Nào phải chuyện vặt!

12/02/2006 22:45 GMT+7

Các diễn viên trẻ có ưu thế về sức thanh xuân, vẻ đẹp ngoại hình. Thế nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể phô bày ưu thế ấy, mà tùy theo yêu cầu của vai diễn già hay trẻ, đẹp hay xấu, giàu hay nghèo, thuộc thành phần nào của xã hội... để hóa trang cho đúng nhân vật mà mình thể hiện.

Trong vở Chờ một tiếng yêu (sân khấu Phú Nhuận, TP.HCM), diễn viên vào vai một anh chàng sửa xe nghèo luôn thiếu tiền nhà trọ mà bề ngoài cứ "đẹp lộng lẫy", áo quần thời thượng. Hai vở khác cũng của sân khấu Phú Nhuận là Thiên thần gõ cửa và Tuổi dậy thì cũng thế. Trong vở Thiên thần gõ cửa, khi diễn viên xuất hiện trên sân khấu với vai một anh thợ lau kính thì từ hàng ghế khán giả có tiếng thốt lên: "Ồ, thợ lau kính đó ư ?". Bởi vì anh thợ này cứ quần là áo lượt trắng tinh. Vở Tuổi dậy thì, một diễn viên trẻ đóng vai thầy hiệu trưởng mà gương mặt trẻ măng không một chút hóa trang nên trên sân khấu nhìn thầy hiệu trưởng cứ như giáo viên mới ra trường. Vì duyên cớ gì mà "thầy" không dám làm già đi cái bề ngoài của mình để nhân vật "coi được" một chút?...

Chuyện vụn vặt ư? Có thể bào chữa bằng những lý do như vì là một vai diễn nhỏ, trong một vở diễn chưa chắc gây được sự chú ý... mà diễn viên hóa trang chiếu lệ được chăng? Không, bởi vì khi diễn viên xuất hiện trên sân khấu là khán giả bắt đầu theo dõi một câu chuyện, một nhân vật mà vở diễn hướng tới. Nếu đóng vai người già mà gương mặt cứ trẻ, người nghèo mà bề ngoài sang trọng, thời thượng... thì khán giả sẽ phì cười nhiều hơn là hứng thú theo dõi chuyện gì sẽ xảy ra trong vở diễn.  

Cũng có một cách hóa trang khác gây phản cảm không kém. Trong vở cải lương Nghêu, Sò, Ốc, Hến mới đây của sân khấu Phú Nhuận, diễn viên vào vai trùm Sò lại có gương mặt với mắt tròn bồ câu, đôi môi trái tim mọng đỏ... mà chắc thị Hến nhìn cũng phải tròn mắt phát ghen. "Sáng tạo" nhân vật kiểu này liệu có thể chấp nhận?

Thuận An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.