Nếu chủ đầu tư SITC không đến Việt Nam thì vẫn có thể bị đưa ra tòa!

09/02/2006 22:53 GMT+7

Sáng 9/2, báo chí đã tập trung khá đông tại Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) để nghe thông báo chính thức về hướng giải quyết vụ việc SITC của các cơ quan chức năng sau cuộc họp sáng 8/2. Ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) và ông Đỗ Nhất Hoàng, Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ KH - ĐT đã trả lời các câu hỏi của báo chí xung quanh những diễn biến mới nhất về sự cố SITC.

* Hiện nay công ty "mẹ" của SITC đã có hồi âm chưa? Theo quan sát của các chuyên gia giáo dục và báo chí thì sự trở lại của SITC rất khó khả thi. Nếu họ không trở lại thì quyền lợi học viên, giáo viên, người lao động Việt Nam được giải quyết như thế nào?

- Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng: Đáng tiếc là chúng tôi chưa liên lạc trực tiếp được với chủ đầu tư, vì vậy chúng tôi phải liên lạc với Cơ quan phát triển kinh tế Singapore thì được cơ quan này thông báo SITC Singapore vẫn hoạt động bình thường. Trong buổi họp chiều 8.2 với Đại sứ quán (ĐSQ) Singapore, một lần nữa chúng tôi đã yêu cầu ĐSQ và Cơ quan phát triển kinh tế Singapore yêu cầu chủ đầu tư phải trả lời ngay những vấn đề Bộ KH-ĐT đưa ra và sớm sang Việt Nam. Hiện nay đang trong quá trình giải quyết vụ việc nhưng vấn đề đặt ra là bằng mọi cách phải đảm bảo quyền lợi cho các học viên. Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì việc tìm các biện pháp giải quyết quyền lợi cho các học viên và giáo viên.

* Để xảy ra sự cố SITC, theo ông trách nhiệm thuộc về khâu quản lý nào? Và trách nhiệm của Bộ KH-ĐT ra sao?

- Ông Phan Hữu Thắng: Sự việc xảy ra tại SITC quả là quá đột ngột. Tôi phải dùng chữ "đột ngột". Thông tư liên tịch số 14 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ KH-ĐT ngày 14.4.2005 hướng dẫn về việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo đã quy định rất rõ tại điều 19: "Bộ GD-ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài trong phạm vi cả nước. UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài đặt cơ sở tại địa phương theo quy định của Chính phủ". Cũng tại điều 20: "Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện chế độ báo cáo thường kỳ đầu năm học, giữa năm học và cuối năm học cho các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về giáo dục. Căn cứ vào hồ sơ xin thành lập cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài đã được phê duyệt, cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về giáo dục đào tạo có trách nhiệm kiểm tra tình hình triển khai dự án của chủ đầu tư". Trách nhiệm của Bộ KH-ĐT liên quan đến cấp phép đầu tư; phối hợp với các bộ chuyên ngành và các địa phương sau khi cấp giấy phép đầu tư. Bộ KH-ĐT đã rà soát lại khâu cấp phép đầu tư thì thấy rằng Bộ đã thực hiện các quy trình cấp phép. Trách nhiệm quản lý "hậu" sau cấp phép, tôi xin nhắc lại là trách nhiệm của UBND các địa phương, và đầu mối là các sở GD-ĐT.

Ông Phan Hữu Thắng

* Ông nhận xét như thế nào khi các cơ quan quản lý giáo dục "kêu" rằng: có một thực tế là sau khi cấp phép cho các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài (không loại trừ một số cơ sở dạy ngoại ngữ trong nước), Sở KH-ĐT không hề báo cho Sở GD-ĐT. Do không có sự gắn kết giữa hai Bộ GD-ĐT và bộ KH-ĐT đã gây khó khăn cho ngành giáo dục trong lĩnh vực quản lý các cơ sở đào tạo trên?

- Ông Phan Hữu Thắng: Tôi xin nói rõ là Sở KH-ĐT không có quyền cấp giấy phép đầu tư, mà UBND cấp. Quản lý trên địa bàn là trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố, Sở KH-ĐT hay Sở GD-ĐT chỉ là cơ quan giúp việc. UBND phải điều phối để các sở gắn kết với nhau.

* Nếu đặt giả thuyết chủ đầu tư SITC kiên quyết không sang Việt Nam thì liệu có biện pháp "rắn" nào để quy trách nhiệm của chủ đầu tư SITC?

- Ông Đỗ Nhất Hoàng, Vụ phó Vụ Pháp chế: Nếu chủ đầu tư không đến Việt Nam thì phía cơ quan Việt Nam sẽ căn cứ theo luật pháp Việt Nam, các điều ước quốc tế mà cụ thể là Hiệp định giữa Singapore và Việt Nam để xử lý vấn đề này. Bước đầu chúng tôi nhận thấy có những dấu hiệu vi phạm pháp luật của SITC. Thứ nhất, SITC tuyển dụng đào tạo sau đại học không thuộc phạm vi điều chỉnh của giấy phép đầu tư (Thanh Niên đã từng có loạt bài cảnh báo về vấn đề này từ tháng 8.2005 - TN); Thứ 2: SITC đóng cửa các chi nhánh nhưng không thông báo với cơ quan cấp phép. Thứ 3: SITC đã vi phạm cam kết với học viên. Thứ 4 là nợ lương giáo viên, người lao động. Căn cứ vào những sai phạm đó có thể dựa vào điều 52 Luật Đầu tư để xem xét có nên rút giấy phép đầu tư của SITC hay không. Tuy nhiên, nếu có những mâu thuẫn trong nội bộ SITC được giải quyết chúng ta vẫn cho họ hoạt động trở lại. Vì vậy các cơ quan Việt Nam rất bình tĩnh xem xét để xử lý vấn đề này, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Chúng ta cần sử dụng biện pháp mềm dẻo để giải quyết vụ việc chứ không nên dùng biện pháp cứng rắn.

Trong trường hợp nhà đầu tư kiên quyết không đến Việt Nam, cơ quan pháp luật Việt Nam sẽ căn cứ vào khiếu kiện của các học viên đưa chủ đầu tư ra tòa. Nếu chủ đầu tư vắng mặt thì tòa án vẫn xử đơn phương. Nếu chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo vụ án sẽ được đưa ra tòa hình sự.

* Rất nhiều nước áp dụng hình thức ký quỹ đối với các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài để đề phòng khi các cơ sở này sụp đổ, vẫn có thể hỗ trợ một phần thiệt thòi của người học. Ở nước ta lỗ hổng về tài chính chính là nguyên nhân vì sao các cơ quan quản lý không lường trước được SITC sụp đổ và nếu chủ đầu tư bất hợp tác quyền lợi cho học viên, giáo viên sẽ không được giải quyết. Bộ KH-ĐT có đặt ra vấn đề này sau sự cố SITC không?

- Ông Đỗ Nhất Hoàng: Tôi thừa nhận đây là bài học cho chúng ta, và là thiếu sót của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong thời gian tới Bộ KH-ĐT, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB và XH sẽ phối hợp rà soát các quy định hiện hành về quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục vàâ dạy nghề, để đưa vào các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, nhằm tăng cường cơ chế phối hợp quản lý hoạt động này. Và có biện pháp, chế tài cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi học viên. Bộ KH-ĐT đã có đề xuất các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài phải ký quỹ khoảng 30% tài khoản mới được thực hiện theo các quy chế hoạt động đã được quy định. Tuy nhiên, đây mới là đề xuất sau khi xảy ra vụ việc SITC, hoàn thiện được hệ thống đó phải có thời gian.

Đến chiều 9/2, theo nguồn tin của Thanh Niên đã có hơn 14 trường, trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn thành phố đề nghị được tiếp nhận số học viên từ các cơ sở của SITC dưới hình thức hỗ trợ học phí. Thậm chí có trường như Trường ngoại ngữ Á - Âu (308 Lê Văn Sỹ, P.1, Q.Tân Bình) quyết định sẽ nhận dạy miễn phí 1 tháng cho 500 học viên đã đóng tiền cho SITC (có biên lai) nhưng chưa được học hoặc thời gian học mới chỉ được 1/3 so với số tiền đã đóng. Phụ huynh và học viên đăng ký trong giờ hành chính đến hết ngày 20/2.

Bích Thanh

Thu Hồng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.