Dọn nhà, sắp bếp đón Tết

13/01/2006 16:14 GMT+7

Để có một ngôi nhà tươm tất đón Tết, bạn có rất nhiều việc cần quan tâm như làm mới rèm cửa, đánh bóng vật dụng trong nhà, chuẩn bị thực phẩm... Kinh nghiệm của những người đi trước trong chuyện nhà cửa, bếp núc sẽ rất có ích cho bạn.

Trên nhà

Ai cũng muốn phòng khách nhà mình sẽ tuyệt vời như mới trong những ngày đầu năm. Không quá tốn kém tiền bạc hay phải bỏ nhiều công sức, bạn vẫn có thể thực hiện được mong ước ấy chỉ bằng vài mẹo vặt đơn giản dưới đây:

Làm mới màn cửa

Kéo màn cửa lại, duỗi thẳng nếp gấp rồi dùng máy hút bụi rà từ trên xuống dưới. Chú ý khi tháo màn cửa xuống bạn nhớ đánh dấu để dễ treo trở lại. Tháo ra và cất kỹ những móc màn. Trải thẳng dải băng đầu màn để lau chùi kỹ lưỡng. Tốt nhất, bạn nên thường xuyên hút bụi màn cửa và hộc màn.

Thanh treo màn cửa: Để dễ kéo màn cửa, bạn nên phủi bụi thường xuyên bằng vải mềm tẩm chút xà bông nước. Sau đó, lau lại bằng nước sạch rồi phơi khô. Bôi thêm chút silicone vào các thanh treo để tạo độ trơn.

Đồ đạc bằng gỗ

Bạn có thể tự pha chế nước lau chùi đồ gỗ như sau: 2 phần dấm công nghiệp + 2 phần nhựa thông + 2 phần sáp công nghiệp (sáp paraffin) + 1 phần cồn Metyl. Dùng miếng vải mềm nhúng vào dung dịch này, chà lên đồ gỗ và chùi bóng ngay sau đó.

Một số chất đánh bóng có công dụng làm sạch và bóng, rất hợp với loại đồ gỗ có đánh vecni. Đối với đồ gỗ xưa cũ và có giá trị, bạn nên dùng vải nhúng nước ấm pha ít thuốc tẩy rửa để làm sạch những vết bẩn trước khi chùi bóng bằng loại sáp đặc dụng.

Loại đồ đạc có đánh vecni: Dùng vải ấm lau chùi vết mỡ, vết dơ trên những đồ đạc này, sau đó lau khô ngay.

Loại bằng gỗ dầu: Dùng vải thấm nhựa thông để lau.

Loại đồ gỗ có bề mặt sơn: Lau bằng vải mềm nhúng nước ấm pha xà bông. Sau đó lau bằng nước sạch rồi phơi khô.

Loại đồ gỗ trát mát-tít và đánh vecni: Dùng vải thấm nước ấm pha xà bông chà lên phần gỗ dơ nhất. Nên lau chùi theo thớ gỗ. Sau đó rửa với nước rồi lau khô bằng vải sạch

thấm nước.

Nệm ghế bọc simili

Để phủi sạch lông chó, mèo trên nệm ghế, bạn nên quấn nơi bàn tay một vòng băng keo, mặt dính quay ra ngoài rồi phủi trên mặt nệm.

Nệm ghế bọc vải

Trươc tiên hút bụi rồi sau đó mới lau. Khi dùng chất tẩy rửa đặc dụng cho loại đồ đạc này, bạn nhớ làm theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất. Nên lau thử ở góc khuất của mặt nệm để xem có bị phai màu không. Để lau vỏ bọc nệm, bạn tháo ra và giặt theo lời chỉ dẫn, nên giặt bằng nước nóng, phơi khô.

Dưới bếp

Mâm cỗ Tết sẽ hấp dẫn hơn nếu bạn biết cách chọn và giữ mùi gia vị khi chế biến bởi gia vị là một phần không thể thiếu của món ăn ngon.

Trang trí theo kiểu đĩa

Đĩa hình chữ nhật hoặc vuông: Trang trí món ăn theo các đường viền xung quanh hoặc theo lòng đĩa, thay vì theo hình vòng cung hoặc tròn vì sẽ làm đĩa thức ăn thiếu đầy đặn.

Đĩa tròn: Tập trung trang trí tại một góc đĩa nhằm tạo sự nổi bật cho món ăn hoặc xung quanh đĩa để tạo cảm giác đĩa có vẻ sâu hơn.

Đĩa hình chiếc lá: Tập trung trang trí ngay vị trí cuống lá.

Đĩa hình bầu dục: Trang trí dọc theo thân đĩa, lòng đĩa để tạo sự nổi bật. Có thể chọn cách trang trí một bên đĩa, nhất là với các món rau.

Giữ mùi gia vị

Muối: Có thể nêm vào trước hoặc sau khi nấu, tùy từng món ăn. Nếu hầm xương hoặc cần lấy nước dùng, nêm muối ngay khi nước đang sôi để giữ nguyên vị ngọt của thực phẩm. Với món xào, cần nêm ngay lúc dầu mỡ vừa sôi, giúp loại trừ độc tố aflatoxin có trong muối. Để giữ nguyên vị ngọt của thịt, hãy nêm muối trước khi chế biến.

Nước mắm: Việc tẩm ướp thực phẩm với nước mắm hoặc nêm trong khi chế biến sẽ làm tiêu hao chất bổ dưỡng có trong nước mắm. Do vậy, hãy nêm khi thức ăn đã chín, sau đó nhắc ngay khỏi bếp.

Bơ: Để giữ nguyên dưỡng chất và mùi vị đặc trưng, cần nấu chín thức ăn trước khi cho bơ

vào, sau đó múc thức ăn ra đĩa ngay.

Bột ngọt: Nhằm tránh những chất có lợi không bị tiêu hao và loại trừ các độc tố, hãy đợi thức ăn chín hẳn rồi mới cho bột ngọt vào.

Tiêu: Tránh nêm tiêu vào thực phẩm trước khi chế biến vì dễ gây bệnh ung thư. Sau khi chế biến xong, rải lên mặt món ăn một chút tiêu là tốt nhất.

Rượu: Để giữ mùi của rượu, cần cho một nửa lượng rượu cần thiết vào khi chế biến món ăn, nửa còn lại có thể dùng chung với món ăn sau khi đã nấu chín.

Với các món như kho, hầm, canh, súp: Dùng hạt nêm từ thịt sẽ giúp tăng đạm và vị ngọt cho món ăn, có thể cho thêm hành tây tươi để tạo mùi thơm.

Với món nướng như thịt, cá, gia cầm, hải sản: Cần kết hợp với các loại bột gia vị khô như bột tỏi, bột hành, bột ngò, bột ngũ vị hương, quế, hồi, xả, gừng... nhằm tăng mùi vị đặc trưng của món ăn.

Với các món hấp như cá, hải sản, rau quả: Kết hợp với dầu hào, nước tương, dầu mè trắng, rượu quế, đường... vào để tạo mùi hương cho món ăn, có thể thêm gừng tươi, ớt, rau mùi hoặc hành tươi vào.

Bảo quản thực phẩm

Để giữ thực phẩm được lâu nhất có thể, bạn nên chia các loại thực phẩm ra thành nhóm để cất giữ:

- Nhóm khô: Lạp xưởng, tôm khô, cá khô, bò kho và tất cả các loại đồ khô khác như bún tàu, mì gói... Loại nào cần dùng ngay thì để ra ngoài, tận dụng những loại thực phẩm này để pha chế món ăn (như lạp xưởng có thể chiên cơm, nướng

ăn kèm bánh mì, làm bò bía... Tuy nhiên, bạn cũng không nên để lạp xưởng lâu quá 1 tháng). Tôm khô, khô bò thì cất vào hộp để trong tủ lạnh ăn dần.

- Nhóm tươi: Các loại rau củ, trái cây thì nên dùng ngay, không để lâu. Các loại rau nên làm sạch, vẩy ráo nước, gói trong giấy sạch, để vào ngăn rau. Trái cây có thể làm sinh tố để uống hay làm cocktail và cũng để mọi người trong gia đình hay khách khứa thưởng thức chút hương vị đặc biệt trong ngày Tết.

- Nhóm đã pha chế rồi: Chả lụa, nem chua, thịt nguội... cũng phải tận dụng ngay bằng cách dùng để ăn sáng, nấu mì gói; có khách thì phải đem ra mời, không nên để dành.

- Nhóm đồ hộp: Xem kỹ hạn sử dụng và nên dùng ngay sản phẩm nào còn ngắn hạn trước. Tốt hơn hết bạn không nên mua nhiều quá, chỉ nên mua trong giới hạn vài ba ngày Tết. Thực phẩm dù ngon và đắt tiền đến đâu mà để lâu quá cũng sẽ không còn ngon và bổ nữa.

Theo chuyên gia ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân/TTT

Theo Võ Quốc - Quê hương/TTT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.