần mà vẫn không có gì khác bởi nội dung của luận án không có gì mới". Ông Vũ Minh Giang - Phó giám đốc ĐH quốc gia Hà Nội đã phải thốt lên: "Nhiều đề tài "vô bổ" quá !". PGS.TS Lê Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cũng cho biết nhiều luận án lan man, không kết luận được vấn đề gì.

Đại biểu trao đổi ngoài hành lang hội nghị - (ảnh: V.T)

Thế nhưng, một thực tế đáng buồn là hầu như tất cả các luận án của NCS đều được xếp vào loại xuất sắc ! TS Lê Quang Minh khẳng định: "Ít có luận án nào được đánh giá dưới 9 điểm". GS Phạm Thế Long - Học viện kỹ thuật quân sự cũng cho biết, sau khi rà soát những luận án tiến sĩ của đơn vị ông thì những luận văn, luận án có điểm 7 chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Bành Tiến Long cho rằng: "Hoạt động chuyên môn trong đào tạo NCS là vấn đề bức xúc nhất trong đào tạo tiến sĩ hiện nay của nhiều ngành đào tạo, đặc biệt là các ngành kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn. Khá nhiều NCS hầu như không có mặt tại cơ sở đào tạo, không tham gia các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, sinh hoạt chuyên môn học thuật của bộ môn; không có sự kiểm soát, đánh giá thường xuyên về tiến độ thực hiện đề tài, khả năng thực thi luận án, kế hoạch nghiên cứu và triển vọng của đề tài để có cơ sở phân loại và sàng lọc NCS trong quá trình đào tạo, do đó việc hoàn thành luận án, bảo vệ luận án mang nặng tính hành chính, mất đi tính học thuật cần thiết. Đây là khâu quan trọng nhất quyết định chất lượng của một luận án tiến sĩ nhưng hầu như bị thả nổi".

GS Phạm Thế Long cho biết hiện các cơ sở đào tạo rất lúng túng trong việc đánh giá NCS. Các cơ sở đào tạo có thể đình chỉ việc học của NCS nhưng hầu như chưa có nơi nào thực hiện vì có nhiều yếu tố xã hội. Vì thế, không thể hành chính hóa việc đánh giá NCS mà phải đề ra một quy trình thích hợp. Ông đề nghị khi đánh giá luận án phải lượng hóa để có tiêu chí cụ thể rõ ràng.

PGS.TS Lê Quang Minh cũng đề nghị: Cần quy định khung đánh giá luận án. Ví dụ có khung đánh giá những luận án  từ 6-8 điểm, đối với những luận án đạt từ 9 điểm trở lên có thể thành lập hội đồng thẩm định để xem xét luận án có thực sự xuất sắc hay không. Ông Minh còn cho rằng cần phải thành lập hội đồng đánh giá phản biện kín, tăng số người phản biện kín lên 4-5 người để đảm bảo độ khách quan, tránh hiện tượng hội đồng vừa được thành lập, NCS đã biết ai là chủ tịch hội đồng và gọi điện thoại đến "can thiệp".

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.