Với các sáng tác của tác giả trẻ này, lần đầu tiên hơi thở đời sống cùng với những sáng tạo tìm tòi trong nghệ thuật của giới nhạc sỹ đã có thể gặp nhau chứ không phải là hai đường thẳng song song như trước kia”. Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, nhận xét về Trần Quế Sơn từ Hà Nội. Tôi nối sóng Đà Nẵng- Sài Gòn, được biết “Sơn đang dự một hội thảo và trò chuyện với nhạc sĩ Thế Bảo”. À ra thế! Mới hôm qua thôi, còn ít người biết Trần Quế Sơn dù một số ca khúc của anh đã được Mỹ Tâm, Quang Linh, Hồ Quỳnh Hương thể hiện tại Vol 2.
“Ngôi sao rồi nhé”, tôi đùa. Sơn như nhẹ nhàng cười trong điện thoại, chả bù mỗi lần về quê anh kê kích nào amplies, nào loa, nào đàn điện “làm đình làm đám” ngay trong xóm nhỏ, nơi ngày nào tròn 3 tuổi Sơn theo cha mẹ dắt díu nhau trở về sau chiến tranh. Quê không chỉ theo Sơn trong cái tên nhạc sĩ. Quê lặm sâu, ràng rịt trong máu trong hồn của cậu học sinh tiểu học Quế Hiệp rồi trung học Quế Sơn. Ở đó, là ngã ba đi Đèo Le- Hòn Kẽm Đá Dừng, nơi từng in dấu chân của nguyên Viện trưởng sân khấu Hoàng Châu Ký, của Nhà thơ tiền bối Khương Hữu Dụng, của nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân... Ở đó, mỗi lần về thăm, Sơn vừa đàn vừa hát toàn bộ ca khúc của mình cho anh em, bạn bè thuở còn ở truồng tắm mưa nghe. Cái kiểu “live show” đó làm người ta nhớ lại những đêm hát bội thuở nào trên chính miền quê trung du đầy khí chất, nhớ những câu hò chèo thuyền, giã vôi, bã trạo của miền Trung.
Nghĩ cũng lạ, đời Sơn gắn với những ngã ba. Sinh ra tại ngã ba Hòa Cầm năm 1972. Từ 1975 đến 1990, lớn lên và đi học ở ngã ba Quế Sơn- Đèo Le- Hiệp Đức. Vào TP. HCM theo học 8 năm Nhạc viện 1991- 1999, nhiều lần băn khoăn trước những ngã ba cuộc sống. Nay khởi nghiệp cũng ở rất nhiều ngã ba âm nhạc, nhưng cuối cùng Trần Quế Sơn vẫn kiên trì theo lộ trình đã chọn từ thuở nghe làng quê hát: “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi...” Hiểu theo cách nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã nói, tôi nghĩ câu hò định mệnh ấy sẽ theo suốt hành trình sáng tạo của Sơn. Anh viết những ca khúc mang mang âm hưởng dân ca Việt nhưng chỉ khác anh em đồng nghiệp đôi chút, tiết tấu giai điệu trong ca khúc của Sơn được thể hiện đầy cách tân, hiện đại khi anh dùng nhiều nhạc cụ trong giàn giao hưởng để hòa âm, phối khí. Nghe “Cõng mẹ đi chơi” do chính tác giả hát trong CD “Vì anh đấy thôi” (bản nháp) trước khi Sài Gòn Audio phát hành, tôi như nghe tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng đất trời lẫn tiếng khóc của chính Sơn... Sâu cao hơn, tôi nghĩ đến một tiểu nhạc kịch với các màn các cảnh về “trò chơi cuối cùng” như anh đề dẫn trong câu nhạc intro về trò chơi của một đời người, của một mẹ già khi bà thăng thiên bỏ lại bên đời đứa con trai nhỏ mồ côi. Trần Quế Sơn định danh đó là “trò chơi lên trời”. Còn tôi nghĩ, anh đoạt giải nhất với ca khúc này cũng là điểm xuyết đẹp của một trò chơi đã được “ông trời” sắp đặt, không ai thoát khỏi... Thật ra có lần Sơn suýt trở thành nhân vật chính trong trò chơi ấy khi anh bước vào tuổi 33, đại hung niên. Lần đó, khi cùng nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển về Quảng Nam làm CD Tiếng Sông Thu, ống chân phải của anh đã bị gãy nát dưới gầm xe tải. Và trong 17 tháng điều trị, nằm trên một căn gác hẹp xóm lao động nghèo, Sơn đã viết “Khi hôn em ở biển”, “Soi vào mắt em” đầy huyễn hoặc.
Sơn bấm vào máy tôi: “Trước tình hình đầy ắp ca khúc thị trường, Sơn rất mong các ca sĩ cùng hợp tác để đưa những ca khúc chuyên nghiệp ra phục vụ tốt công chúng. Đó chính là nguồn động viên Sơn sáng tác tiếp trong thời gian tới...” Tôi gọi Sơn, có tiếng trả lời: “Ban đêm anh đừng gọi em vì lúc đó em là nhạc công organ tại quán Lá. Còn ban ngày em... ngủ, lúc nào được em sẽ gọi cho anh”. Tôi hỏi e- mail. Sơn... chịu! Dường như nhịp điệu quay cuồng của cuộc sống Sài Gòn không chi phối mấy đến anh. Trong 8 triệu người đa hộ tịch, Trần Quế Sơn vẫn thủng thỉnh sống, thủng thỉnh sáng tạo những ca khúc tiệm tiến hồn người như “Tình quê”, “Tre Việt Nam”, “Cõng mẹ đi chơi”...
Đặng Ngọc Khoa
Bình luận (0)