Sáng chủ nhật 12/2, chúng tôi đến thăm ông đang nằm điều trị tại phòng 3/07, lầu 2 tại Trung tâm chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Người nhà ông cho biết, lẽ ra ca mổ đã được thực hiện ngay khi ông nhập viện vào thứ sáu tuần rồi, nhưng do sức khỏe quá yếu, gần như là kiệt lực nên các bác sĩ phải dời lại mấy ngày cho ông bồi dưỡng.
Căn phòng có bốn giường bệnh, nhà văn Sơn Nam nằm ở giường số một, gầy gò, hom hem dù vẫn còn nét tỉnh táo và ông nhận ra chúng tôi ngay bằng nụ cười rạng rỡ. Câu chuyện bắt đầu bằng giọng yếu ớt, chậm rãi nhưng dường như đã lâu không có ai để trò chuyện nên ông tỏ ra vô cùng hứng thú. Ông tâm sự: "Tôi sinh ra ở vùng đất U Minh, nơi đó là những cánh rừng tràm bạt ngàn kéo dài từ Rạch Giá qua Sóc Trăng, Bạc Liêu và đến tận Cà Mau. Tôi bắt đầu sự nghiệp viết lách bằng những truyện ngắn vào năm 1955 trên văn đàn Sài Gòn để từ đó mà có Mùa len trâu, Hương rừng Cà Mau... được viết ra từ ký ức quê nhà mãi mãi không bao giờ phai nhạt. Trời sinh ra cây tràm thật là kỳ diệu, nó bám chặt rễ trong sình, chìm ngập trong nước mà vẫn mạnh khỏe, vẫn sinh sôi nảy nở để giữ vững mảnh đất bồi cho quê hương và giữ người cho đất. Chẳng nơi nào có được những ngày rừng tràm nở rộ hoa trắng mênh mông, trùng trùng điệp điệp, quyến rũ cơ man hàng vạn bầy ong làm tổ trên cành hút nhụy hương rừng làm mật ban tặng cho người như đất U Minh...".
Say chuyện, nhưng nhà văn Sơn Nam vẫn không thể ngồi dậy được. Ông vừa nằm vừa nói, thỉnh thoảng ngẩng đầu lên hỏi xin một điếu thuốc nhưng chẳng ai dám đưa vì bệnh viện cấm ngặt chuyện này. Chúng tôi hỏi ông hiện nay còn bao nhiêu ký, ông nói đâu ngoài bốn chục gì đó. Một chị phụ nữ đi nuôi người nhà nằm giường bên cạnh lên tiếng: "Bác làm gì được 40 cân, cao lắm 37 cân là cùng !". Ông cười hóm hỉnh: "Ừ thì tự trấn an mình một chút có sao đâu, hồi nào tới giờ có cân đâu mà biết!". Rồi ông lại tiếp tục nói về con người phương Nam. Mới đây, xem bộ phim Mê Kông ký sự của NSND Phạm Khắc, nhà văn Sơn Nam cho rằng ông càng hiểu thêm tính chất Nam Bộ, một lưu vực ở cuối con sông nổi tiếng này. Sau khi chảy qua nhiều quốc gia, nhiều dân tộc và nhiều nền văn minh khác nhau, sông Mê Kông không chỉ mang phù sa về tưới cho đồng bằng miền Tây Nam Bộ thêm màu mỡ mà còn chở về cho con người nhiều điều thú vị khác...
Chúng tôi hỏi ông tại sao khi tai nạn xảy ra ông không chạy chữa ngay mà phải chờ đến bây giờ? Nhà văn Sơn Nam thở dài buồn bã: "Trước hết là không có tiền, tôi suốt đời sống bằng ngòi bút nên chẳng bao giờ dư giả! Cứ tưởng chịu đựng một chút rồi sẽ qua, ngờ đâu sức già không đủ đề kháng. Thứ đến, tôi muốn "nhõng nhẽo" với Nhà nước, với anh em bằng hữu thử xem sao!" .
Thế mà đã 7 tháng qua và cho đến hôm ấy, đang nằm trên giường bệnh chờ ca mổ nhưng vẫn chưa thấy có một cơ quan chức năng nào đến với ông, dành cho ông một lời an ủi, động viên, nói chi đến việc chia sẻ khó khăn với một tên tuổi lớn đã cống hiến cho nền văn hóa nước nhà những công trình không nhỏ!
Ở tuổi quá gần đất mà rất xa trời, lại đang lâm vào khó khăn, hoạn nạn nhưng nhà văn Sơn Nam vẫn sống rất lạc quan. Ông luôn tin tưởng sẽ vượt qua tất cả, sẽ trở về và tiếp tục cầm viết bởi theo ông, đó không chỉ là nghiệp dĩ mà còn là niềm đam mê và cũng để trả nợ áo cơm cho đời. Chúng tôi nghĩ, với tuổi tác và tình trạng sức khỏe hiện nay, theo quy luật kiếp người, một ngày nào đó không xa nhà văn Sơn Nam cũng phải ra đi. Và sẽ là một cuộc tiễn đưa rình rang với đầy hoa tươi và những lời ai điếu, tiếc thương. Điều đó cũng sẽ vô cùng ý nghĩa và xứng đáng với một chân dung lớn trong văn học nước nhà như ông. Nhưng giá như những tháng ngày ngắn ngủi còn lại trên thế gian này, ông được đãi ngộ xứng đáng như những gì đã được tôn vinh để không như hoàn cảnh hiện tại cần 15 triệu đồng chữa bệnh mà chỉ còn biết nhờ báo chí kêu gọi các mạnh thường quân tiếp sức, trong khi có những quan chức Nhà nước dám bỏ ra hàng chục tỉ đồng trong cuộc đỏ đen. Đó không chỉ là nỗi buồn cho Sơn Nam mà còn là niềm tủi cho tất cả chúng ta.
Đoàn Thạch Hãn
Bình luận (0)