Có một dịp, rất đông phóng viên y tế của một số tờ báo ở TP.HCM đã chứng kiến cảnh bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương - Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (TP.HCM) rơi lệ trong lúc chị bế trên tay hai em bé - là "tác phẩm" mà chị cùng một số đồng nghiệp là "tác giả" tạo nên. Nhiều người chứng kiến hôm ấy rất xúc động, muốn chảy nước mắt theo khi đôi mắt bác sĩ Sương đỏ hoe, hai hàng nước mắt lăn dài. Chị khóc bởi bố, mẹ của hai đứa trẻ chào đời hôm ấy trước đó gần như hết hy vọng vì đã chạy chữa ở một số nơi nhưng không đem lại kết quả gì.
Từ một phòng khám thuộc khoa Kế hoạch hóa gia đình của Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), tập thể y, bác sĩ nơi đây cũng như toàn bệnh viện đã phát triển thành khoa Hiếm muộn ngày nay. Cái tên "Hiếm muộn" chỉ có từ tháng 7.2004 nhằm phát triển hơn nữa các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến bên cạnh các kỹ thuật cổ điển mà nơi đây đã áp dụng chữa trị vô sinh thành công cho nhiều cặp vợ chồng.
Điểm đặc biệt ở nơi điều trị hiếm muộn vô sinh này là bác sĩ Ngọc Sương cùng các đồng nghiệp của mình tại khoa từ lâu rất chú tâm khâu tư vấn, giải đáp thắc mắc cho những cặp vợ chồng đến điều trị vô sinh. Họ xem bệnh nhân như khách hàng, để người bệnh được trao đổi thật thoải mái, bác sĩ giải thích mọi thắc mắc trong việc chữa trị vô sinh để các cặp vợ chồng hiểu rõ. Bác sĩ Ngọc Sương không "phóng tay" trong điều trị vô sinh mà rất cân nhắc, nỗ lực bằng những phương pháp cổ điển nhưng có hiệu quả, rẻ tiền để người bệnh đỡ tốn kém. Chỉ khi nào "hết đường" mới áp dụng phương pháp hiện đại như thụ tinh trong ống nghiệm. Với những phương pháp cổ điển, bác sĩ Ngọc Sương đã giúp giảm chi phí rất nhiều cho người bệnh, thường chỉ bằng 1/5 - 1/8 so với thụ tinh bằng kỹ thuật hiện đại (chỉ 5 - 7 triệu đồng/trường hợp thay vì vài chục triệu). Bác sĩ Sương cho biết chị thường áp dụng các phương pháp như: điều trị nội khoa để kích thích phóng noãn trên những phụ nữ bị rối loạn phóng noãn, đa nang buồng trứng... hay phẫu thuật nội soi để tái tạo lại ống dẫn trứng bị viêm tắc; phương pháp lọc rửa tinh trùng để bơm vào buồng tử cung... Chỉ khi nào những phương pháp cổ điển không thành công mới áp dụng kỹ thuật cao, chứ không áp dụng kỹ thuật cao ngay từ đầu...
Bác sĩ Ngọc Sương đã khóc khi thành công ở một trường hợp khó |
Trường hợp thứ hai là vợ chồng chị Lâm Thị Thu Tr. (33 tuổi) và anh Ng.A.D (35 tuổi), ở TP.HCM. Tr. đến khoa Hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương với ý nghĩ còn 1% hy vọng bởi chị đã thất bại với hai lần điều trị vô sinh trước đó mà hai vợ chồng thì quá ước ao có được đứa con! Cặp vợ chồng này eo hẹp về kinh tế nên trong quá trình bơm thuốc để chữa trị, rất nhiều lần Tr. không có tiền, các bác sĩ của khoa Hiếm muộn đã cho Tr. mượn tiền (trả cho đơn vị cung cấp thuốc) để có thuốc tiêm đúng ngày, đúng chu kỳ. Kết quả, hiện nay hai bé Nguyễn Phúc Thúy An và Nguyễn Phúc Thùy An, con của Tr. đã hơn 1 tuổi, rất bụ bẫm. Hôm chúng tôi gặp ba mẹ con Tr. tại Bệnh viện Hùng Vương, Tr. cho biết, hạnh phúc đến với chị không sao diễn tả khi có được hai đứa con trong niềm hy vọng rất mong manh. Còn một bà mẹ khác diễn tả tâm trạng của mình bằng nét chữ viết tay gửi đến bệnh viện rằng: "Tôi là một người mẹ đang ngập tràn hạnh phúc bên đứa con mới chào đời từ sự điều trị và chăm sóc tận tình của bác sĩ Ngọc Sương... Nhìn con mình lớn lên từng ngày, được chăm sóc con từ giấc ngủ, bữa ăn, tự tay mình mua sắm cho con từ cái khăn, đôi giày, nghe những tiếng bập bẹ... tôi thấy mình hạnh phúc vô bờ, nhiều lúc tưởng chừng như trong mơ. Những niềm vui như thế đối với những người khác rất đỗi bình thường nhưng với vợ chồng tôi nó quý giá vô ngần...".
Bác sĩ Ngọc Sương tâm sự: "Niềm vui của chúng tôi là những lần thành công trong điều trị vô sinh, đem hạnh phúc đến cho mọi người, cho các cặp vợ chồng ao ước có được một mụn con...".
Khánh Vy
Bình luận (0)