Ý kiến bạn đọc về quản lý tên miền: Nên cấm đầu cơ, đừng cấm mua bán

17/02/2006 16:40 GMT+7

Trước tuyên bố của đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) là sẽ thu hồi các tên miền bị đầu cơ, bị đem rao bán (với lý giải rằng tên miền là tài nguyên quốc gia nên việc mua bán, đầu cơ tên miền là một hành vi bị pháp luật cấm) đã có rất nhiều ý kiến phản hồi gửi tới Thanh Niên. Phần lớn các ý kiến đều phản đối việc cấm mua bán tên miền đồng thời đưa ra những góp ý xây dựng xung quanh vấn đề này:

"Đất nước ta đã trải qua 20 năm đổi mới, Chính phủ vẫn đang liên tục đổi mới để hội nhập vào sân chơi bình đẳng của WTO, nâng đất nước Việt Nam và con người Việt Nam lên tầm cao mới. Vậy mà cứ thỉnh thoảng vẫn nghe báo chí đề cập đến những cách làm của thời bao cấp. Tôi thấy ngăn cấm đăng ký tên miền chưa có sở hữu chẳng khác nào "ngăn sông cấm chợ" cả. Đăng ký và mua bán tên miền cần được khích lệ và là cảnh báo cho những người chậm chân trong nhịp sống số nữa. Cấm mua bán tên miền thì bộ chủ quản có cần lập ra Trung tâm Internet Việt Nam hay không?". (Nguyễn Đức Uyên - uyenduc@gmail.com)

"Tôi đồng ý là không nên cấm mua bán tên miền nhưng cần có những quy định ngăn chặn việc đầu cơ trục lợi trong thị trường tên miền. Thí dụ bạn tên A, bạn định đăng ký tên miền www.a.com mà bị người khác tên B dành quyền đăng ký trước tên miền này để bán lại cho bạn với giá cao thì đó là hành vi đầu cơ trục lợi của nguời tên B. Pháp luật phải ngăn chặn". (Minh Duy - minhduy04@gmail.com)

"Ở đây tôi không bàn đến việc đầu cơ tên miền mà chỉ bàn đến việc cấp phát tên miền của VNNIC. Vừa rồi công ty Linh Nhân chúng tôi có thiết kế một web site cho một trường THPT rất nổi tiếng. Vấn đề là trường học thì phải có domain theo kiểu edu nên phải là edu.vn. Chúng tôi tư vấn nhà trường đăng ký với VNNIC tên miền là tentruong.edu.vn. Trên trang web này chúng tôi sẽ thiết kế sẵn cho nhà trường một hệ thống thư điện tử theo dạng tennguoisudung@tentruong.edu.vn. Tuy nhiên khi đăng ký thì VNNIC yêu cầu domain cho các trường thpt phải theo công thức: Cấp trường - Tên trường_Địa phương - Tên Tỉnh (tp).edu.vn. Vì vậy VNNIC khuyến cáo là chỉ cấp phát cho nhà trường domain là: THPT-TENTRUONGHUE-THUATHIENHUE.EDU.VN. Nhưng sau đó VNNIC lại thông báo là không thể cấp tên miền đó được bởi vì tên miền quá dài! Sau gần 2 tháng bàn thảo cuối cùng VNNIC đồng ý cấp cho trường tên miền là THPT-TENTRUONGHUE-TTHUE.EDU.VN. Domain này rất bất tiện cho người truy cập bởi vì tên miền quá dài, mặt khác nó không phản ảnh được bộ mặt của nhà trường bởi vì tên miền quá xấu. Chưa kể là cuối cùng chúng tôi không thể làm hệ thống thư điện tử cho nhà trường được bời vì ít người nào nhớ được địa chỉ mail theo kiểu như: NguyenVan....@thpt-tentruonghue-tthue.edu.vn". (Phạm Văn Thịnh - linhnhanhue@dng.vnn.vn)
 
"Tất cả các nước tiên tiến về internet đều cho phép kinh doanh tên miền, và có những tổ chức chuyên nghiệp về kinh doanh cũng như đưa ra những tiêu chí và công cụ giúp đánh giá và chọn lựa tên miền. Hoạt động này đem lại lợi ích thúc đẩy việc mua/sử dụng tên miền. Việc các cá nhân tổ chức ở VN mua và duy trì tên miền khi chưa thực sự có nhu cầu sử dụng nhìn theo góc độ khác là một đóng góp giúp tăng thu nhập của tổ chức quản lý tên miền trong bối cảnh tên miền VN chưa phải là món hàng hấp dẫn đối với thị trường internet VN. Vấn đề là ở chỗ việc kinh doanh tên miền phải được hợp thức hóa và đóng thuế như các mặt hàng khác, cơ quan quản lý kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm về việc này. VNNIC là cơ quan quản lý cấp tên miền thì phải xác định mục đích của mình là làm sao phát triển được nhiều tên miền .VN nhất và đảm bảo quản lý sử dung tên miền theo đúng quy định và pháp luật. VNNIC nên nhìn những người "đầu cơ" tên miền như những đối tác giúp phát triển thị trường cho mình. Còn về việc quy định đặt tên miền, tốt nhất là liệt kê cụ thể các tên miền không cấp để tất cả đều biết, tránh gây tranh cãi sau này. Còn việc đăng các tên miền trong giai đoạn chờ đăng ký như đang tiến hành là có ích, giúp giải quyết tranh chấp trước khi việc đang ký được tiến hành. Mọi quy định khi được công bố một cách rõ ràng và công khai minh bạch sẽ giúp việc quản lý dẽ dàng hơn". (MT Nguyen - mt.video@gmail.com)

"Tôi cũng không đồng ý với quan niệm tên miền là tài nguyên quốc gia. Nhưng VNNIC quên rằng những người muốn có thứ tài nguyên quốc gia đều phải bỏ tiền ra mua? Giả sử người đăng ký mua ban đầu không sử dụng tên miền vì một lý do cá nhân nào đó thì VNNIC có trả lại tiền cho họ không? Than đá, dầu hỏa mà hiện người ta vẫn mua bán có thể bị thu hồi không?". (Thinh Nguyen - thinhinvietnam@yahoo.com)

"Tôi rất đồng ý với tác giả bài báo. Nếu cá nhân nào biết cách làm giàu chính đáng thì cần phải khuyến khích họ, miễn không phạm pháp, và tất nhiên phải có đóng thuế thu nhập cá nhân, thu nhập không thường xuyên theo luật định". (Van Dung - freetoshare007@yahoo.com)

"Nếu xem tên miền là tài nguyên quốc gia và dựa vào căn cứ đó để cho rằng buôn bán tên miền là trái phép thì cũng không thể cho phép mua bán hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai, vì đất đai cũng là tài nguyên quốc gia. Hành vi cấm đoán này thể hiện sự thiếu tự tin trước cái mới của những người quản lý". (Dang Anh Dung - lysdanus@yahoo.com)

"Theo tôi, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta nên tập làm quen với thông lệ của thế giới. Tên miền là một loại tài nguyên không thể có chủ nhân tiền định. Ai có nhu cầu thì đăng ký, đóng phí và tất nhiên có thể bán lại. Ai chậm chân phải mua lại, số tiền do 2 bên thỏa thuận. Làm như VNNIC hiện nay là khuyến khích sự thụ động của doanh nghiệp VN hiện nay: chậm quan tâm đến thương mại điện tử, tài nguyên có sẵn mà không quan tâm". (Vũ Quốc Đại - vqd@hcm.vnn.vn)

"Tôi đồng ý tên miền là một hàng hóa có giá trị, không thể ngăn cấm việc mua bán tên miền. Theo tôi, vấn đề là ở chỗ xác định rõ hành vi đầu cơ tên miền. Không thể để một cá nhân láu lỉnh nào đó lại sở hữu những tên miền trùng với tên của các tổ chức nổi tiếng trong và/hoặc ngoài nước nhằm trục lợi cá nhân". (Công Bình - Work1_2005@yahoo.com)

"Tôi cũng là một IT, tôi hết sức bất bình trước những việc cấm đoán như thế. Tại sao chúng ta không nghĩ lại là nguyên nhân nào mà các công ty ở Việt Nam lại mua tên miền của nước ngoài mà không mua của Việt Nam. Theo tôi biết thì có 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, tên miền Việt Nam chúng ta bán còn quá mắc trong khi đó tên các tên miền .com .info .biz giá thì rất rẻ, chỉ 5 - 6 USD. Thứ hai, việc đăng ký tên miền ở ta còn quá nhiều phức tạp, phải mất gần cả tuần tên miền mới hoạt động được trong khi đó đăng ký tên miền nước ngoài chỉ trong vòng 24h giờ là có thể sử dụng. Theo tôi, muốn phát triển được tên miền của Việt Nam, trước tiên chúng ta cần phải xem lại giá cả và thủ tục đăng ký kể cả việc mua đi bán lại của các cá nhân và công ty, người ta phải có quyền mua và chuyển nhượng được chứ cấm đoán như thế thì làm sao phát triển được tên miền của Việt Nam!". (Thanh Vinh - ltvinh@gmail.com)

"Trong một thế giới internet sôi động, việc chuyển giao tên miền là hoàn toàn hợp lý. Tên miền hay chỉ được chuyển giao cho những người tâm huyết đầu tư, trong trường hợp người đó không có khả năng giữ, họ sẽ chuyển giao cho người khác". (Nguyen van Dong - xgalang@yahoo.com)
 
"Tôi không đồng ý việc cấm mua bán tên miền, mặc dù tôi có thể sớm là nạn nhân của một vụ mua bán tên miền trong nay mai (công ty tôi có cái tên rất hay nhưng vẫn chưa đăng ký cấp tên miền). Những nhà quản lý VNNIC cần phải được "nâng cấp" để thấy rằng họ cần phải có cách ứng xử gần đúng với chuẩn mực quốc tế để VN có thể hòa mình càng sớm càng tốt vào dòng chảy của thời đại. Cấm đoán quá nhiều thứ, dẫn đến lạm dụng đã đẩy nền kinh tế chúng ta thua kém thế giới". (Vinh - kq-vinh@saigonnet.vn)

"Nếu không được mua bán thì là giới hạn khả năng làm giàu chân chính của người sở hữu rồi!". (Jiro Tran - jirovn@yahoo.com)

K.H (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.