Qua cuốn Gõ cửa đêm giao thừa thế kỷ: Tự sự của nhà báo -Tổng biên tập Nguyễn Công Khế

19/02/2006 22:46 GMT+7

Những ngày này, cuốn Gõ cửa đêm giao thừa thế kỷ của Nguyễn Công Khế do NXB Trẻ xuất bản hiện đang tiếp tục phát hành. Cuốn sách dày hơn 365 trang, với lời giới thiệu mở đầu của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng: "Chế độ báo chí của nước ta hiện nay quy định Tổng biên tập là người chịu trách nhiệm chính về đường lối chính trị của tờ báo - nhưng Nguyễn Công Khế còn xuất hiện trên mặt báo trong tư cách người cầm bút, nghĩa là chịu trách nhiệm với điều mình viết có ký tên cụ thể".

Vậy, nhà báo - Tổng biên tập Nguyễn Công Khế đã viết gì qua tập sách và viết với thái độ ra sao? Câu trả lời có thể đọc thấy qua Tự sự của một người làm báo trong cuốn trên: "Người làm báo có cái khổ tâm là mọi cái mình biết và suy nghĩ đều phải đưa lên mặt báo, còn người công dân bình thường thì họ đổ vào những chỗ khác, phản ứng theo cách khác. Cho nên người viết báo ngày nào cũng phải phơi "tâm can" của mình cho người khác nhìn. Có thêm bạn cũng nhiều mà những người ghét mình cũng không ít" (trang 13).

Chẳng hạn, qua vụ án Năm Cam vừa rồi, báo Thanh Niên và các đồng nghiệp tích cực tham gia đưa vụ việc ra ánh sáng, thì tác giả (Nguyễn Công Khế) có bị "hậu quả" gì ở vụ án đó cũng như những vụ tương tự hay không? Anh trả lời: "Tôi quả quyết là có. Có khi nặng nề nữa là đằng khác. Có sự nghi kỵ, kiếm chuyện... nhưng dứt khoát đó không phải là số đông trong bộ máy Đảng và Nhà nước ta. Đó là điều rất đáng mừng đối với nước ta. Tôi còn nhớ ông Evgeny Leng, một phóng viên APN của Liên Xô cũ, khi báo Thanh Niên mới ra đời, ông viết một bài với tiêu đề xanh rờn: "Chúc báo Thanh Niên sẽ có kẻ thù". Nghe ra rất ngược đời nhưng lại có lý lẽ của nó. Lý lẽ ở chỗ là, khi anh minh bạch thì những kẻ không minh bạch dứt khoát ghét anh. Anh đổi mới, chống tham nhũng theo đường lối của Đảng, thì đám tham nhũng và người không thích đổi mới sẽ ghét anh. Đến nỗi lời bình luận ngược đời đó được các nhà báo nổi tiếng lúc đó như Phan Lang, Trần Công Mân của Quân đội Nhân dân và anh Bến Nghé - báo Sài Gòn Giải phóng, Thép Mới - Phó tổng biên tập báo Nhân dân không ngớt bình luận. Làm báo, tôi chỉ sợ mỗi điều là ta làm việc gì đó để cho những người tốt, người trung thực ghét mình, xa lánh mình và coi thường mình chứ tôi tuyệt đối không sợ người xấu ghét bỏ và thù hằn mình" (tr. 14).

Tổng biên tập Nguyễn Công Khế cùng Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh T.L

Với thái độ ấy, anh đã "gõ cửa" và "dộng cửa" 20 năm qua, để đấu tranh cho cái đúng, sự tiến bộ, công bằng qua một loạt các nội dung về cải cách một cửa một dấu (tr. 27), đừng để người làm giàu chính đáng phải lo (tr. 37), hãy lắng nghe những tiếng chuông phản hồi (tr. 49), lại "lạm bàn" về thuế (tr. 53), những vấn đề cần bàn về việc bán nông sản phẩm ra nước ngoài (tr. 81), góp ý về nguyên do khiến tỷ lệ du khách quay lại Việt Nam thấp (tr. 114)... Anh mong muốn một Việt Nam hội nhập với thế giới và thịnh vượng, hạnh phúc, đưa ra các ý tưởng, trình bày những cảm xúc về ôn "nghèo" và mơ "giàu" (tr. 59), khơi dậy một nguồn lực Việt Nam (tr. 63), đánh thức con Rồng Việt Nam (tr. 99), con sông Hàn và một Đà Nẵng đang vươn tới (tr. 79), cảm nghĩ từ chuyến bay đầu tiên đến Côn Minh (tr. 95), bay thẳng tới Frankfurt (tr. 103), đã đến lúc hoàn chỉnh một chính sách đối với Việt kiều (tr. 131), một thông điệp mới của sự hợp tác và cùng phát triển (tr. 219),...

Khi trả lời phỏng vấn đài BBC (Anh) nhân ngày 30/4 năm ngoái (2005), anh đã phát biểu đại ý rằng, không có cớ gì Mỹ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ mà những người Việt với nhau lại còn chần chừ... Nếu không có sự hiểu biết, dung thứ, biết nhìn về tương lai dân tộc thì rất khó. Phải đặt mục tiêu lớn của dân tộc lên trên hết thì mới giải quyết được (tr. 318). Cạnh những chuyện "lớn", Nguyễn Công Khế cũng hướng ngòi bút của mình đến những chuyện "không nhỏ" bên hè phố như: hãy cho những người bán báo lẻ ở lề đường một quy định (tr. 267), chuyện bánh phở có ướp phoọc-môn (tr. 157)...

Đến đây, có lẽ nối thêm phần tự sự bằng đoạn trong bài phỏng vấn của Trường Sơn về một ngày làm việc của Tổng biên tập với câu trả lời: "Một ngày làm việc với tôi là quá bận rộn (...). Họp, tiếp khách, đi thực tế, suy nghĩ... làm sao cho nội dung tờ báo hay, đúng, hấp dẫn. Mỗi năm chúng tôi còn làm chương trình nghệ thuật Duyên Dáng Việt Nam, tổ chức giải bóng đá trẻ U.21 mang tên báo Thanh Niên, gây dựng Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình và còn rất nhiều công việc không tên mà một tờ báo của một tổ chức thanh niên phải làm". Trong bao nhiêu bận rộn đó, tổng biên tập có bị "bóng ma" của tiền tài, bạo lực hù dọa hoặc mua chuộc không? Nguyễn Công Khế trả lời: "Mua chuộc đối với tôi cũng nhiều, đe dọa cũng nhiều, tung "tin vịt" cũng nhiều. Trong hồ sơ vụ án Năm Cam mà trung tướng Nguyễn Việt Thành còn giữ trong tủ két của mình, có chi tiết cho thấy băng đảng này tính giết tôi và ông Thành vì chúng mua chuộc mà không được. Tất cả những thứ đó, tôi trải qua, nhưng tôi tự cam kết với chính mình rằng, tôi không nhường bước trước cái xấu, cái ác" (tr. 327). Năm 2006, bằng cam kết đó, tác giả đang tiếp tục "gõ cửa" và "dộng cửa" với tin tưởng sẽ cùng tất cả bạn đọc bước vào đất hứa của tương lai Việt Nam đang mở ra trước thiên niên kỷ mới.

Hồng Hạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.