Đi xin "lộc Bà Chúa"

10/02/2006 22:39 GMT+7

Năm mới, khách thập phương nô nức tới đền Bà Chúa Kho (thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) xin "lộc rơi, lộc vãi", cầu cho gia quyến ăn nên làm ra. Với người dân địa phương, đây là một dịp kiếm tiền nhanh nhất và dễ nhất trong cả năm khi tự bày ra trăm thứ dịch vụå xưa nay hiếm để "chém đẹp" tiền của thiên hạ...

Không biết tự bao giờ đã có tục trước khi vào lễ Bà Chúa Kho, du khách phải sắm lễ, thắp hương "điểm danh" tại đền Trình. Đây là một nghi thức bắt buộc, nếu không "báo cáo" với Bà Chúa Kho về sự có mặt của mình thì cho dù có thành tâm đến cỡ nào đi nữa lời cầu khấn của gia chủ cũng chẳng "thỉnh tới tai" Bà Chúa! 9 giờ sáng mùng 8 Tết, tôi có mặt tại đền Trình. Cả ngàn người đang chen lấn, xô đẩy sắm lễ tại các gian hàng mọc ken đặc hai bên đường. Trước mỗi gian hàng đều treo biển hiệu như muốn khẳng định "thương hiệu" và giới thiệu sản phẩm với khách hàng: "Nhà hàng H.L. Chuyên sắp lễ, viết sớ chữ Nho", "S.G: sắp lễ, viết sớ chữ Việt"... Một chị bán hàng đang tư vấn cho khách: "Lễ đầy đủ phải gồm 4 phần: một phần thắp hương nơi đền Trình, 3 phần còn lại dùng để xin lộc tại các khu trong chùa Bà Chúa. Ngoài bánh trái, nhang, vàng và tiền giấy, nhất thiết phải có bộ sớ  ghi đầy đủ lý lịch của gia quyến và những lời thỉnh cầu trong năm mới".


Xin lộc Bà Chúa Kho. ảnh: Q.D
Tại một góc của gian hàng, mấy chục người đang xếp hàng chờ đến lượt mình xin sớ. Tôi đứng vào hàng. Trước tôi còn cả chục người nữa. "Anh đồ trẻ" trạc 30 tuổi, vừa hỏi tên, tuổi của gia chủ vừa cầm bút bi viết lên những tờ giấy mỏng đã được in sẵn những dòng chữ Nho. Qua bản danh sách ghi tên khách hàng tôi biết từ sáng đến giờ anh đã thực hiện xong 40 bộ sớ. Những chữ được viết ra cứ na ná giống nhau trong khi "anh đồ" múa bút không hề tuân theo các nguyên tắc viết chữ Nho mà tôi được biết từ hồi còn là sinh viên năm thứ nhất như: trên trước, dưới sau; ngoài trước trong sau; trái trước, phải sau... Thấy "anh đồ" viết sai chữ "minh", tôi tế nhị: "Anh ơi, chữ "minh" gồm chữ "nhật" (mặt trời) và chữ "nguyệt" (mặt trăng) ghép lại kia mà". Anh đồ gắt lại: "Tôi viết theo lối thư pháp". Tôi không buông tha: "Dù viết thế nào đi nữa thì chữ "minh" vẫn phải có đủ 8 nét. Chữ của anh viết chỉ 4 nét thôi". Như "đo" được trình độ "nho học" của "anh đồ trẻ", bà khách quay sang trách chồng: "Mình không biết chữ nho... Họ viết sao mà chẳng được! Đã bảo sang hàng sớ chữ Việt lại không nghe. Cứ sính Nho…!".

Tôi mua lễ, nhờ một ông già viết sớ chữ Việt ghi cho lời thỉnh cầu Bà Chúa rồi chen vào đền Trình. Người đội lễ vào đền đông như nêm. Sau một hồi bị xô sang phải, đẩy sang trái, ngã dúi vào lưng người trước mặt, tôi mới chen được vào khu đặt lễ. Loay hoay mãi mới thắp được nén nhang, chắp tay vái ba cái, tôi lại chen tới chỗ nhập kho. Một chị trông "kho" nói như trách khi thấy tôi đặt vào miệng bao tải dăm cặp bánh phu thê, mấy quả cam: "Lễ như thế này cũng nạp kho. Thôi đem về đi !". Có tiếng của ai đó từ phía sau: "Lễ cốt là ở sự thành tâm. Sao lại nói với người ta như thế?".

"Trình diện" xong, tôi quay ra gian hàng trả mâm, cũng trầy trật không khác gì lúc chen vào. Chị chủ quán mời khéo: "Mua lễ ở đây giá rẻ, hàng thật. Đã không mua ở đây, vào trong đó đừng mua bất cứ thứ gì kẻo bị lừa đấy". Tôi mua ít giấy vàng mã và dăm nén nhang rồi lên xe, nhắm hướng đền Bà Chúa Kho. Cách đền 1 km, người và xe đã đông nghẹt. Các bãi đỗ ô tô, xe máy trở nên quá tải. Ngoài sự đông đúc, nhốn nháo, tôi còn có ấn tượng với những người ăn mày đang đứng, ngồi, nằm la liệt khắp nơi. Đội quân "cái bang" ước tính phải đến con số 50, đủ cả già trẻ, gái trai. Chiêu thức "xin lộc" của họ cũng thật đa dạng: khóc lóc ỉ ôi, ngồi ủ rũ đưa chiếc bát ra trước mặt, nằm lăn ra đường vật vã... Người qua kẻ lại thương cảm cho mấy đồng bạc lẻ. Ít ai trong số họ biết mình đang bị lừa: những kẻ đang vật vã, kêu khóc đó đều là dân trong vùng kiếm chác chút "lộc" đầu xuân !


Đại diện “cái bang”. ảnh: Q.D
Ghé qua các gian hàng sắp lễ mọc san sát nhau hai bên đường dẫn lên chùa, tôi ngã người khi giá của một con gà to bằng nắm tay được làm sẵn lên tới 150 ngàn đồng, mấy quả cam với đĩa xôi, ít vàng hương cũng được hét tới 100 ngàn đồng... Người lên chùa mỗi lúc một đông. Kẻ đội lễ, người xách túi đồ thi nhau chen lấn. Tôi nhìn thấy một chị trạc 40 tuổi đang nhích từng chút một lên chùa. Hai tay ôm mâm lễ đưa lên cao, vừa đi chị ta vừa la: "Nước sôi! Nước sôi!" với mong muốn mọi người vì sợ bỏng mà tránh đường nhưng cách làm của chị xem ra không đem lại hiệu quả. Bỗng mâm lễ trên tay chị bị nghiêng, gà, xôi, vàng, nhang rơi lả tả rồi mất hút dưới những bàn chân của người đi lễ...

Giọng một người đàn ông trong ban tổ chức vang lên trên loa: "Quý khách cảnh giác, không để kẻ gian lợi dụng chỗ đông người lấy cắp tài sản!". Tôi để ý mấy chị phụ nữ đang cất tiền. Một chị cho tiền xuống lót giày. Chị khác vừa dúi sấp bạc 50 ngàn, 100 ngàn đồng vào... áo ngực vừa chữa ngượng: "Cách này là tốt nhất. Bố bọn nó (ăn cắp - PV) sống dậy cũng thua bà!".

Chen lấn, xô đẩy mãi cuối cùng tôi cũng vào được đền. Chưa kịp chen vào khu đặt lễ, thắp nén nhang thành tâm xin "lộc rơi lộc vãi" của bà, tôi bị một chị mặc bộ quần áo nhàu nát, tay cầm chiếc đĩa nhỏ và 2 đồng tiền xu tiếp thị: "Để chị khấn giúp cho. Chị có bài khấn hay lắm. Nghe xong bài này, Bà Chúa sẽ mủi lòng mà ban cho nhiều lộc !". Tôi tò mò: "Chị đi khấn thuê à?". Chị ta không đáp mà đưa tay chỉ cho tôi thấy dăm "đồng nghiệp" của chị đang chắp tay, miệng lẩm nhẩm gì đó. "Khấn xong, em phải trả chị bao nhiêu ?" - tôi hỏi. Chị ta đáp gọn lỏn: "Tùy tâm gia chủ". Câu chuyện bị cắt ngang khi tôi để ý tới màn cúng thuê của một người đàn bà bên cạnh. Chị ta đang khấn thuê cho một cặp vợ chồng, giọng oang oang: "Con lạy chín phương trời, lạy mười phương đất. Hôm nay ngày..., gia chủ là..." rồi quay sang người đàn ông hỏi: "Tên gì?". "Nguyễn Đức Trung" - anh ta đáp. Chị cúng thuê lại chắp tay khấn: "Nguyễn Đức Trung và vợ là...", quay sang người phụ nữ: "Tên gì ?". Sau khi xướng tên chị vợ, người cúng thuê nói oang oang rất nhanh: "Cầu tài được tài. Cầu phúc được phúc. Có hạn được giải. Buôn năm bán mười. Đi tươi về tốt...". Bài khấn đang đến cao trào, bỗng người khấn thuê với tay một người đàn ông đi lễ tranh thủ tiếp thị: "Khấn thuê không? Tiền không thành vấn đề. Tùy tâm là chính". Cuộc "bắt" khách bất thành, người khấn thuê quay lại với công việc chính của mình trong khi mắt vẫn đảo trước ngó sau tìm mối mới. Lát sau, người cúng thuê cúi rạp người xuống, nhanh tay nhặt lên một chiếc ví. Lục lọi khắp không thấy một đồng cắc nào, người khấn thuê lẩm nhẩm chửi thề: "Cha bố chúng mày chứ! Ăn ốc xong lại bắt bà đổ vỏ à! Làm bà một phen mừng hụt. Đồ mất dạy !". Chửi xong, người cúng thuê quay lại nhẹ nhàng nói với khách hàng: "Chị khấn tiếp nha". Chị vợ bực tức nói như quát: "Khấn với vái cái gì nữa... Tiền đây. Cầm lấy!". Nhìn thấy tờ giấy bạc 5 ngàn, người khấn thuê làu bàu: "Sao ít thế? Không cầm đâu!". "Sao lúc trước bảo tùy tâm?" - chị vợ bực tức. Người khấn thuê đáp tỉnh bơ: "Tùy tâm cũng phải có mức chứ. Ít nhất là 10 ngàn. Đưa đây!". Không đành đôi co chốn linh thiêng, chị vợ lấy tờ 10 ngàn đưa cho người khấn thuê.


Viết sớ xin lộc. ảnh: Q.D
Chen chân thắp nhang xong, tôi chen trở ra khu hóa vàng. Một người đàn ông gần 30 tuổi nhưng cao chưa đầy 70 cm đứng đợi sẵn. Tôi tiến lại lò hóa vàng. Anh ta nhanh tay nhận lấy mấy tờ sớ, dăm đinh vàng mã của tôi rồi cho vào lò. Sớ chưa cháy hết, anh ta đã lên tiếng mè nheo: "Tiền mừng tuổi đâu ? Nhanh lên tôi còn giúp người khác". Tôi miễn cưỡng rút tờ 5 ngàn đưa cho chú lùn coi như làm phước đầu năm nhưng trong lòng vẫn ấm ức. Bước dăm bước, trước mặt tôi là bảng thông báo của ban tổ chức: "Cấm rút quẻ. Bán sách mê tín dị đoan". Chưa đọc xong bảng cấm, tôi bị một thanh niên kéo vai mời rút tờ tài, tờ lộc đầu năm với lời ra giá: "4 ngàn đồng 2 thẻ, biết được tiền vận trong cả năm !...".

Khi tôi rời đền Bà Chúa Kho, dòng người vẫn nối dài chen lấn. Những người ăn mày vẫn gào khóc thảm thiết, lăn lộn vật vã... Anh nhà xe bình thản nhận 10 ngàn đồng tiền trông coi, rồi nhẹ nhàng: "Thank you, goodbye !"...

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.