Tế bào mầm: Phao cứu sinh của người mắc bệnh nan y?

19/01/2006 22:13 GMT+7

Cấy tế bào mầm vào cơ thể người cũng giống như đổ xăng tốt cho xe hơi", bác sĩ A.Tepliashin, giám đốc một bệnh viện thẩm mỹ tại Moscow (Nga), diễn giải. Phụ họa cho lời quảng cáo này là sự nhộn nhịp của bệnh viện do ông làm chủ.

"Cải lão hoàn đồng"

Cuộc giải phẫu thẩm mỹ ứng dụng tế bào mầm tại bệnh viện của ông Tepliashin bắt đầu bằng việc các bác sĩ lấy một hộp kim loại từ trong tủ lạnh. Tế bào mầm được bảo quản trong hộp là "con đẻ" của một miếng mỡ cắt từ dạ dày bệnh nhân. Trong phòng phẫu thuật, một phụ nữ luống tuổi nằm trên bàn mổ, có vẻ hơi hồi hộp nhưng mắt vẫn ánh lên niềm tin. "Bạn bè tôi từng đến đây và đã có được kết quả tốt. Đó là lý do khiến tôi chọn bệnh viện này", bà giải thích. Phải chi hơn 10.000 USD để được cấy tế bào mầm vào da mặt nhưng bà chẳng thấy tiếc chút nào vì tin rằng số tiền đó sẽ giúp mình gọi tuổi thanh xuân trở về.

Bệnh viện của Tepliashin là một trong vài trung tâm thẩm mỹ tại Moscow ứng dụng liệu pháp tế bào mầm để "cải lão hoàn đồng". "Khi tế bào mầm đi vào cơ thể, con người ta sẽ "đơm bông", nước da sẽ trẻ lại, họ sẽ sung sức hơn, tóc và móng cũng được cải thiện. Đó là điều tự nhiên vì tế bào mầm giúp "tái thiết" những cơ quan có vấn đề", bác sĩ Tepliashin giải thích. Ông còn kể rằng chính mình từng tự làm "vật thí nghiệm" trước khi thực hiện trên cơ thể khách hàng. Tepliashin chỉ vào làn da khỏe mạnh của ông rồi khoe: "Tôi chẳng hề bị bệnh tật gì, sức đề kháng vẫn tốt nên tôi tin phương pháp này an toàn. Tôi cho rằng Nga có thể đi tiên phong trong việc ứng dụng tế bào mầm".

Những "phép nhiệm mầu" khác

Cách đây vài năm, người phụ nữ Mỹ H.Czarnecki gặp tai nạn và sau đó bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Bà đã lặn lội tới Nga và chi 40.000 USD để được điều trị bằng liệu pháp tế bào mầm. "Tôi không muốn ngồi xe lăn suốt đời", Czarnecki giải thích. Rất nhiều người có cảnh ngộ tương tự cũng đã tìm đến đây. Đối với các trường hợp như Czarnecki, một chuyên gia cho biết: "Tế bào mầm sẽ được cấy vào hệ thần kinh trung ương. Chúng tôi nghĩ rằng người bệnh sẽ có cơ hội cử động trở lại. Nếu đạt được điều này, bệnh nhân sẽ dần hồi phục và thậm chí có thể đi được".

Vì "tế bào mầm giúp "tái thiết" những cơ quan có vấn đề" (lời bác sĩ Tepliashin) nên người ta hy vọng liệu pháp này sẽ giúp chữa trị thành công nhiều bệnh hiểm nghèo. Còn nhớ, hồi chưa bị phanh phui về việc ngụy tạo công trình tế bào mầm, giáo sư Hwang Woo-suk của Hàn Quốc đã nhận được hàng ngàn "đơn đặt hàng" của người mắc bệnh nan y. Việc ông Hwang bị lật tẩy đã khiến nhiều người thất vọng, nhưng niềm tin mà người ta dành cho liệu pháp tế bào mầm vẫn không hề tổn thương.

Nguy cơ

Liệu pháp tế bào mầm hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho y học. Tuy nhiên, giới khoa học quốc tế hiện vẫn rất thận trọng trong việc ứng dụng công nghệ này trên cơ thể người. Tiến sĩ R.Khabriev, Chủ tịch Ủy ban Y tế và Phát triển xã hội liên bang Nga, cảnh báo: "Không chỉ riêng tôi mà nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng đang hết sức lo ngại. Không ai biết hậu quả của liệu pháp này là gì. Việc cấy tế bào mầm vào cơ thể giúp tạo ra bất cứ loại tế bào nào mà người ta muốn, nhưng nguy cơ gây ra ung thư cũng rất lớn". Xuất phát từ mối lo ngại đó, Chính phủ Nga gần đây đã buộc đóng cửa một loạt bệnh viện thẩm mỹ ứng dụng liệu pháp tế bào mầm. Tuy nhiên, những người bị bệnh nan y lại có lý lẽ khác. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền và đối mặt với bất cứ rủi ro nào để "mua" một niềm hy vọng được sống khỏe mạnh. (BBC)

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.