Chăm hoa như chăm... con mọn
Chúng tôi đến làng Cửa Suối, xã Cẩm Hà, thị xã Hội An (Quảng Nam) vào những ngày trời miền Trung đang rét căm căm. Thế nhưng, ở đây, cái giá lạnh của mùa đông "ẩn nấp" đâu đó, nhường chỗ cho không khí ngập tràn sắc xuân với đủ loại hoa, quả ngày Tết. Những chậu quất lúc lỉu quả, những cành mai đã khoe nụ xuân vàng óng ả, các loại hoa kiểng cũng đã đâm chồi nẩy lộc...
Ông Mai Kim Xinh - một người có thâm niên trong nghề trồng mai của làng - đang sở hữu hơn 500 chậu mai chuẩn bị cho “xuất vườn” phục vụ Tết m lịch năm nay đang tất bật, bận rộn từ sáng tinh mơ đến tối mịt. Đã qua công đoạn tuốt lá, nay ông phải tiếp tục chăm bẳm cho chúng bằng việc bón phân, tưới nước. “Thứ này hễ hở ra một chút là tiêu tùng như chơi. Chăm chúng phải thiệt tâm, coi như con mọn thì may ra kết quả như mong muốn. Cả năm chỉ lo cho “tụi nó”, đêm quên ngủ, ngày quên ăn, có làm được gì đâu, chỉ chuyên tâm chăm sóc. Trở trời một chút là lo sốt vó. Năm nào ra hoa sớm là coi như ...tiêu. Năm tới gia đình tui cơm rau hay cơm thịt đều phụ thuộc vào những cội mai ni đây!” - ông Xinh tâm sự. Để có được kinh nghiệm chăm sóc 500 cội mai như năm nay, ông Xinh cũng đã “trả giá” không ít lần mất trắng vì mai chết, mai ra hoa quá sớm... Như để bù lại sự vất vả của người nông dân này, những cội mai đang từ từ hé những nụ hàm tiếu, mơn mởn sắc xuân.
Không may mắn như ông Xinh, mấy chục hộ trồng quất trong làng đang gặp khó khăn vì hàng ngàn chậu quất đang cho trái mượt mà óng ả, đột nhiên ủ ê, rũ rượi, ngày càng queo quắt. Những cây quất này, để trồng được đến ngày hôm nay, những người nông dân trồng cây phải mất đến 2 năm trời. Từ việc chiết cây, nuôi dưỡng cho cây con hình thành đã mất hết quãng thời gian 1 năm, sau đó, mới bắt đầu bắt tay vào trồng cây con, rồi dần trưởng thành đến lúc ra quả. Vậy mà đến công đoạn cuối cùng, những người nông dân một nắng hai sương này phải khóc cùng cây quất vì hàng loạt cây đang chết dần, trong khi thời điểm xuất vườn chỉ còn không đầy 1 tháng.
Nguyên nhân không chỉ do thời tiết năm nay quá khắc nghiệt, không chỉ do kinh nghiệm của người trồng quất mà còn nằm ở chất lượng phân bón. Không có nhiều tiền, những hộ trồng quất chỉ mua phân bón ở mức cầm chừng, khi nào có tiền mới mua để tích trữ. Nhưng chất lượng phân tuy cùng chủng loại, nhưng chất lượng mỗi lần đều không giống nhau, thế nên chỉ những hộ có tiền mua phân 1 lần thì vẫn giữ được vườn quất xanh tươi, còn lại đều bị tình trạng lá úa vàng, héo rũ. “Rứa coi như năm nay nghỉ ăn Tết, chứ tiền đâu mà chuẩn bị Tết. Tui còn hứa mùa quất năm ni cố gắng mua cho thằng con đang học đại học cái xe máy, rứa mà chừ thành hứa suông rồi đó! Nghề trồng cây Tết là rứa đó, đến gần cuối mới biết mình sống hay chết!”, ông Lê Tư - một trong những hộ có tình trạng quất chết vàng ở làng trồng quất xã Cẩm Hà thở dài, gương mặt xạm đen của ông buồn thảm.
Chia sẻ với những hộ trồng quất gặp trắc trở, chúng tôi mong tìm được niềm vui ở những vườn quất đang mơn mơn, tươi xanh. Thế nhưng, không hề như những gì chúng tôi nghĩ, những người được mùa lại có một nỗi niềm khác...
Những chậu quất chuẩn bị “xuất vườn”. Ảnh H.Trà |
Thị trường muôn vàn trắc trở
“Trồng cây được mùa chẳng ai mà không... sướng! Nhưng không phải như vậy là có tiền chắc ăn đón tết đâu, trúc trắc trục trặc lắm mấy cô ơi!”, chị Trần Thị Tám than thở. Chị kể, những năm trước, tiếc công sức trồng trọt khó khăn, gia đình chị quyết thuê xe đem cả 500 chậu quất ra thị trường Đà Nẵng để tiêu thụ. Nhưng, ra đến Đà Nẵng, gia đình chị Tám bị sốc khi vừa xuống xe, đã bị ép phải sử dụng những người bốc vác ở đây để chuyển cây xuống, với mức giá gấp 5-7 lần lúc gia đình chị thuê người bốc vác lên. Thôi thì đất người ta, vợ chồng chị cũng cố nhịn chịu thua thiệt. Nhưng đến khi bày bán, mặc dù khu vực của chị đã được cho thuê với mức giá 600.000đ trong phạm vi 50m2, nhưng chưa bán được chậu quất nào đã gặp phải lực lượng xung kích, công an giao thông đòi dẹp, dù chỗ của gia đình chị được công ty mà thành phố giao quản lý chợ hoa phân lô, cho thuê có giấy tờ hẳn hoi.
Chưa hết khổ vì chăm hoa, lại phải thức trắng để bán, để canh hoa gần nửa tháng trời, ăn uống xa nhà lại thất thường cả gia đình chị đến Tết đều vật vờ, không còn sức khỏe để đi chơi Tết. Nhưng sự mệt mỏi về thể xác đó không hề sánh bằng sự mệt mỏi về tinh thần, khi mà những cây quất gia đình chị chăm bẳm như con cưng, vậy mà lúc nào cũng bị khách chê ỏng, chê eo, để có được cái giá cực rẻ. Lúc đầu, do lần đầu tiên đích thân mang hàng đi bán, chị không biết được ý người mua, sau mới hiểu được, trừ một số người thực tâm mua những chậu quất thật đẹp để chưng trong nhà những ngày đầu năm mới, thì đa số người mua đều chờ đợi đến đêm 30 Tết, để mua những chậu quất với giá bèo. Cũng chính vì vậy mà chị cùng những người bán hoa, quất ngày Tết gần đến giao thừa, gạt nước mắt đập nát hàng ngàn chậu quất, hoa bán không hết để người mua sang năm không có ý định bắt chẹt giá cả người bán.
Cụ Xinh đang chăm sóc vườn mai của mình. Ảnh An Dy |
Giao thừa năm trước, chiều 29 Tết tôi đã có dịp chứng kiến cảnh một gia đình từ Bình Định mang mai ra Đà Nẵng bán, đã kiên quyết đập vỡ chậu hơn 500 cội mai, chặt cành chỉ còn trơ gốc, bó lại từng bó bỏ lên xe đò để chở về quê. Nước mắt cả gia đình bán mai này chan hòa cùng những cội hoa tan tác. Những người xung quanh kể lại, cả gia đình đó năm nay đã quyết đầu tư cả vốn liếng mấy trăm triệu cho chuyến mai tết lần này, với hy vọng đổi đời từ những cội mai tươi xanh đã mất mấy năm trời chăm bẳm. Vậy mà suốt 10 ngày, chỉ bán được 2-3 cội, ai đến cũng đòi hạ giá, thậm chí không bằng cái công họ đã nhọc nhằn bỏ ra. Tiền ăn mang theo thì ngày càng cạn dần đến nỗi không thể trụ vững nữa. Không còn cách nào khác, đành phải đập vỡ, mang những gốc mai về nhà chăm lại với hy vọng Tết sang năm mọi chuyện sẽ khác. Phải chở mai về theo đường xe đò dù biết như vậy không hề an toàn cho những cội mai, nhưng cả gia đình thậm chí không còn một đồng dính túi sau những ngày trụ lại bán mai. Kết cục của gia đình bán mai này gặp phải cũng là số phận của không ít người khi đeo đuổi nghề trồng, buôn bán hoa, quất cho ngày Tết...
Cũng chính vì những nguyên nhân này mà cụ Xinh, cũng như hàng trăm hộ dân của vùng trồng quất lớn nhất miền Trung ở xã Cẩm Hà (Hội An, Quảng Nam) quyết định, năm nay sẽ bán hầu hết số quất, hoa đã trồng cho những người chuyên buôn bán cây Tết. “Mấy cội mai ni tui đem ra thị trường bán giá chỉ 700-800 ngàn đồng một cội, nhưng nếu qua tay tư thương, thế nào cũng bị đội giá lên 1-1,5 triệu đồng, tui được lời mà người tiêu dùng cũng không thiệt. Nhưng thà bây giờ bán lại cho tư thương 500-600 ngàn một cội, còn hơn Tết vất vả, lại phải chịu cảnh những người không biết chơi mai chê hoa của mình, đỡ xót xa”, cụ Xinh cho biết.
Rời làng hoa với tâm trạng trĩu nặng, khác hẳn cảm giác hân hoan ban đầu. Xung quanh chúng tôi, những chồi xanh, lộc biếc vẫn đang khoe sắc như muốn mang đến cho những người nhọc nhằn vì nó niềm vui, trước khi phải đối diện với nỗi buồn ngày Tết...
Diệu Hiền - An Dy
Bình luận (0)