Chất lượng đầu vào sẽ giảm sút?

16/02/2006 22:54 GMT+7

Việc “thi hay xét” trong khối trường trung học chuyên nghiệp (THCN) không còn là vấn đề phải bàn cãi. Vì theo chỉ đạo của Bộ thì trường nào có số thí sinh đăng ký dự thi vượt quá 500% chỉ tiêu sẽ tổ chức thi, từ 250% đến 500% thi hay xét do nhà trường quyết định, còn dưới 250% thì chắc chắn là xét tuyển. Nhưng rất ít trường đạt được tỷ lệ hơn 250%. Vì thế, hầu hết thí sinh nộp hồ sơ vào các trường THCN đều cho rằng nếu xét tuyển thì “dễ ợt”, thế nào mình cũng đậu.

“Đó là suy nghĩ không chính xác", một cán bộ Phòng đào tạo Trường TH Kỹ thuật nông nghiệp cho biết, "dù xét tuyển thì trường chúng tôi vẫn phải đảm bảo đúng các thủ tục về điểm chuẩn các môn quy định là bao nhiêu chứ không "xét vớt", vì nếu anh học ngành Quản lý đất đai mà điểm Toán và Lý trong học bạ yếu thì không thể đỗ được". Với chỉ tiêu đầu vào năm học 2005-2006 là 800 học sinh, đến gần ngày nhập học mới đạt 90% nhưng theo vị cán bộ này, học sinh nào không đủ điểm xét tuyển vẫn bị "rớt đài".

Khi xét tuyển, nhà trường sẽ căn cứ vào điểm tổng kết trong học bạ và điểm thi tốt nghiệp của các môn có liên quan đến ngành học để xét. Ví dụ ngành Du lịch sẽ xét điểm Văn, Sử; ngành Hạch toán kế toán thì xét điểm Toán, Lý. Thầy Trần Minh Đức, Phó phòng đào tạo Trường TH Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á (TP.HCM) cho rằng xét tuyển thì có thể "co giãn" dễ chịu hơn chứ không quá khắt khe. Vì thế mới có chuyện thí sinh đã nộp hồ sơ là khả năng được nhập học lên tới... 99%, vì không đủ điểm học ngành này thì có thể chuyển qua ngành khác nếu có nguyện vọng. Ví dụ nếu em nào có điểm tổng kết hay thi tốt nghiệp môn Sử yếu trong khi môn Toán khá mà lại đăng ký học ngành Du lịch, thì nhà trường sẽ vận động, tư vấn để các em đăng ký học ngành khác phù hợp hơn. Cũng tương tự, thầy Đỗ Ngọc Loan, Phó hiệu trưởng Trường TH Cán bộ khí tượng thủy văn cho biết: "Có nhiều em thích học ngành môi trường nhưng điểm trung bình môn Hóa quá yếu, chúng tôi không xét vớt cho em học môi trường mà sẽ tư vấn, vận động để vào học ngành khác, ví dụ ngành kỹ thuật cấp thoát nước...". Đây cũng là một cách để nhà trường "giữ" được thí sinh giúp cho chỉ tiêu không bị giảm mà vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào.

Tuy nhiên, một quan điểm khác không phải là không đáng suy nghĩ. Thầy Trần Quang Khải, Trưởng phòng đào tạo Trường TH Công nghệ lương thực - thực phẩm TP.HCM cho rằng: Một khi học sinh đã tốt nghiệp được THPT thì hoàn toàn có khả năng học các trường THCN mà không cần phải thi cử hay xét tuyển quá gắt gao. Quan trọng là khi vào trường các em có ý thức học tập thật tốt.

Có lẽ vì tình trạng phần lớn các trường THCN đều thiếu thí sinh nên chuyện thí sinh không đỗ ĐH, CĐ chắc chắn sẽ có một "suất" THCN nếu muốn là điều dễ hiểu, nhất là khi học sinh không phải tham dự một kỳ thi nào. Điều này có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo hay không còn phụ thuộc vào cách dạy và học của thầy và trò chứ không chỉ là việc "vớt" hay không "vớt"!

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.