Sắc xuân trên chợ nổi Cái Răng

28/01/2006 16:10 GMT+7

Cùng với chợ Cái Bè (huyện Cái Bè, Tiền Giang), chợ Cái Răng trên sông Cần Thơ là một trong hai chợ trên sông nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Khác hẳn những chợ bình thường khác, chợ nổi được nhóm họp trên thuyền và tàu khoảng 2 giờ (từ 6 giờ đến 8 giờ sáng). Đây là một trong hai chợ lớn giao thương chủ yếu là mua và bán sỉ các loại trái cây và nông thổ sản của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Trong những ngày Tết Bính Tuất này, nhất là từ ngày 23 Tết đến ngày 29 Tết, chợ nổi Cái Răng nhộn nhịp người và thuyền hàng hóa trên sông. Mỗi ngày, chợ đón trên dưới 1.500 lượt tàu thuyền họp chợ, trao đổi buôn bán đủ các loại hoa, cây trái, rau quả… đặc sản miệt vườn. Đứng trên cầu Cái Răng nhìn xuống phía nam sông Cần Thơ, chợ Cái Răng nhóm họp dài hơn nửa cây số, có chỗ phình ra gần hết mặt sông, trông như những mâm hoa trái khổng lồ đủ các sắc màu rực rỡ trong nắng xuân trên sông Cần Thơ. Đáng chú ý, nhiều loại tàu thuyền sức chứa từ 3 tấn đến 12 tấn chở đầy dừa tươi, dưa hấu xanh, bưởi quýt, hoa cúc vàng, hành tây, mận đỏ, bắp cải, củ cải trắng… từ các nơi họp về. Ai bán loại gì thì cắm một cái sào trên mũi thuyền và treo sản phẩm mình muốn bán lên cái sào đó để mời gọi bạn hàng hay còn gọi là "bẹo hàng”. Do vậy, chợ không có tiếng rao hàng như các chợ trên bờ, mà có rao thì tiếng sóng, tiếng máy nổ của tàu cũng làm át đi. Ngồi trên xuồng chèo, xuồng máy để đi chợ nổi trong mấy ngày Tết, chỉ cần trông “cây bẹo hàng” là có thể cập xuồng đúng thuyền hàng cần mua. Trên bờ có hàng gì thì chợ nổi cũng có từng ấy, không thiếu thứ chi.

Anh Huỳnh Văn Tài, cán bộ quản lý chợ nổi Cái Răng nhận xét: năm nay hàng hóa khá phong phú, chợ nổi nhóm họp sung túc lắm, giá cả không tăng mấy so với ngày thường.

Còn anh Dương Văn Nho, người chuyên buôn khóm từ Kiên Giang đến cho biết: Khóm mua tại rẫy 1.400 đồng, bán sỉ tại chợ 1.700 đồng/kg, chỉ trong buổi sáng ghe khóm 6 tấn của anh đã bán hết sạch, anh nán lại mua ít hàng “khô” để về quê làm bữa cơm cúng rước ông bà, tổ tiên chiều 29 Tết (anh giải thích chả là Tết năm nay 29 Tết tức là 30 Tết đó sao).

Mấy ngày áp Tết, tại chợ nổi Cái Răng có một lượng lớn ghe bầu ở các tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh đến neo đậu mua buôn theo kiểu thu gom để chở hàng cung cấp cho các chợ đầu mối các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, hoặc đưa cả sang Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc. Ngược lại, cũng từ chợ nổi này những ghe bầu chuyến về chở đầy các mặt hàng nhu yếu phẩm cung cấp lại cho bà con miệt vườn trong dịp Tết như xăng dầu, vải vóc, quần áo may sẵn, giày dép, muối mắm, thuốc tây, bánh kẹo...

Đi chợ nổi Cái Răng ngày xuân, chúng tôi thích nhất là thỉnh thoảng bắt gặp hình thức giao hàng độc đáo của dân thương hồ: người bán đứng trên thuyền hàng gieo từng cặp khóm, cặp dưa cho người mua dưới thuyền đưa hai tay bắt lấy, từng cặp nhịp nhàng trông rất điệu nghệ và không hề sơ xuất. Hình ảnh này khiến cho rất nhiều du thuyền của khách du lịch len lỏi vào sát thuyền hàng để ngắm xem, chụp ảnh rất thích thú và giữ chân họ lâu hơn. Không chỉ các thuyền buôn nhóm chợ trên sông, mà chợ nổi ngày xuân còn có cả các loại xuồng bán hàng rong phục vụ ăn uống giải khát như phở, hủ tiếu, bánh mì thịt, cà phê, kem... thậm chí có cả những "quán nhậu nổi" trên mui thuyền lớn để các ông chủ miệt đồng quê ngồi giữa bốn bề hoa trái mà tranh thủ "lai rai" trong lúc chờ mối lái đến giao hoặc nhận hàng.

Chính vì những nét độc đáo như thế mà nhiều nhiều đoàn khách từ phía Bắc hoặc khách nước ngoài khi đến Cần Thơ đều không quên chọn thêm tua đi tham quan chợ nổi. Ðến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì coi như chưa đến vùng đất Tây Ðô; bởi lẽ như nhiều cho rằng: chợ là hình ảnh thu nhỏ về kinh tế xã hội của vùng đất đó.

(Theo TTXVN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.