Đề nghị hành nghề môi giới bất động sản phải theo Luật Doanh nghiệp

14/02/2006 00:20 GMT+7

Hôm qua 13.2, ngay sau diễn văn khai mạc của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Văn An, Hội nghị đại biểu QH chuyên trách lần thứ 8 đã thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS). Dự luật này sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9 của QH vào tháng 5 tới.

Các đại biểu QH chuyên trách không hài lòng lắm với những quy định được cho là "chưa rõ ràng" trong dự thảo luật. Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Quảng Bình), hoạt động xây dựng, phát triển nhà và tài sản trên đất để bán là hoạt động đã được điều chỉnh kỹ trong Luật Nhà ở hoạt động mua bán, cho thuê nhà là những giao dịch dân sự bình thường đã được điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự. Vì vậy, dự án Luật Kinh doanh BĐS chỉ nên tập trung để điều chỉnh 3 vấn đề: Đối tượng kinh doanh (hay nói cách khác là những gì được coi là BĐS và thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này?); những ai có quyền kinh doanh; các nghĩa vụ thuế xung quanh sàn giao dịch BĐS và hoạt động môi giới BĐS. Tuy nhiên, cả ba vấn đề này đều chưa được quy định rõ ràng trong dự luật.

Đại biểu Lương Phan Cừ (Đắk Lắk) đề nghị cần có những quy định để điều chỉnh riêng đối với các đối tượng có hoạt động liên quan đến giao dịch BĐS: hoạt động mua bán của những người kinh doanh BĐS chuyên nghiệp, hoạt động của những người không chuyên nghiệp... Ông Cừ đặt câu hỏi: "Tôi mua một mảnh đất với mục đích để sử dụng nhưng nay thấy có lời hoặc không còn nhu cầu nữa nên bán đi (kinh doanh cơ hội) thì có thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này hay không?". Theo ông Cừ, như vậy không rõ ràng trong khi đây là hình thức phát sinh rất nhiều trong cuộc sống.

Để khắc phục tình trạng "cò" nhà đất hoạt động tự phát gây lộn xộn cho thị trường mà Nhà nước lại thất thu thuế, ông Nguyễn Văn Thuận đề nghị dự luật cần quy định rõ kinh doanh BĐS chuyên nghiệp và hành nghề môi giới BĐS phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; không để tình trạng môi giới hoạt động dưới dạng các trung tâm nhà đất tự phát như hiện nay.

Xung quanh quy định về các chủ đầu tư dự án kinh doanh BĐS có quyền huy động vốn của khách hàng trong dự thảo cũng còn nhiều ý kiến trái ngược. Đại biểu Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM) gọi đó là một hình thức chiếm dụng vốn nên mặc dù đồng ý là chủ đầu tư có thể huy động vốn ứng trước nhưng đề nghị phải có điều khoản quy định ngay trong luật với mục đích là quyền lợi của người nộp tiền trước được bảo đảm, ít nhất là về giá thành BĐS mà mình góp vốn phải được ưu đãi so với những người mua ở giai đoạn sau của dự án (không góp vốn).

Hội nghị ĐBQH chuyên trách còn kéo dài đến hết ngày 27.2.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.