Những "diễn viên đóng thế"
Cả phòng trọ của tôi chẳng ai xa lạ và ngạc nhiên trước việc Hưng - sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải, tối tối lại cắp cặp đi học để rồi đến cuối tháng... lĩnh lương. Theo lời Hưng kể thì nhờ sự quen biết và giới thiệu của anh bạn thân hồi làm tiếp thị chung với nhau, Hưng nhận lời đi học giùm cho bạn của anh ta tại lớp tại chức luật trong vòng 2 tháng với giá 25.000 đồng/buổi. Tuy nhiên vì bận bịu công việc, anh ta nhờ Hưng học tiếp hết học kỳ luôn. Thế là Hưng đeo công việc cho đến tận hôm nay.
Công việc của người đi học thuê hết sức đơn giản và không "nguy hiểm" (vì không đụng chạm đến ai và cũng chẳng mấy khi bị giáo viên điểm danh phát hiện). "Mình chỉ việc đến lớp ngồi học, chép bài và điểm danh giùm họ, thế là hết nhiệm vụ. Một buổi tối bỏ ra 2 tiếng ngồi học vừa có kiến thức vừa có được 25.000 đồng, kể cũng được lắm chứ! Bằng đi dạy kèm 1 ca lớp 12 đấy" - Hưng tâm sự.
Thục Đoan, SV khoa Văn Trường ĐHDL VH, cũng đang đi học thuê ở lớp tại chức cử nhân Anh văn cho một chị phó phòng kinh doanh của một công ty giày da. "Diễn viên đóng thế" được nhận mức thù lao 20.000 đồng/buổi, chưa kể tiền gửi xe, uống nước, mua tài liệu... Công việc của Đoan cũng giống như Hưng, chỉ có mỗi nhiệm vụ đến lớp chép bài, điểm danh xong rồi về. Đoan nói: "Lúc đầu mới đi học thuê và sống bằng tên của người khác mình cũng run lắm, vào lớp chỉ biết ngồi yên chép bài, chẳng dám mở miệng nói chuyện với ai. Lắm lúc cũng cứ quên tên mình đang phải mang, thầy gọi điểm danh mãi mới giật mình lên tiếng...", nhưng công việc này đối với cô cũng rất thú vị và có ích cho bản thân. "Mình vừa được đi học Anh văn miễn phí, được tha hồ hỏi những gì mình chưa biết với các bạn ngồi cùng... Học kiểu này riết không chừng mình có bằng cử nhân Anh văn luôn đó. Chính vì thế, ai kêu mình học thuê là mình học ngay" - Đoan dí dỏm nói.
Việc học thuê thường xảy ra ở các lớp tại chức, chuyên tu và không chỉ diễn ra giữa các SV trường này với SV trường khác, giữa bạn bè với nhau mà chuyện lính đi học hộ sếp cũng không phải không có. Phần nhiều những người thuê người học hộ đều đã có gia đình. Với nam thì không có gì phiền phức cho lắm và đối tượng học thuê cho nam cũng ít hơn. Còn với nữ, ngoài công việc, họ còn gia đình và hàng trăm chuyện phải lo nên đa phần sinh viên nữ thuê người học và thành phần đi học thuê cũng chủ yếu là nữ.
Không giống như Hưng và Đoan, Cẩm Nhung - SV năm cuối Trường ĐH KHXH-NV lại đến với nghề học thuê một cách tình cờ và có phần bị "tác động" bởi hoàn cảnh. Nhung đang là gia sư cho chính con của người thuê mình học. "Tôi dạy kèm cho con chị ấy đã hơn hai năm nay. Qua vài lần trò chuyện giữa hai chị em, biết tôi còn rảnh thời gian vào buổi tối nên chị đã nhờ tôi học giùm chị 3 tháng ở lớp quản lý doanh nghiệp cao cấp" - Nhung cho biết - "Chị nói với mình cố gắng giúp chị hết năm nay cũng như cố gắng kèm cặp cho con chị thật tốt, mai mốt ra trường, chị sẽ giúp mình về nhà xuất bản làm vì mình học chuyên ngành báo chí - xuất bản mà. Thế là phải giúp thôi". Tuy nói là giúp nhưng chị vẫn trả lương cho Nhung đầy đủ.
Mục đích của người thuê người học hộ là để đối phó với luật lệ học đường như điểm danh trên lớp và có tài liệu để tham khảo khi đi thi. Họ ít nhiều là những người đã có một công việc ổn định nhưng vì lý do phục vụ nghề nghiệp và sự thăng tiến của bản thân, kể cả việc bị bắt buộc đi học (vì cơ quan chủ quản cử họ đi học) mà mảnh bằng đại học (chủ yếu là tại chức) hay bằng chuyên tu, nghiệp vụ đối với họ là rất quan trọng. Họ không có thời gian nhưng vẫn phải đăng ký đi học, để rồi giải pháp thuê người học hộ trở thành lựa chọn tối ưu.
Và hệ quả
Điều dễ dàng nhận thấy qua tình trạng học thuê, thi hộ tràn lan hiện nay chính là việc nhiều nơi còn quá coi trọng bằng cấp. Không có thời gian nhưng vẫn phải đi học. Học để có tấm bằng lận lưng, để có thể dễ dàng thăng tiến hoặc được đề bạt mặc cho giá trị thật của những mảnh bằng ấy đến đâu. Những tác hại vô hình mà chúng ta không thể một sớm một chiều thấy được.
Người học sẽ tiếp nhận và lĩnh hội được gì với kiểu "người này học, người khác lấy bằng"? Chủ nhân của những tấm bằng như trên sẽ làm được gì khi dăm ba tháng mới có mặt trên lớp một lần? Cũng không hiểu nổi tại sao mà họ vẫn... thi đậu tốt nghiệp được?
Nguyễn Anh Tú
Bình luận (0)