Tập luyện quanh năm, diễn ba ngày tết
Luyện sức khỏe trước khi học múa lân nên tay chân các vận động viên múa lân chắc nịch. Ai nấy đều có màu da sôcôla ấn tượng. “Con nhà võ mà!”, là câu cửa miệng của các võ sinh Nhơn Nghĩa Đường, đoàn lân sư rồng nức tiếng nhất TP.HCM với ba kỷ lục Việt Nam: Múa lân leo cột (leo cột tre 15m), Cổ vũ thăng bình thập nhị thời lệnh (1 người đánh 12 chiếc trống) và Tứ Hỷ tề lai (4 con lân lên mai hoa thung).
Trưởng đoàn lân Nhơn Nghĩa đường, võ sư Lưu Kiếm Xương cho biết: “Tết về mấy vận động viên hăng hái lắm, đã chọn được ngày tốt để khai quang điểm nhãn lân mới nên ai cũng luôn tay luôn chân”. Tại cơ sở của đoàn lân sư rồng này, mười mấy võ sinh trẻ măng, tuổi trên dưới hai mươi, nhưng đều là những tay múa lân, múa rồng cự phách tất bật vẽ màu, dán đề-can lên các khung lân.
Màu đỏ - màu của sung túc, hạnh phúc là màu chủ đạo. Tùy theo sự sáng tạo, có đầu lân được điểm tô bằng bờm đỏ, bờm trắng, có đầu lân được dán thêm bao lì xì bên trên. Mỗi con một kiểu nhưng đều oai phong với đôi mắt to, cái sừng cong vòng, sợi râu dài quyền lực. Nét vẽ của anh Thạch Sĩ Hùng đưa qua đưa lại như múa. Anh cười: “Quen tay rồi, mười mấy năm trong nghề vốn liếng có bao nhiêu đem ra vẽ hết, làm sao mà trật nét nào được”.
Múa lân có sức thu hút mãnh liệt với trẻ em |
Mọi người đều phải tập trung tuyệt đối, một động tác sai nhịp sẽ ảnh hưởng đến toàn đội. Người đứng trước múa gậy đầu rồng, các vận động viên phía sau vừa đưa gậy vòng tròn vừa nhảy tránh vòng thân rồng, tất cả các động tác vun vút khớp nhau. Xung quanh đoàn vận động viên là mấy chục bạn nhỏ nhìn ngắm với đôi mắt to tròn, có lúc ồ lên thán phục.
Múa lân có sức thu hút mãnh liệt với trẻ em như vậy nên anh Trần Quý, vận động viên nội công của Nhơn Nghĩa đường bồi hồi nhớ lại: “Hồi nhỏ, cứ nghe tiếng trống lân là đang làm gì cũng bỏ đó chạy đi xem. Mê quá nên xin vào đoàn. Cứ tưởng được múa lân, ai dè trở thành người biểu diễn nội công”.
Với thân hình hộ pháp, da dẻ chắc nịch vì đã kinh qua mười mấy năm khổ luyện với gạch đá, bàn chông, anh Quý cười hì hì: “Ai biết mình có thế dùng đầu đập vỡ 30, 45 viên gạch tàu (thiết đầu công), để bàn chông lên lưng, bụng đều thấy sợ, nhưng mình hiền khô mà”. Đến nay, 22 tuổi, anh Quý đã có đến 14 năm trong nghề.
Hầu hết các vận động viên đều gia nhập đoàn khi chưa đến 10 tuổi. Lúc đó cơ thể dẻo dai, nhanh nhẹn và cũng rất dễ tiếp thu các động tác khó. Trưởng đoàn Lưu Kiếm Xương chỉ vào chú bé nhỏ tuổi nhất đoàn giới thiệu: “Mới ba bốn tuổi mà Lưu Hiểu Long lắc ông địa hay lắm nhé. Tương lai sẽ kế tục sự nghiệp của tôi - ông nội và ba - Lưu Hoán Phi thôi”. Trong ngành lân, hổ phụ sinh hổ tử là chuyện thường.
Niềm đam mê trong máu thịt
Chộn rộn làm lân vào mùa tết |
Tuy đã nhận được giải nhì trong hội múa lân sư rồng toàn thành năm 1995 nhưng so với mấy chục đoàn lân trong thành phố, chú Há vẫn tự nhận đoàn mình còn nghiệp dư. Các vận động viên tới tập vì đam mê, người dạy cũng vì đam mê mà chia sẻ các thế võ rồi cùng nhau sáng tạo các bài mới chứ không có tiền bạc gì.
Tập quanh năm nhưng nhưng sô diễn nhiều nhất chỉ tập trung trong mấy ngày tết. Dù đoàn lớn hay nhỏ, chuyên nghiệp hay nghiệp dư những ngày này đều kín lịch. Các đoàn thường phải ưu tiên diễn cho khách quen trước rồi mới diễn cho khách mới. Cao điểm ngày tết, đoàn diễn từ đêm giao thừa, nghỉ ngơi chút lại lên xe bắt đầu diễn 4, 5 sô ngày mùng một. Gần hết mùng là bắt đầu đi tỉnh, diễn các lễ hội chùa, rằm lớn.
Anh Trần Quý kể kỷ niệm vui: “Hè 2005, đi diễn ở Sóc Trăng, màn thiết đầu công được hoan hô nhiệt liệt, diễn xong mấy cô gái Khơ me chạy lại phỏng vấn um sùm. Mắc cỡ đỏ mặt nhưng trong bụng vui như Tết”. Ví von vậy thôi chứ với các vận động viên múa lân, chẳng một ai có Tết. Tết là mùa lao động cật lực, là mùa đi lưu diễn ở xa.
Chị Nhi, bà xã trưởng đoàn Lưu Kiếm Xương tâm sự: “Có nhiều khi tôi cũng theo đoàn đi lưu diễn. Những năm trước nhiều bạn bày trò múa lân, đánh trống trên xe tải cho có không khí nhưng bây giờ, luật giao thông nghiêm lắm, đoàn đi xe khách, ngồi im ru”.
Chú Lưu Kiếm Xương tâm tình: “Các đoàn lân sư rồng đều đã có gần trăm năm lịch sử rồi. Đặc trưng nghề nghiệp là những cái tết làm việc cật lực, lưu diễn khắp nơi. Quây quần gia đình, ăn bữa cơm chung thì mọi người tự sắp xếp thời gian phù hợp nhưng không được rơi vào ngày Tết”.
Tỉ mỉ vẽ đầu lân |
Nguyên tắc của nghề là phải tuyệt đối đảm bảo an toàn. Khi biểu diễn mà hết sức thì không cố thêm vì rất dễ xảy ra sự cố. Anh Hoán Phi, người lập kỷ lục Việt Nam với màn “Múa lân leo cột” 15m đã phải mất hai tháng tập leo lên leo xuống, tăng thể lực mới vượt mức 13,8m - cũng của chính mình trước đây.
Đã tham gia trong các đoàn lân sư rồng, ai cũng có một mong ước: Trình diễn đem lại niềm vui cho mọi người. Con nhà võ nên họ tâm niệm: học võ để tự vệ nên trước tiên phải biết cứu người (vì vậy nhiều người biết y thuật) lấy nhân, lấy nghĩa làm trọng chứ đâu ai kiếm sống bằng nghề múa lân bao giờ.
“Các đoàn lân sở dĩ được duy trì đời này qua đời khác tất cả chỉ bằng niềm đam mê đã ăn sâu vào máu thịt của lớp hậu sinh, từ khi chúng mới lớn và nghe tiếng trống lân rộn ràng”, chú Lý Sú Há tâm tình trước thềm năm mới như vậy.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)