Một điển hình về vi phạm Luật Đất đai

12/01/2006 21:57 GMT+7

Dự án khu nhà ở Đại học quốc gia (ĐHQG) TP.HCM được UBND TP.HCM phê duyệt có diện tích trên 80 ha thuộc địa bàn phường Phú Hữu, Q.9, TP.HCM. Suốt từ khi triển khai đến nay, những đơn vị phối hợp thực hiện dự án này liên tục sai phạm, gây ra nhiều nỗi bức xúc cho người dân bị giải tỏa. Đặc biệt, trong thời điểm Tết Nguyên đán gần đến, việc cưỡng chế giải tỏa của chính quyền Q.9 và chủ đầu tư càng làm tăng thêm nỗi bất bình...

Chưa xong thỏa thuận đền bù, nhà dân đã thành bình địa!

Tháng 1/2004, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua ký quyết định và tạm giao đất cho Công đoàn ĐHQG để đầu tư xây dựng khu nhà ở trên diện tích 808.300m2 ở P.Phú Hữu. Ngày 3.3.2004, đại diện bên A là ông Vũ Đình Chỉnh - Chủ tịch Công đoàn ĐHQG ký một bản hợp đồng với ông Nguyễn Văn Út - Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) Q.9 là đại diện bên B để bên B "thực hiện công tác kiểm kê, áp giá, bồi thường, giải phóng mặt bằng". Hợp đồng này ghi số tiền mà bên A phải trả cho bên B sau khi giải tỏa xong dự án là 635.400.000 đồng. Sau đó nửa tháng, ngày 18.3.2004, UBND Q.9 mới ký quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư, giải phóng mặt bằng (HĐBT) dự án khu nhà ở ĐHQG. Thế nhưng, trước khi UBND TP.HCM tạm giao đất và HĐBT được thành lập, chủ đầu tư đã liên tục thương lượng đền bù với người dân có đất trong phạm vi dự án. Và có lẽ do đã "lỡ" ký bản hợp đồng sai phạm nói trên nên liên tục trong suốt gần 2 năm qua, Ban BTGPMB đã "thúc ép" người dân phải di dời, giải tỏa. Ngày 27.12.2005, hơn chục chiếc máy xúc, máy ủi và nhiều phương tiện cơ giới khác đã ủi sập nhà của 3 hộ dân và san lấp vườn của các hộ Trương Cao Minh, Nguyễn Ngọc Thúy Lan, Đỗ Kiều Mộng Thu... Đây là một số trong 27 hộ dân đã gửi đơn khiếu nại suốt trong 2 năm qua nhưng không hề có một quyết định giải quyết khiếu nại của cấp có thẩm quyền. Ngày 3.1.2006, khi chúng tôi đến hiện trường thì tất cả nhà, vườn của 27 hộ dân đang trong giai đoạn khiếu nại ở đây đã thành bình địa. Điều này hoàn toàn sai với nội dung giấy phép san lấp do ông Lê Thành Đại (lúc đó là Chủ tịch UBND Q.9) ký ngày 20.2.2004. Giấy phép này ghi rõ: "Không được san lấp phần đất chưa thực hiện xong việc thỏa thuận đền bù với chủ sử dụng".

Chưa có quyết định giao đất đã kinh doanh

Như đã nói ở trên, sau khi tạm giao đất vào đầu năm 2004, ngày 12.7.2005, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua lại ký một quyết định giao đất chính thức cho Công đoàn ĐHQG. Thế nhưng, trong 2 năm qua, dù lúc đó chưa có quyết định giao đất chính thức, chưa đền bù giải tỏa xong, đất tại dự án ĐHQG đã được rao bán công khai trên báo chí cũng như tại các công ty môi giới địa ốc với giá từ 2 - 2,2 triệu đồng/m2. Qua nhiều ngày điều tra, PV Thanh Niên đã thu thập được nhiều hồ sơ của một số trường hợp đăng ký mua đất tại dự án ĐHQG và đem đi kinh doanh. Chẳng hạn như các trường hợp của các bà P.T.T.V, N.T.A.T, L.T.L hoặc các ông P.H.B, H.M.T... đều đăng ký mua đất tại dự án ĐHQG và đem ra bán lại. Việc mua bán này sẽ bình thường nếu như dự án đã đền bù xong, đã có quyết định giao đất chính thức của cấp có thẩm quyền... Đằng này, chủ đầu tư là ĐHQG đã không tuân thủ các quy định hiện hành do UBND TP ban hành, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai. Chưa kể chủ đầu tư cũng không hề có kế hoạch tái định cư cho các hộ dân trong phạm vi dự án...

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ: Không thể chấp nhận được!

Ngày 2/1/2006, sau khi nghe PV Thanh Niên mô tả về quá trình thực hiện dự án khu nhà ở ĐHQG, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng nếu lợi dụng mục tiêu ưu đãi của dự án để kinh doanh là hoàn toàn sai, việc Ban BTGTMB ký hợp đồng nhận tiền của chủ đầu tư để cưỡng chế giải tỏa dân là không thể chấp nhận được. Ngoài ra, Thứ trưởng Đặng Hùng Võ cũng nói rằng "Theo Luật Đất đai 2003 và các nghị định hướng dẫn luật hiện hành, dù là dự án loại nào cũng nhất thiết phải thu xếp chỗ tái định cư cho người dân trước khi giải tỏa, nếu không thực hiện việc này là vi phạm luật".

Cũng qua điều tra, chúng tôi được biết ĐHQG đã giao cho ông T.C.C - một giám đốc công ty kinh doanh địa ốc làm chủ nhiệm điều hành  dự án. Và dù trên danh nghĩa là dự án của ĐHQG, nhưng toàn bộ việc thỏa thuận đền bù, kinh doanh đất tại dự án đều do ông C. điều hành. Cũng chính bởi cách làm này mà việc xảy ra tai tiếng tại dự án này trong thời gian qua đều gắn liền với ĐHQG còn ông C. thì cứ ung dung ép dân trong việc đền bù, mặc sức thao túng trong kinh doanh đất tại dự án.

Quá nhiều sai phạm

Trước những sai phạm xảy ra tại dự án ĐHQG, ngày 30.12.2005, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đã có văn bản gửi Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua, trong đó nêu rõ các sai phạm khi thực hiện dự án này như: khi triển khai dự án không mời các hộ dân lên để thông báo; chủ đầu tư không có thiện chí thương lượng về giá cả đền bù, biểu hiện qua việc lần thứ nhất đưa ra giá 60 lượng vàng/1.000m2, lần thứ hai lại giảm xuống 400 triệu đồng/1.000m2; có hộ thì đưa ra giá lần đầu là 500 ngàn đồng/m2 nhưng lần sau lại đưa ra giá 400 ngàn đồng/m2; rao bán đất dự án khi chưa đền bù xong; mục tiêu dự án không chính đáng bởi đã hy sinh quyền lợi của nhiều hộ là cán bộ hưu trí, bà mẹ Việt Nam anh hùng, giáo chức, nhà khoa học, người dân đã bị giải tỏa ở nội thành ra Q.9 mua đất lập vườn... UB MTTQ TP.HCM cũng đề nghị UBND TP "cần sớm xem xét giải quyết theo thẩm quyền để trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân". Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Hiếu Đằng - Phó chủ tịch UB MTTQ TP.HCM cho biết thêm: Điều vi phạm nghiêm trọng nhất khi thực hiện dự án là trong lúc chưa có quyết định giải quyết khiếu nại của người dân mà chính quyền đã cưỡng chế giải tỏa.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.