Năm 2006: Ngành nghề nào có nhu cầu tuyển dụng cao nhất?

05/02/2006 22:46 GMT+7

Năm nay, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Dự báo nhu cầu sử dụng lao động, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao sẽ tăng rất mạnh trong khi nguồn cung hiện nay không thể đáp ứng.

Theo đánh giá của Công ty cung ứng, tư vấn, tuyển dụng, đào tạo... lao động Navigos Group (Mỹ), trong thời gian qua, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp (DN) tăng kỷ lục. Bản báo cáo thông số nhân lực Việt Nam vừa được Navigos Group công bố vào quý 3 năm 2005 cho thấy nhu cầu lao động tăng đến 34% so với quý 2. Dù nguồn cung lao động cũng tăng 42% nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng, bởi số tăng này chủ yếu là lao động phổ thông chứ không phải là lao động có trình độ cao, bộ phận mà các DN cần nhất.

Theo nhiều công ty cung ứng lao động, trong năm qua các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao gồm: công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, tiếp thị, quảng cáo, hành chính và kỹ thuật ứng dụng. Dự báo đó cũng sẽ là những ngành rất "nóng" về lao động trong năm 2006. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế sẽ tiếp tục kéo theo nhiều biến động trên thị trường lao động. Nhiều ngành nghề mới được phát triển đòi hỏi ngày càng nhiều nhu cầu lao động có kỹ năng tốt, trình độ cao... trong khi nguồn cung vẫn chưa đảm bảo.

Những công ty chuyên làm nhiệm vụ "săn đầu người" như Price Waterhouse Cooper, Navigos Group, NetViet... cho biết những ứng viên người Việt có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cho các vị trí quản lý của những tập đoàn quốc tế lớn hiện nay không nhiều.

Ông Dương Xuân Giao, Giám đốc điều hành NetViet, nhận xét: "Với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay thì tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ cao, có kỹ năng quản trị... ngày càng trầm trọng". Ông Giao cũng dự báo: "Trong thời gian tới, rất có thể sẽ xảy ra một cuộc chiến giành người tài giữa các công ty lớn".

Một câu hỏi đặt ra là vì sao hằng năm đều có một lượng sinh viên không nhỏ tốt nghiệp các trường đại học nhưng tình trạng thiếu hụt lao động có trình độ cao vẫn không giảm? Câu trả lời từ nhiều nhà tuyển dụng là: "Sinh viên vừa tốt nghiệp còn thiếu hụt rất nhiều mặt nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của các DN". Ngay cả người tốt nghiệp sau đại học trong nước cũng vậy.

Hội nghị về đào tạo sau đại học vừa diễn ra tại Hà Nội đã đưa ra nhận định chất lượng của các nghiên cứu sinh cao học là rất thấp. Điều này giải thích vì sao có nhiều ứng viên đã tốt nghiệp cao học trong nước nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của các công ty nước ngoài.

Theo các công ty cung ứng lao động, năm 2006 sẽ rất quan trọng đối với thị trường lao động tại Việt Nam. Đa số các công ty lớn khi đã đứng vững tại thị trường Việt Nam đều muốn "nội địa hóa" bộ máy quản lý để giảm chi phí. Nhiều khả năng Việt Nam sẽ gia nhập WTO trong năm nay - khi đó, tình trạng thiếu hụt lao động cao cấp càng thêm căng thẳng. Theo các chuyên gia tuyển dụng của Price Waterhouse Cooper, Navigos Group..., cái thiếu nhất của những ứng viên người Việt cho những vị trí quản lý cao cấp là khả năng giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Anh và kinh nghiệm trong quản lý.

Theo Price Waterhouse Cooper, hiện nay mức lương của người nước ngoài vẫn còn cao hơn gấp rưỡi so với các nhân viên người Việt trong cùng một vị trí, điều này cũng phần nào thể hiện mức độ đóng góp của người nhận lương. Một điều tra mới đây của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết tỷ lệ lao động được đào tạo hằng năm tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài khá cao, hơn 26%. Điều này cho thấy một thực tế là các DN nước ngoài sau khi tuyển được người phải bỏ công đào tạo lại thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc.

Ngân hàng "khủng hoảng" thiếu nhân lực

Hiện hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP) luôn ở trong tình trạng thiếu nhân viên. Hàng ngàn sinh viên kinh tế, tài chính, ngân hàng... tốt nghiệp ra trường hằng năm cũng không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các NH. Số lượng không đủ đáp ứng, cả chất lượng người vừa tốt nghiệp đại học cũng không đạt yêu cầu. "Nhà trường hiện nay chỉ dạy những kiến thức cơ bản mà không sát với thực tế. Chính vì thế, khi tuyển nhân viên, đặc biệt là sinh viên mới ra trường, NH phải đào tạo lại khoảng 6 tháng thì các nhân viên này mới có thể bắt tay vào công việc được" - ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB) cho hay. Ông dẫn chứng: "Số lượng nhân viên mới ACB tuyển dụng trong năm 2005 tăng thêm 700 người và NH phải bỏ ra chi phí đào tạo trực tiếp 3 tỉ đồng. Đó là chưa tính lương mà NH phải trả trong giai đoạn nhân viên được đào tạo lại bình quân 800.000 đồng/người/tháng và các chi phí khác...". Nhiều NH không thể đầu tư vào công tác đào tạo, đành chọn giải pháp... rút người của NH khác về làm việc, gây nên tình trạng biến động nhân sự thường xuyên trong hoạt động của các NH hiện nay.

T.Xuân

Trung Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.