Đầu tháng 4/2005, dư luận cả nước xôn xao về việc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bị tòa án Italia kết án bồi thường cho luật sư Liberati gần 5 triệu euro. Theo ông Lê Đức Tứ (nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam), cái gốc của vụ kiện này xuất phát từ năm 1991.
Năm 1991, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (cũ) thực hiện ký hợp đồng đại lý với Công ty Falcomar. Sau đó tổng công ty này giải thể và Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA) được thành lập năm 1993. Năm 1995 Chính phủ có quyết định thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam trên cơ sở liên kết 20 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hàng không do VNA làm nòng cốt. Do hợp đồng liên doanh giữa hai hãng hàng không Việt Nam và Italia không được ký kết (dừng ở mức thỏa thuận, ký tắt) nên sau này Vietnam Airlines không lưu lại hồ sơ, còn hợp đồng đại lý với Falcomar được thanh lý năm 1995.
Công ty Falcomar thuê luật sư Liberati làm việc. Đến năm 1994, luật sư kiện giám đốc của Falcomar không trả công cho anh ta, dưới góc độ công ty này là bị đơn thứ nhất, còn VNA là bị đơn thứ hai, vì họ cho rằng công ty Falcomar có làm ăn với VNA và VNA được hưởng quyền lợi từ những hoạt động của nguyên đơn. Năm 1998 công ty Falcomar tuyên bố phá sản, không còn khả năng thanh toán tiền công cho luật sư Liberati nên phía VNA là bị đơn thứ hai phải có trách nhiệm. Trong phiên xử sơ thẩm giai đoạn đó, Công ty Falcomar mới là bị đơn và luật sư Liberati cũng chỉ kiện đòi tiền công của Công ty Falcomar chứ không hề có dính dáng gì đến phía VNA nên khi đó tòa án Roma mời VNA tham dự là do VNA có hợp đồng làm ăn với Falcomar chứ không phải với tư cách là bị đơn. Do Vietnam Airlines không tham dự và không kiện nên tòa xử vắng mặt, chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc Vietnam Airlines phải trả cho ông Liberati tổng số tiền là 4.370.584 euro. Cho đến lúc này Vietnam Airlines mới cuống lên đi tìm thuê văn phòng luật sư Freshfieds tại Roma tư vấn về khả năng kháng án. Ngày 19/2/2003, Vietnam Airlines đã nhận được thư trả lời của Văn phòng luật sư Freshfieds khẳng định rằng với những tài liệu mà Văn phòng này có trong tay thì Vietnam Airlines không còn khả năng chống án với lý do không nhận được thông báo triệu tập của tòa.
Theo luật pháp của Italia, luật sư Liberati có quyền yêu cầu tòa án bắt giữ các máy bay của Vietnam Airlines tại Italia và các nước thuộc EU. Một quan chức của Bộ Giao thông vận tải cho biết, vụ việc trên chỉ bị vỡ lở khi một đồng chí lãnh đạo cao cấp của nước ta chuẩn bị sang thăm Italia. Lúc này Vietnam Airlines mới báo cáo Chính phủ về vụ kiện trên.
Ngày 31/3/2005 Toà phúc thẩm Italia đã phán quyết chấp nhận để Vietnam Airlines tiếp tục biện hộ, cung cấp các tài liệu liên quan đến vụ kiện của luật sư Liberati. Tuy nhiên, việc có chấp nhận đơn kháng án của Vietnam Airlines hay không sẽ được tòa án Roma quyết định tại phiên họp phúc thẩm, sẽ diễn ra vào tháng ngày 27/1/2006.
Cuối giờ chiều ngày 25/1, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Xuân Hiển, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết: “Tôi khẳng định là vụ việc đang diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp”. Ông Hiển và các cộng sự đều cho hay: “Chúng tôi không được phép phát biểu về thời gian phiên tòa có diễn ra như đã thông báo trước đây hay không”. Tuy nhiên theo thông tin của chúng tôi có được, nhiều khả năng phiên tòa ngày 27/1 sẽ bị lùi lại sau một thời gian nữa.
Xuân Toàn
Bình luận (0)