Không khí ở làng bánh tráng An Thạnh trong những ngày giáp tết nhộn nhịp hẳn lên, từ đầu trên xóm dưới đều bắt gặp những người thợ với những chiếc sịa (mê phơi bánh tráng) dựng dọc hai bên đường trông thật lạ mắt. Không biết nghề tráng bánh ở làng này có từ khi nào, ngay cả những người có tuổi ở trong làng cũng không nhớ rõ, chỉ biết rằng từ vài chục năm trở lại đây nghề tráng bánh vẫn trường tồn, truyền lại cho nhiều thế hệ trong làng.
Đứng bên lò tráng bánh được đốt bằng trấu, chị Nguyễn Thị Minh Thu, 50 tuổi (đời thứ tư trong gia đình có nghề làm bánh truyền thống) nói: “Để có được cái bánh ngon thì người thợ phải có tay nghề cao và một vài bí quyết gia truyền. Gạo là một vật liệu hết sức quan trọng trong việc sản xuất ra chiếc bánh, do vậy phải chọn cho được loại gạo dẻo. Sau khi ngâm gạo, đưa vào máy xay thành bột, pha thêm một ít bột mì, trộn đều cho lên khuôn để tráng thành bánh. Mè rải đều trên trên mặt bánh phải chọn loại I, hạt còn nguyên thì sản phẩm làm ra đẹp, có vị thơm đặc biệt".
Chị Huỳnh Thị như đang phơi bánh tráng |
Trong dịp tết này tại lò của chị Thu mỗi ngày tráng được 1.500 bánh, giá bán sỉ 300.000 đồng/thiên, sau khi trừ chi phí lãi được gần 100.000 đồng. Bánh tráng An Thạnh khá nổi tiếng ở khu vực Duyên hải miền Trung, nên trong những ngày giáp tết muốn mua được chục bánh phải đợi đến vài ngày mới có.
Đối diện nhà chị Thu là lò bánh của chị Huỳnh Thị Như, 54 tuổi, đã có 30 năm chuyên sống bằng nghề tráng bánh, chị khoe: “Vợ chồng tôi sống bằng nghề này cũng đã được 28 cái tết rồi. Vất vả, nhưng vẫn nuôi được 5 người con ăn học, có đứa ra trường đi làm, đứa đang học đại học… Năm nay các lò bánh phải cật lực làm ngày lẫn đêm may ra mới đủ cho khách hàng. Ở làng bánh này có rất nhiều gia đình thu nhập chính bằng nghề tráng bánh để nuôi con ăn học thành tài”.
Theo lời chị Như, bánh tráng ở đây có hương vị rất đặc biệt, nếu ra tận Hà Nội hay vào TP.HCM bắt gặp thì nhận ra ngay. Những người thợ ở đây có tay nghề rất cao, bánh được tráng rất đều, dẻo, mè được rải trên mặt bánh trong rất đẹp mắt. Làng bánh tráng An Thạnh sản xuất ra nhiều loại bánh với các cách làm khác nhau. Nếu là bánh dùng để nướng, ăn kèm với gỏi thì phải tráng thật đều, nhiều mè và rất dày. Loại bánh mỏng, dẻo thì để cuốn với rau sống, thịt heo chấm với loại nước nắm ngon… dùng trong những ngày tết thật thú vị.
Với những nét đặc trưng riêng, không chỉ người dân địa phương ưa thích, mà khắp nơi trên cả nước biết đến bánh tráng An Thạnh như một loại đặc sản riêng của Ninh Thuận.
Thiện Nhân
Bình luận (0)