Bất đồng bắt đầu xảy ra vào tháng 9.2005, sau khi Báo Jyllands-Posten của Đan Mạch đăng tranh biếm họa nhà tiên tri Muhammad. Gần đây, một số tờ báo tại Pháp, Đức, Na Uy, Ý, Tây Ban Nha... đã đăng lại tranh của Jyllands-Posten. Theo truyền thống đạo Hồi, việc vẽ nhà tiên tri Muhammad là điều cấm kỵ. Vì thế, hành động của báo chí châu u đã gây ra một làn sóng phản đối từ thế giới Hồi giáo. Đỉnh điểm của cơn giận dữ là vào hôm thứ bảy tuần qua, khi hàng ngàn người tại Syria tấn công Đại sứ quán Đan Mạch và Na Uy ở thủ đô Damascus. Mở đầu, đám đông chọc thủng hàng rào bảo vệ của cảnh sát và châm lửa đốt tòa nhà nơi Đại sứ quán Đan Mạch đóng. Lửa lập tức bốc lên ngùn ngụt khiến cả Đại sứ quán Thụy Điển và Chile nằm trong cùng tòa nhà cũng bị vạ lây. May mắn là vào thời điểm đó hầu hết các văn phòng đều đóng cửa nên không có thương vong. Sau khi "xử lý" xong Đại sứ quán Đan Mạch, đám đông kéo đến đốt Đại sứ quán Na Uy cách đó khoảng 6 km. Lửa lại bùng cháy và sau đó cảnh sát phải sử dụng vòi rồng mới bảo vệ được Đại sứ quán Pháp khỏi bị tấn công. Không khí nóng bỏng tại Syria đã lan sang thủ đô Beirut của nước láng giềng Li-băng. Hôm qua, những người biểu tình đã châm lửa vào Đại sứ quán Đan Mạch tại Beirut. Cảnh sát được huy động tối đa nhưng đã vấp phải phản ứng đầy bạo lực của đám đông.
Hành động đốt các văn phòng ngoại giao tại Syria, Li-băng gây nên phản ứng giận dữ từ nhiều nước. Ngoại trưởng Đan Mạch S.Moeller gọi đây là "hành động kinh hoàng và không thể chấp nhận". Ngoại trưởng Thụy Điển L.Freivalds cho biết sẽ đưa ra thông điệp phản đối chính thức vì chính phủ Syria đã không bảo vệ được tòa đại sứ Thụy Điển ở Damascus. Mỹ nhân dịp này cũng chĩa thẳng mũi dùi về phía Syria. "Chúng tôi cho rằng Syria phải chịu trách nhiệm về cuộc biểu tình bạo lực này bởi một sự kiện như thế không thể xảy ra mà không có sự ủng hộ của chính phủ", phát ngôn viên Nhà Trắng S.McClellan nói.
Đồng thời với phản ứng trước hành động thái quá tại Syria và nhiều nơi khác, một số nguyên thủ quốc gia, tổ chức cũng bày tỏ sự lo ngại hoặc phản đối trước việc báo chí châu u đăng tranh vẽ nhà tiên tri Muhammad. Tổng thống Indonesia S.Yudhoyono cho biết chính phủ của ông "phản đối việc đăng tranh biếm họa này" nhưng đồng thời cũng kêu gọi công dân giữ bình tĩnh. Iran đã triệu hồi đại sứ tại Đan Mạch về nước còn chính phủ Pakistan thì thông qua một nghị quyết phản đối việc làm của báo chí châu u. Mạnh mẽ hơn, Vua Abdullah của Jordan gọi việc đăng tranh nhà tiên tri Muhammad là "tội ác". Tòa thánh Vatican cũng ra thông điệp mang tính cảm thông: "Quyền tự do suy nghĩ và diễn đạt không thể kèm theo quyền xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo". Trong một diễn biến liên quan, nhà chức trách Jordan đã bắt hai chủ bút sau khi tờ báo của họ đăng lại tranh biếm họa tiên tri Muhammad với mục đích cho người Hồi giáo biết rõ "họ đã bị báo chí châu u xúc phạm như thế nào". (BBC, CNN, AP)
Đỗ Hùng
Bình luận (0)